128036
category
507410

Nghịch lý quản lý đất rừng ở Khánh Hòa

Trần Anh 27/03/2021 13:40

Không chỉ ở Tiểu khu 231, tình trạng xâm chiếm đất, phá rừng DT 2 (cây gỗ tái sinh) ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa diễn ra khá phổ biến và cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương vẫn bất lực, lúng túng. Hậu quả, nhiều diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp vì người dân không ngừng “khai hoang” lên phía núi. Chưa kể, việc sử dụng đất rừng sai mục đích, khi cơ quan chức năng phát hiện ra, thì cây gỗ tái sinh cũng đã biến mất.

Rừng ở Tiểu khu 231, xã Suối Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bị chặt phá.
Rừng ở Tiểu khu 231, xã Suối Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bị chặt phá.

Đất rừng Nhà nước quản lý bị “xà xẻo”

Sau khi Báo Lao Động phản ánh về nạn phá rừng DT 2 tại tiểu khu 231, xã Suối Tân (huyện Cam Lâm), Tổ công tác Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm và UBND xã Suối Tân (Khánh Hòa) lại tiếp tục lập biên bản đối với một trường hợp phát dọn cây cối trên đất DT 2 (cây gỗ tái sinh) tại Tiểu khu ST 242A (cách Tiểu khu 231 theo đường chim bay khoảng 500m). Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng. Theo trình bày của ông Dũng với Tổ công tác (Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm và UBND xã Suối Tân), khu đất này ông khai hoang từ năm 1990 và sử dụng đến nay, không có tranh chấp.

Theo ông Dũng, năm 2017, ông đã xin đo vẽ và được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa xác nhận diện tích 126.984,9m2, thửa đất 600, tờ bản đồ số 01. Trên đất này, ông Dũng trồng các loại cây như xoài, bơ, mít…

Tổ công tác kiểm tra hồ sơ thì ông Dũng lại chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kiểm tra hiện trạng đất đối với diện tích đất ông Dũng đang phát dọn có các cây dây leo, bụi rậm, thuộc Tiểu khu ST 242A, khoảnh 1, lô 176, thửa 57, tờ bản đồ số 01, xã Suối Tân là đất DT 2 (cây gỗ tái sinh), Tổ công tác yêu cầu ông Dũng ngừng ngay việc phát dọn tại khu vực đất nói trên. Ông Dũng cam kết sẽ không chặt phá tại khu vực đất mà gia đình đang canh tác.

Suốt thời gian dài, ông Dũng tiến hành canh tác ngay trên đất DT 2 nhưng không hề bị kiểm tra, nhắc nhở. Không chỉ vậy, kề Tiểu khu 231, ông Nguyễn Nhật Chiêu (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) cũng mua đất bằng… miệng, không giấy tờ của một người dân khác để canh tác cây ăn quả trong những năm qua. Đáng chú ý, trên phần đất ông Chiêu đang canh tác, PV Báo Lao Động ghi nhận những gốc cây lớn bị đốn hạ, đốt phá tự bao giờ. Báo cáo của UBND xã Suối Tân cho biết, tại Tiểu khu 231 và 242 có rất nhiều hộ dân đã khai hoang, trồng các loại cây ăn trái. Từ đây, việc sử dụng đất sai mục đích so với quy hoạch loại đất rừng đặt ra dấu hỏi lớn về công tác quản lý đất đai.

Nghịch lý quản lý đất rừng

Năm 2016, Sở NNPTNT tỉnh xác định tại Tiểu khu 231, xã Suối Tân có rừng. Đến tháng 5.2019, UBND tỉnh ban hành quyết định 1440 đưa Tiểu khu 231 ra khỏi khu vực đất có rừng. Trong vụ phá rừng vừa rồi, Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm và UBND xã Suối Tân xác nhận khu vực này là DT 2 (rừng cây gỗ tái sinh), mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất, chủ quản lý là UBND xã Suối Tân. Tại văn bản số 97 ngày 22.3 gửi Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm xác nhận, qua kiểm tra hiện trạng thực tế và đo đếm gốc cây bị chặt tại hiện trường thì khu vực này (Tiểu khu 231) có rừng tự nhiên. Hạt Kiểm lâm huyện nhận thấy có dấu hiệu tội phạm và vụ việc đang trong quá trình điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự.

Ông Hoàng Trung Sĩ – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Lâm cho biết, khu rừng bị phá ở Tiểu khu 231, xã Suối Tân gọi là DT2 nhưng thực chất đã phát triển lên thành rừng xanh phục hồi. Bà Lê Thị Chiên – công chức địa chính xã Suối Tân cho biết: “Trước đây, Tiểu khu 231 được đo đạc bằng phương pháp chụp từ trên cao xuống toàn bộ một khu vực rộng lớn, đến nay vẫn chưa giải thửa nên khó xác định ranh giới” (!). Còn ông Nguyễn Ngọc Khuê – Chủ tịch UBND xã Suối Tân tại báo cáo 193 (ngày 1.3) thì không chịu nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu chính quyền xã: “Những năm qua, địa bàn xã có nhiều dự án lớn đang triển khai thu hồi đất để thực hiện dự án nên việc tuần tra, kiểm soát không thường xuyên, việc nắm tình hình tại các khu vực chưa được kịp thời…”. Khi những ý kiến của các cơ quan chức năng trái ngược nhau, nghịch lý vì vậy công tác quản lý đất rừng vẫn rối như… tơ vò.

NHIỆT BĂNG/LĐO

Tags :
Đọc nhiều