135499
topics
421363

Nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây

18/08/2020 18:05

Giai đoạn 2021-2030, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu quy mô đầu tư từ 8 đến 10 làn xe đoạn từ nút giao An Phú đến Long Thành, riêng đoạn từ Long Thành-Dầu Giây giữ nguyên quy mô 4 làn xe.

Phương tiện lưu thông đoạn Vành đai 2 đến Quốc lộ 51 đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải vừa giao Tổng công ty Cửu Long tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây trình Bộ trong đầu quý 4/2020 làm cơ sở xem xét, đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, giai đoạn 2021-2030, nghiên cứu quy mô đầu tư từ 8 đến 10 làn xe đoạn từ nút giao An Phú đến Long Thành, riêng đoạn từ Long Thành-Dầu Giây giữ nguyên quy mô 4 làn xe.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu trong nghiên cứu phải làm rõ quy mô và trách nhiệm đầu tư đối với các nút giao An Phú, đường vành đai 2, đường vành đai 3, Quốc lộ 51.

Vụ Kế hoạch và Đầu tư được giao tham mưu bố trí vốn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án để triển khai và chủ trì phối hợp với địa phương. Các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu phương án tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, trong đó lưu ý phương án đầu tư đường trên cao (trong trường hợp không cho phép mở rộng quỹ đất) đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Sau 5 năm hoạt động, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đã quá tải. Theo Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC-chủ đầu tư), lưu lượng xe qua tuyến năm 2015 khoảng 10 triệu lượt xe, năm 2019 đã tăng 16,5 triệu. Mức tăng lưu lượng xe bình quân khoảng 10% mỗi năm.

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây dài 55km, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, gồm 4 làn xe, chiều rộng nền đường 27,5m với vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng.

Tuyến đường được khởi công xây dựng vào năm 2009 và hoàn thành, đưa vào khai thác từ 2015 giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, nâng cao tốc độ chạy xe, giảm thời gian, chi phí vận chuyển, đẩy mạnh giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực.

Việt Hùng/Vietnam+

Đọc nhiều