8
category
400549

Nghiện game đòi giết cha mẹ mỗi khi cha mẹ cất máy tính

12/06/2020 08:02

Game online có nội dung bạo lực là mối nguy bên cạnh trẻ. Có trẻ nghiện game, mỗi khi cha mẹ cất máy tính bảng là cháu đòi giết cha mẹ, phụ huynh đã phải tìm đến bác sĩ tâm lý để chữa trong một thời gian dài.

Có trẻ nghiện game đòi giết cha mẹ mỗi khi cha mẹ cất máy tính - Ảnh 1.
Các em ở độ tuổi đi học hóa thân để chém giết lẫn nhau trong game online (ảnh chụp tại một tiệm game online ở quận 9, TP.HCM) – Ảnh: THANH CHIÊU

Game bạo lực có thể gây tác động lên người chơi nhiều nhất hiện nay có thể nói là game trên nền tảng Steam – một nền tảng cung cấp game bản quyền và kết nối người chơi game với nhau hoạt động xuyên biên giới.

Bạo lực và kinh dị

Nền tảng Steam này hoạt động được cả trên máy tính và smartphone, người chơi có thể mua game tại Việt Nam và chơi trực tuyến với bạn bè. Phần lớn các game được ưa chuộng trên nền tảng này là các game bạo lực và kinh dị.

Đình đám nhất trên Steam thời gian qua có thể kể đến 2 tựa game kinh dị là Dead By Daylight và Friday the 13th: The game. Đây là những game có nội dung đuổi bắt và tìm cách sát hại lẫn nhau.

Ở đó, nhân vật của người chơi game sẽ xuất hiện trong phòng kín và một trong số người tham gia sẽ thành kẻ sát nhân hoặc nhân vật người chơi phải trốn chạy khỏi những sát thủ, nếu để bị bắt sẽ bị mang về cho chủ nhân của chúng tiêu diệt. Nhân vật người chơi sẽ bị giết từ từ và vòng lặp trò chơi quay lại liên tục dễ gây ra ám ảnh khi chơi.

Là dịch vụ xuyên bên giới nên Steam không quảng bá nhiều ở Việt Nam, nhưng nó lại được những người chơi game trong nước quảng bá rất tích cực trên các diễn đàn game, các kênh YouTube, trên Facebook…

Rất nhiều hướng dẫn việc chơi game, thậm chí game thủ còn livestream khi chơi game trên YouTube hay Facebook và thu tiền đóng góp hay quảng cáo từ các nền tảng này.

Quản lý vẫn còn lỏng lẻo

Mặc dù siết chặt việc cấp phép game trong những năm vừa qua, nhưng có thể nói việc quản lý game trong nước hiện nay vẫn còn rất lỏng lẻo.

Doanh nghiệp phát hành game hiện vẫn vi phạm các quy định trong nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tư 24/2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng do Bộ Thông tin và truyền thông ban hành.

Cụ thể như việc lưu thông tin cá nhân của người chơi, hiện nay rất ít nhà phát hành thực hiện điều này. Phần lớn các game online đang phát hành hiện nay, bên cạnh sử dụng tài khoản đăng ký của doanh nghiệp, các công ty phát hành game còn cho phép họ dùng tài khoản của Google và Facebook để chơi game, điều này có nghĩa là nhà phát hành hoàn toàn thả lỏng quy định yêu cầu người chơi phải cung cấp thông tin cá nhân khi chơi game như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân…

Bên cạnh đó, các quy định về độ tuổi chơi game hay hạn chế thời gian chơi game cũng chỉ được làm cho có hình thức.

Nhà phát hành chỉ đặt dòng thông báo game dành cho người trên 18 tuổi và để đảm bảo sức khỏe thì người chơi không được chơi quá 180 phút (như trong quy định), nhưng thực tế người chơi mọi lứa tuổi đều có thể đăng ký chơi và chơi bao lâu tùy thích mà không gặp sự ngăn cản nào.

Có trẻ nghiện game đòi giết cha mẹ mỗi khi cha mẹ cất máy tính - Ảnh 2.
Bạn đọc Lê Mỹ – Ảnh: NVCC

Từ thế giới game đến đời thật

Theo thống kê mới đây của Bộ Thông tin và truyền thông, doanh thu từ game lậu chiếm tới 30% game tại thị trường Việt Nam. Việc này đang gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp phát hành game trong nước và thất thu về thuế.

Nhưng nguy hiểm nhất là các game lậu này không được phê duyệt nội dung và người chơi có thể chơi các game bạo lực không giới hạn. Người chơi game nhiều luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, bi quan, tất cả mọi thứ chỉ dồn vào game và hay bực dọc, cáu gắt…

Ngoài ra còn ảnh hưởng đến việc giao tiếp xã hội và đặc biệt nhiều trẻ em vì ham chơi game dẫn đến không giao tiếp, không nghe lời, sống tách biệt. Game bạo lực hay kinh dị còn tác động mạnh đến cơ quan thần kinh, khiến người chơi nhập tâm và dễ dẫn đến mô phỏng theo game ra ngoài đời thực.

Tình trạng nhiều học sinh và sinh viên đam mê chơi game bỏ bê học hành hiện nay đang càng trở nên phổ biến hơn. Những mâu thuẫn do chơi game nhằm thể hiện sức mạnh trong thế giới ảo, những cuộc đua về tiền đổ vào game, mâu thuẫn lúc đánh nhau bang hội hay công thành trong game cũng đang gây ra hệ lụy rất nhiều trong thế giới thực thời gian gần đây.

Đừng coi thường game offline

Game online có nội dung bạo lực, người lớn hay nội dung nhạy cảm… hiện nay không nhiều, nhưng thể loại này lại rất nhiều ở game offline (có thể chơi trên máy tính hay trên điện thoại).

Những game offline có nội dung nguy hại với trẻ xuất hiện rất nhiều trên các kho ứng dụng của Google và App Store với hàng trăm game đủ thể loại. Và điện thoại di động cũng có thể thành mối nguy với trẻ từ các game trên đó.

Báo động tệ nạn nghiện game

Bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH – chia sẻ chưa có báo cáo chính thức về tình trạng trẻ nghiện game, tuy nhiên số trẻ đến khám tại các bệnh viện sức khỏe tâm thần liên quan đến nghiện game có gia tăng. Có trẻ nghiện game, mỗi khi cha mẹ cất máy tính bảng là cháu đòi giết cha mẹ, phụ huynh đã phải tìm đến bác sĩ tâm lý để chữa trong một thời gian dài. Cũng đã có tình trạng trẻ học theo các trò chơi trên mạng.

Trẻ nghiện game có biểu hiện tương tự các tình trạng nghiện khác như xao nhãng học tập, nói dối, nói khéo, có biểu hiện bất thường… Tuổi dậy thì là lứa tuổi các cháu rất dễ bị lôi cuốn, dễ trở nên lệch lạc. Hiện có nhiều tệ nạn ảnh hưởng đến trẻ em như tệ bắt nạt, bạo lực, xâm hại trẻ em và nghiện game đang là tệ nạn đáng báo động.

L.ANH/TTO

Tags :
Đọc nhiều