8
category
331306

Nghiêng mình trước 39 linh hồn xấu số, chúng ta cần tự vấn lương tâm…

07/11/2019 10:58

Vụ việc 39 người chết trong container ở Anh là những cái chết được báo trước, đấy là bi kịch lớn nhất của con người.

Tin 39 người thiệt mạng trong thùng sắt lạnh. Rồi tin xác minh trong số ấy có người Việt. Điển hình xót xa nhất là tấm hình cô gái trẻ, thanh xuân phơi phới, lúc đau đớn sắp chết, viết tin nhắn gửi về cho mẹ. Đọc dòng tin nhắn tôi đã trào lệ. Tất cả những điều ấy đã làm thế giới có lương tri rung chấn.

nghieng minh truoc 39 linh hon xau so, chung ta can tu van luong tam... hinh 1
Chiếc xe container – nơi phát hiện 39 nạn nhân xấu số.

Là người từng dầm chân trong băng giá bao tháng năm ở xứ lạ mưu sinh, tôi rùng mình cảm nhận được, khi con người ta phải đối diện với âm 25 độ, chết từ từ, chết đau đớn ra sao.

Ba mươi chín sinh linh đã xa lìa cuộc sống một cách đau đớn ngạt thở và có ai để ý rằng, trong tin nhắn của cô gái trẻ kia trước khi cô lìa đời, đau đớn thế vẫn cố nhắn dòng tin cho chính mẹ cô, rõ ràng địa chỉ quê hương bản quán.

Nếm trải 35 năm ở Đức, tôi không chỉ từng chống chọi lại giá lạnh để mưu sống. Tôi thấm tháp nỗi đau tha hương từng viết: Đồng D mark trong túi áo/ Chém vào lòng nhận ra lời tha hương lạc xứ của ai. Rồi tôi viết tiểu thuyết Quyên. Để mô tả cuộc trôi dạt bi thương của người đàn bà xinh đẹp tên Quyên và những thân phận trong trại tị nạn, tôi đã hỏi rất nhiều nhân chứng.

Thực tế là không phải chỉ hôm nay, mà đã quá lâu rồi, đến hơn 30 năm, biết bao nhiêu người đã dấn thân, bất chấp hậu quả bi thương như Quyên hôm qua hay cô gái trẻ hôm nay? Bao nhiêu người đã chết trên đường rừng, bị chính người đồng bào mình giết, hành hạ; bao người đã bị bỏ đói đến chết trong hầm lạnh, trong xe rơ-mooc ngay rìa thủ đô Berlin; bao người mà thân phận họ, nhân phẩm bị trà đạp đến tan nát như Quyên trong tiểu thuyết Quyên? Cô Quyên của tôi còn tìm được người yêu thương che chở cho mình, dẫu nhân phẩm đã bị trà đạp, gia đình tan vỡ, còn cô gái đang tuổi thanh xuân kia đã không bao giờ về với mẹ cô.

Dòng tin nhắn kia xác lập trước khi mất rằng, cô vẫn là người Việt, ở nhà ấy xóm ấy, còn thân phận cô trước lúc mất, trong cái quan tài sắt ấy, giấy tờ bị đốt bỏ hay thu giữ. Cả hệ thống luật pháp hai Nhà nước Anh và Việt Nam phải hoạt động  khẩn trương, trách nhiệm,  hết công suất, nhằm xác định 39 người xấu số ấy là ai!

Đấy là một bi kịch lớn nhất mà người từng trải qua 35 năm tha hương như tôi cảm nhận được trước khi là nhà văn, để đau lòng mà viết nhiều trang về họ hòng cảnh báo từ sự thật – một sự di dân mạo hiểm.

Nhưng rõ ràng, nhiều người đã không thấm, không cảm nhận được điều tôi và vài nhà báo ở hải ngoại đã nói và viết. Để thực hiện khát vọng thoát nghèo, làm giầu thật nhanh, họ đã mạo hiểm chính cuộc đời mình và nhận kết cục khủng khiếp, bi thương.

Chúng ta có lỗi gì, tôi liên quan thế nào với những cái chết đã được báo trước này? Suy nghĩ ra sao, khi còn bao nhiêu cái chết trước đó và cả sau này nữa nếu tự mỗi người không nhìn rõ tất cả nguyên nhân sâu xa để nhằm thức tỉnh?

