8
category
329091

Nghịch lý “nâng điểm để tạo phúc”, “vì tình cảm” chứ không phải vì tiền

17/10/2019 16:57

Trong hơn 1 ngày xét xử, các bị cáo vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang đều khai mình chỉ giúp nâng điểm vì tình cảm và tạo phúc cho mình chứ không phải vì tiền. Nghe thật nghịch lý nâng điểm thi chỉ để tạo phúc cho bản thân.
Nâng điểm là kết quả của việc “để tạo phúc”, “vì tình cảm”

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang sáng 15-10, Hội đồng xét xử (HĐXX), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), các luật sư tiếp tục xét hỏi bị cáo trong vụ án.
Bị can Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Giang) đã nâng điểm cho 20 thí sinh, trong số đó có nhiều thí sinh từ các tỉnh, thành khác đến Hà Giang để dự thi, do được bị cáo Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 nhờ vả. Khai trước toà, Lê Thị Dung cho biết các thí sinh này chủ yếu do quen biết, quan hệ từ đồng nghiệp, bác sĩ trong bệnh viện, người giữ xe bệnh viện, nơi đến khám bệnh đến các thí sinh đi nghĩa vụ quân sự trở về…

g
Các bị cáo vụ gian lận thi cử tại Sơn La và Hà Giang cho rằng, hành vi nâng điểm cho thí sinh không phải vì tiền.

‘Bị cáo bị nhiều loại bệnh hành hạ nên nghĩ rằng việc giúp các thí sinh là để tạo phúc cho mình. Trong cuộc sống có nhiều người đã giúp đỡ bị cáo rất nhiều’ – Lê Thị Dung khai trước toà và cho biết không rõ nguyên nhân các thí sinh từ nơi khác đến Hà Giang dự thi nhưng để được dự thi thì các thí sinh phải đủ điều kiện.
Khi đưa danh sách bị cáo phải biết nguyện vọng của các thí sinh. ‘Cho dù nâng đến nửa điểm cũng là trái pháp luật. Mình phải làm đúng với lương tâm, đạo đức con người mới là tạo phúc’ – Thẩm phán Vương Thị Thu Hà, Chủ tọa phiên toà, đáp lại lời bị cáo Dung.Tiếp đó, đại diện luật sư hỏi bị cáo Dung tại sao lại có quá nhiều người tỉnh khác cũng đến Hà Giang dự thi, ‘Dư luận đang đồn thổi mỗi suất thi đỗ vào các trường công an, nếu được nâng điểm sẽ mất từ 1 đến 1,2 tỉ đồng. Bị cáo là công an và có thấy rằng cần phải đề nghị cơ quan tố tụng, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ vấn đề này, nhằm làm trong sạch lực lượng công an hay không?’’

Lê Thị Dung khẳng định mình giúp các thí sinh chủ yếu vì tình cảm, không phải vì tiền. Nhưng ‘nếu dư luận nói tôi làm vì tiền, vì lợi ích thì tôi cũng xin đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ’ – bị cáo Dung trả lời bằng một thái độ ngoan cố nhằm che giấu lợi ích đã có thể đạt được phía sau đó là trao đổi mua bán điểm số.
Còn tại Sơn La, sau khi viện kiểm sát công bố cáo trạng, phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Sơn La chiều 15-10 chuyển sang phần thẩm vấn các bị cáo. Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, là người đầu tiên.

Bị cáo Nga cho biết mình là thành viên tổ thư ký, ủy viên hội đồng thi, ủy viên ban thư ký, ủy viên ban vận chuyển và bàn giao đề thi, ủy viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia tại Sơn La năm 2018. Bị cáo Nga khai nhận nâng điểm cho thí sinh là con của một người thân quen. Bị cáo còn nhận “đặt hàng” từ ông Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên TP Sơn La, với 4 trường hợp, nâng 24-27 điểm mỗi trường hợp.

“Anh Điện có nói với bị cáo là gia đình người ta sẽ cám ơn trường hợp này như này, trường hợp kia như kia, nghĩa là sẽ cám ơn sau”, bà Nga khai.

“Cám ơn bằng gì?”, chủ tọa truy.

“Cám ơn bằng tiền”, bà Nga trả lời rành rọt rằng ông Điện không đưa luôn tiền lúc đó.

“Họ có nói mức cám ơn bao nhiêu không?”, chủ tọa tiếp tục đặt vấn đề.

