“Ngòi nổ” căng thẳng tại biên giới Trung – Ấn

18/06/2020 15:38

Các cuộc đụng độ giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới chung ngày càng trở nên phức tạp và căng thẳng, đẩy hai nước tới nguy cơ xung đột quân sự.

“Ngòi nổ” căng thẳng tại biên giới Trung - Ấn - 1
Binh sĩ Ấn Độ – Trung Quốc tại biên giới chung. (Ảnh: PTI)

Ngày 15/6, một vụ đụng độ đã xảy ra giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở thung lũng Galwan, vùng Ladakh trong khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Ấn Độ ban đầu xác nhận có 3 binh sĩ thiệt mạng, song trong tuyên bố được đưa ra vào tối 16/6, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết số binh sĩ nước này thiệt mạng trong vụ đụng độ với Trung Quốc lên tới 20 người.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết vụ việc xảy ra do Trung Quốc tìm cách “đơn phương thay đổi hiện trạng” tại khu vực tranh chấp ở biên giới. Đây được cho là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất tại biên giới của Trung Quốc và Ấn Độ trong vòng hơn 40 năm qua.

Hồi tháng 5, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ từng ẩu đả tại khu vực biên giới không chính thức của hai nước ở khu vực dãy Himalaya, hay còn gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC). Tuy nhiên, các chỉ huy quân đội cấp cao của hai nước đã gặp mặt để hạ nhiệt căng thẳng.

Xung đột kéo dài

“Ngòi nổ” căng thẳng tại biên giới Trung - Ấn - 2
Bản đồ khu vực thung lũng Galwan. (Ảnh: BBC)

Các vụ đụng độ gần đây xuất phát từ việc Ấn Độ xây dựng một con đường ở thung lũng sông Galwan – khu vực được bao bọc bởi một bên là Ladakh do Ấn Độ kiểm soát và bên còn lại là Aksai Chin do Trung Quốc quản lý.

Mặc dù binh sĩ hai nước đã rút lui sau các vụ đụng độ, song việc xây dựng con đường suốt thập niên qua dọc biên giới chung dài 3.500 vẫn chưa dừng lại, khiến cuộc đối đầu giữa hai nước càng thêm căng thẳng.

Xung đột biên giới Trung – Ấn bắt đầu từ hàng chục năm trước và từng leo thang thành một cuộc chiến tranh ngắn vào năm 1962, sau khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng tuyến đường Tân Cương – Tây Tạng vào năm 1959, đi xuyên qua Aksai Chin để kết nối trực tiếp 2 khu vực xa xôi ở phía tây Trung Quốc.

Ấn Độ đã phản ứng dữ dội vì cho rằng Aksai Chin là một phần của Ladakh.

Quân đội hai nước đã giao chiến trong khoảng 1 tháng trước khi Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn và lùi lại 20 km sau đường LAC năm 1959.

Gần đây, căng thẳng bùng phát trở lại vào năm 2017 khi Ấn Độ phản đối Trung Quốc mở rộng một con đường tại cao nguyên Doklam, khu vực giao nhau giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Cuộc xung đột kéo dài trong 2 tháng và là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai nước kể từ sau cuộc chiến năm 1962.

Năm 2019, Ấn Độ đã xây dựng một con đường có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết tại khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Ấn Độ cũng lên kế hoạch hoàn tất 11 con đường khác dọc LAC trong năm nay.

“Ngòi nổ” căng thẳng tại biên giới Trung - Ấn - 3
Biển “Tình hữu nghị Trung – Ấn: Vì một tương lai tươi sáng và rạng rỡ” đặt tại biên giới. (Ảnh: Reuters)

Việc xây dựng và bảo dưỡng các con đường trên là trách nhiệm của Tổ chức Đường bộ Biên giới, cơ quan thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Kế hoạch của cơ quan này là xây dựng 61 con đường với tổng chiều dài 3.300 km dọc theo LAC trước năm 2023. Tháng 10/2019, Tổ chức Đường bộ Biên giới thông báo đã hoàn tất 75% tiến độ chương trình.

Năm 2019, Ấn Độ hoàn tất đoạn đường dài 255 km nằm giữa thị trấn Leh và đèo Karakoram, với 37 cây cầu bắc qua những con sông bị đóng băng trên cao nguyên 5.000 m. Đoạn đường này chỉ cách đèo Karakoram, nút giao giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, 20 km. Đoạn đường mới cho phép Ấn Độ triển khai nhanh chóng binh sĩ và vũ khí hạng nặng tới khu vực mà nước này không thể tiếp cận trước đây, từ đó dẫn tới vụ đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc hồi tháng 5.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực để mở rộng tuyến đường Tân Cương – Tây Tạng cũ thành Quốc lộ 219, hay Đường G219, dọc theo biên giới phía tây trải dài của nước này, bao gồm các nhánh nối với những vùng đất xa xôi.

Từ Tân Cương, Quốc lộ 219 sẽ băng qua các khu vực Kunlun, Karakoram, Gangdise và dãy Himalaya, qua các cao nguyên 4.500 m để đi vào Tây Tạng. Con đường này cũng vươn xa hơn tới các vùng Shannan và Nyingchi ở Tây Tạng, nơi có một phần được Ấn Độ kiểm soát trong vùng đất thuộc bang Arunachal Pradesh.

Trong 5 năm qua, Quốc lộ 219 được nâng cấp và điều chỉnh đáng kể, đặc biệt một số đoạn ở Shannan và Nyingchi, mỗi đoạn dài hơn 300 km. Đoạn đường bê tông nối Medog và Zayu, 2 khu vực thuộc vùng đất do Ấn Độ kiểm soát, sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.

Cạnh tranh Trung – Ấn

“Ngòi nổ” căng thẳng tại biên giới Trung - Ấn - 4
Vị trí Arunachal Pradesh – một trong những khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Với dân số mỗi nước lên tới hơn 1,3 tỉ người, Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ là hai nước có đông dân nhất thế giới mà cả hai còn đang tham gia tích cực vào cuộc đua trở thành “siêu cường” ở khu vực Nam Á.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng việc đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm thúc đẩy các tuyến giao thông giữa châu Á, châu Phi và châu Âu. Ngoài việc triển khai một phần dự án “Con đường tơ lụa” mới qua Pakistan, Trung Quốc còn thắt chặt quan hệ với Bangladesh, Sri Lanka, Nepal và Bhutan – những quốc gia nằm xung quanh Ấn Độ.

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc hơn so với những người tiền nhiệm. Ông Modi công khai phản đối sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh, cho rằng dự án này xâm phạm vào lãnh thổ của Ấn Độ và bày tỏ sự hoài nghi về ý định của Trung Quốc.

Cùng lúc đó, Ấn Độ cũng âm thầm tăng cường năng lực quân sự, tăng số bộ binh và cả quân dự bị, đưa xe tăng tới khu vực Ladakh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đang sở hữu quân đội mạnh hơn với hơn 2 triệu quân, gấp đôi Ấn Độ và sở hữu số xe tăng, tàu ngầm, máy bay chiến đấu vượt trội.

Tuy vậy, ông Lin Minwang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán, cho rằng các cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới là không thể tránh khỏi.

“Ấn Độ và Trung Quốc không thể giải quyết vấn đề biên giới bây giờ. Điều duy nhất có thể làm trên thực tế là quản lý xung đột”, ông Lin cho biết.

Thành Đạt/DT

Đọc nhiều