Nghĩa trang quân sự chôn 108 lính Trung Quốc bại trận trước Ấn Độ: Cơ sở giáo dục lòng yêu nước?

25/11/2021 15:02

Một nghĩa trang quân sự nằm trên điểm cao lộng gió ở Tân Cương, nơi yên nghỉ của hơn 100 binh sĩ Trung Quốc đã hy sinh trong cuộc chiến với Quân đội Ấn Độ năm 1962 và vụ đụng độ ở Thung lũng Galwan năm ngoái đang được Bắc Kinh cải tạo thành cơ sở giáo dục lòng yêu nước.

Nghĩa trang Liệt sĩ Khang Hy ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Ảnh: China Daily

Theo cổng thông tin điện tử Quân Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nghĩa trang hoang vắng trên đã được chỉ định là “cơ sở giáo dục” tinh thần yêu nước vào tháng 9 vừa qua và công việc cải tạo quy mô lớn hiện đang được tiến hành.

Nghĩa trang Liệt sĩ Khang Hy nằm ở độ cao 4.280 mét so với mực nước biển trên dãy núi Karakorum ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương, là nghĩa trang cao nhất của Trung Quốc.

Địa điểm này cách khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc khoảng 100km, được xây dựng vào năm 1965 để tưởng nhớ hàng chục binh sĩ PLA đã thiệt mạng trong cuộc chiến giữa hai nước năm 1962.

Khẩu đội pháo Quân đội Ấn Độ triển khai tại Penga Teng Tso phía trước Tawang, gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) với Trung Quốc ở bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Ảnh: AFP

Hiện tại, nơi đây lưu giữ các bia mộ tưởng nhớ 108 binh sĩ Trung Quốc, trong đó có 4 người mà Trung Quốc thừa nhận đã thiệt mạng tại Thung lũng Galwan vào tháng 6/2020 trong cuộc đụng độ biên giới với binh lính Ấn Độ.

Hài cốt nhiều binh sĩ cũng đã được Trung Quốc chuyển về quê nhà của những người đã khuất.

Vào tháng 9 năm nay, nghĩa trang chính thức được chính quyền Tân Cương chỉ định là cơ sở giáo dục lòng yêu nước sau khi khởi động dự án cải tạo vào tháng 8 trước đó.

Nghĩa trang có thể là “cơ sở giáo dục yêu nước” đầu tiên như vậy liên quan đến lịch sử quân sự Trung – Ấn.

Ngày 15/6/2020, New Delhi cáo buộc lính Trung Quốc đã sử dụng gậy gắn đinh, quấn dây thép gai để tấn công, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Bắc Kinh thừa nhận cũng chịu thương vong nhưng không công bố thông tin chi tiết.

Đây là lần đụng độ gây chết người đầu tiên kể từ sau vụ lính Trung Quốc phục kích binh sĩ Ấn Độ năm 1975 ở Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), giới tuyến biên giới giữa hai nước.

Khai Tâm

Tags :
Đọc nhiều