Bị cáo Nga tiếp tục khai: Ông Điện nói 3 trường hợp cám ơn 230 triệu, còn trường hợp khác gia đình sẽ cám ơn 350 triệu. Cuộc “ngã giá” để nâng điểm này được thực hiện sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi. “Anh Điện đã đưa cho bị cáo 1,040 tỉ đồng. Thời điểm đưa tiền là sau khi công bố điểm thi, khoảng 14-7-2018”, bà Nga khá chắc chắn về số tiền mình đã nhận để nâng điểm. Và cho biết thêm ngoài số tiền 1 tỉ đã nộp lại cho cơ quan công an, 40 triệu còn lại đã cho bị cáo Lò Văn Huynh, nguyên trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, vay đến nay chưa trả lại.

Nâng điểm thi được xem như “giặc nội xâm” phải triệt bỏ

Bản chất của giáo dục là hướng thiện, do đó một nền giáo dục chân chính trước hết phải là một nền giáo dục sạch. Tuy nhiên, đứng trước hiện tượng “mua điểm thi” và nhiều tiêu cực khác trong giáo dục hiện nay, làm thế nào để giữ cho thế hệ học sinh, sinh viên và kể cả người thầy có được sự “miễn nhiễm”?

Giáo dục nước nhà, chỉ trừ những kẻ vô cảm nhất, hay những kẻ đang trục lợi từ sự yếu kém của nó, mới không thấu. Người ta đặt cho giáo dục rất nhiều mục tiêu cao cả, không sai. Nhưng thật khó hiểu, thật khôi hài, là ở chỗ, những phẩm chất tối thiểu-căn cốt nhất, mà bất cứ một nền giáo dục bình thường nào cũng cần phải có, thì nền giáo dục của ta dường như vẫn chưa đạt được, và ít thấy chuyển biến. Ở Việt Nam thời phong kiến đã có vụ án xử chém đầu vì gian lận thi cử. Các chế độ phong kiến đã trị tội rất nghiêm những vụ vi phạm quy chế thi vì bởi vị Vua nào cũng thấu hiểu Ngai vàng hay chế độ của họ có bền vững hay không đều nhờ vào tài năng và nhân cách của quần thần. Thời nay, nếu những người yếu kém là con em những cán bộ đương chức, được bí mật gian lận điểm thi để tuyển lựa vào bộ máy nhà nước, thì đó chính là những kẻ làm cho nhà nước mau sụp đổ.

Thử hỏi một xã hội mà tệ nạn mua điểm thi xuất hiện, diễn ra trong mọi ngóc ngách của đời sống, thì những cá nhân sống trong đó sẽ ra sao? Khoa học hiện đại đã chứng minh, và lịch sử nhân loại đã xác nhận rằng, một trong những tác hại rất lớn của môi trường xã hội giả dối, là hủy diệt khả năng sáng tạo, cũng như hủy diệt nhân tài. Ở những thời đại như vậy, dường như nhân tài không xuất hiện, nguyên khí bị tổn thất nặng nề, hiện trạng suy thoái xã hội vì thế mà kéo dài, thậm chí nguy cơ tụt hậu là rất lớn.

Dư luận hy vọng mọi góc khuất, mọi vùng cấm sẽ được đưa ra ánh sáng như những quyết tâm của các cấp, tỉnh đã nêu. Việc xử lý nghiêm vụ việc điểm thi tại Hà Giang được coi như một trận đánh khốc liệt với “giặc nội xâm”, do vậy, tính quyết định của trận đánh này sẽ góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân Hà Giang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong việc quyết tâm xử lý tiêu cực.
Những kẻ gây ra tiêu cực điểm thi năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có thể coi là loại giặc “nội xâm” vô cùng nguy hiểm khi chúng ở những vị trí cao, có sự trọng vọng của xã hội nhưng đang đang tâm phá hoại niềm tin của nhân dân.
Chúng ta kỳ vọng giáo dục là chiếc chìa khóa của hy vọng, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho dân tộc này. Nhờ giáo dục, chúng ta có thể tạo ra những lớp người biết phân biệt thị phi, biết thế nào là đúng, là sai, có trách nhiệm với xã hội, biết xấu hổ trước những việc làm sai trái và luôn kiên định vì lẽ phải.

Đinh Lực

Đọc nhiều