Trong tiểu thuyết Quyên tôi đã tiết chế nhiều chi tiết hiện thực đã xảy ra với đồng bào tôi, để tái dựng ra hiện thực văn học chỉ bằng 60% sự thật của thực tế. Sợ sa vào tự nhiên chủ nghĩa và giảm đi cho bớt bản năng ác độc của chính đồng bào tôi, khi họ với tư cách những kẻ đưa đường. Liệu giải pháp ấy của nhà văn có làm hiệu ứng cảnh báo giảm đi chăng?

Thời gian gần đấy, khi tham gia vào một chương trình nói về các thế hệ cha anh chống Pháp và thế hệ chống Mỹ, sau khi nghe tôi kể lại những suy tư có thực và sự hy sinh của nhiều thế hệ chúng ta, để bảo vệ Hà Nội, bảo vệ đất nước, một cháu tham gia chương trình buồn rầu nói với tôi: “Trời ơi thế hệ các chú, các anh cuộc sống có lý tưởng quá, còn chúng cháu giờ đây nhiều người sống mà chỉ muốn sao có thật nhiều tiền…”

Vâng, rõ ràng hôm nay, các giá trị tinh thần nhiều khi, nhiều lúc dường như bị coi nhẹ.

Ngày ngày trên truyền thông, chúng ta tha hồ quảng cáo cho những giai tầng sang trọng, nhấn mạnh hay vinh danh sự sang chảnh biết chơi hàng hiệu tiền tỷ, ô tô, nhà cửa như quý tộc phương Tây. Chúng ta vô tư nói về các MC, về các ca sỹ và người mẫu thu nhập hàng tỷ đồng mà quên đi một điều rất cần nói là làm thế nào để người ta có thể giàu có.

Và quan trọng hết là làm thế nào để giàu có, thành đạt một cách lương thiện.

Chú trọng chỉ một mặt về đời sống thừa thãi vật chất như là mục tiêu sống của con người ta chỉ là như thế, đã tác động không nhỏ tới một bộ phận thanh thiếu niên trong xã hội. Phim ảnh, quảng cáo, tin tức… dường như chỉ hướng người ta tới hai từ – vật chất, và coi điều ấy như là mục tiêu cuối cùng của đời sống. Truyền thông nhiều lúc quên đi rằng, con người ta khi sống thực sự, tròn vạnh hai từ CON NGƯỜI thì không chỉ giàu có về vật chất mà còn cần cả sự giàu có về tâm hồn, những giá trị tinh thần, văn hóa truyền thống.

Rõ ràng ít nhiều người ta cũng nhận ra sự nguy hiểm khi vượt biên bất hợp pháp, nhưng người ta vẫn chấp nhận bước vào cuộc phiêu lưu ấy thì ai phải chịu trách nhiệm về triết lý sống của một bộ phận xã hội đã lệch lạc đến mức độ nguy hiểm.

Thật buồn, thậm chí không hiểu nổi khi một số quan niệm ngụy biện mang danh nhân đạo chung chung vô hình chung tiếp tay cho tội ác với nhân loại, thiếu ý thức ngăn chặn, thức tỉnh, nguy cơ tiếp tục dẫn đến những cái chết oan nghiệt.

Chúng ta – bất cứ ai có lương tri đều phải ngả mũ, thương xót 39 linh hồn xấu số, chia sẻ sâu sắc với nỗi đau của gia đình họ.

Tuy nhiên, cần phải cảnh tỉnh những hiểm nguy của việc đi lao động bất hợp pháp, đánh cược chính sinh mạng của mình. Mưu sinh hay làm giàu bằng cách ấy, dứt khoát là không đáng và khôn nên chọn.

Mặt khác Nhà nước, các cơ quan hữu trách, phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn, quét sạch các tổ chức đưa người bất hợp pháp, làm tiền chính trên xương máu, trên cả nhân phẩm của con người.

Với tư cách từng 35 năm tha hương vì miếng cơm manh áo, tôi khẳng định tha hương là buồn bã vô cùng, dầu vật chất có no đủ ra sao. Tha hương trong tư cách chui lủi, thậm chí không quốc tịch, không bản quán, trở thành con người vô danh… – đấy là bi kịch lớn nhất của con người.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

(Theo VOV)

Đọc nhiều