419
category
439705

Nghĩa đồng bào và bài toán lũ lụt miền Trung

Diệu Hương 16/10/2020 18:00

Mưa gió, bão lụt là những thảm họa kinh hoàng mà “mẹ thiên nhiên” đem đến cho con người. Những ngày qua toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước đang cùng nhau hướng về, cùng nhau chống chọi với những thiệt hại từ trận mưa lũ, lụt tại khúc ruột miền Trung.

Chỉ trong chưa đầy một tuần, liên tiếp những thông tin tang thương đến với đồng bào miền Trung. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam nước ngập trắng trời. Hơn 13 vạn ngôi nhà ngập trong lũ, 26km bờ biển sát lở và hàng chục km đường giao thông bị hư hỏng nặng. Tang thương nhất là hình ảnh những gia đình có người thân bị lũ cuốn trôi. Theo dõi những thông tin từ miền Trung ruột thịt, nhiều người không khỏi ám ảnh với hình ảnh người đàn ông ở Thừa thiên Huế gập mình dưới trời mưa lũ khóc vợ và đứa con thơ chưa kịp chào đời thì đã bị nước lũ cuốn trôi. Ám ảnh để rồi biết yêu thương và san sẻ nỗi đau với đồng bào mình.

Ngay trong những ngày mưa uy hiếp miền Trung, các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh trong khu vực gần như dốc toàn lực để đối phó, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo Quân khu IV, các bộ, ngành đã có mặt kịp thời tại vùng bão lũ khẩn trương chỉ đạo địa phương cứu hộ khắc phục hậu quả thiên tai. Trong bão lũ, hàng nghìn cán bộ thuộc các lực lượng Công an, Quân đội, tình nguyện viên đã ngay lập tức có mặt để hỗ trợ người dân bị nạn, dù phải đối mặt với hiểm nguy. Đó là câu chuyện của tình quân dân bền chặt trong gian khó.
Thật cảm động với nghĩa đồng bào khi chứng kiến cảnh người miền Trung đem từng mớ rau, con gà tiếp tế cho bộ đội để tìm kiếm người dân còn mắt liên lạc ở thủy điện Rào Trăng 3. Sự thức tỉnh về nghĩa đồng bào còn lan tỏa với hàng nghìn đợt quyên góp ủng hộ gần như ngay lập tức cho miền Trung thân yêu. Từ những người nổi tiếng, những mạnh thường quân và cả những người dân chưa thực sự dư giả nhưng ấm áp tỉnh người.

Sự chung tay ngay lúc này là sức mạnh tổng hợp đẩy lùi thiên tai, giúp đồng bào mình nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định đời sống.

Bên cạnh sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, còn một bài toán vẫn chưa có lời giải và ít nhiều để lại ám ảnh. Đó là sự ám ảnh về cơn giận của mẹ thiên nhiên. Tại sao hơn 10 năm trở lại đây, giải đất miền Trung liên tục hứng chịu thảm cảnh lũ tiếp lũ, cảnh nước trắng trời kéo theo sinh mạng của người dân vô tội và tài sản mồ hôi nước mắt của họ. Phải chăng đó là hệ quả của tình trạng phá rừng làm thủy điện mà lợi ích chỉ thuộc về một nhóm các nhà đầu tư và kinh tế địa phương. Còn hậu quả thì hàng triệu người đang phải gánh chịu.

Câu hỏi nhiều năm rồi vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo. Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: Mặt trái của thủy điện đã được các chuyên gia về nước khuyến cáo từ lâu. Năm 2013, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-QH yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện nhỏ có nguy cơ ảnh hưởng tới phát triển bền vững, đồng thời yêu cầu Chính phủ, các địa phương tiếp tục rà soát đánh giá quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án công trình thủy điện không hiệu quả, không đảm bảo an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ, dòng chảy và đời sống người dân. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, thủy điện nhỏ lại vô tư mọc lên tại những vùng có sông, suối, tiếp tục gieo những mối lo dình dập cho người dân trong khu vực. Riêng tỉnh Lào Cai, năm 2014 chỉ có 60 thủy điện nhỏ thì nay đã lên tới 100. Tới giờ 90% các sông suối ở Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng thủy điện đều đã bị khai thác. Miếng bánh thủy điện nhỏ có vẻ đang khiến cho nhiều địa phương chưa dễ từ bỏ.

Trở lại với câu chuyện của miền Trung nơi có hệ thống sông suối và các công trình thủy lợi, thủy điện dày đặc, các chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng một đội ngũ kỹ thuật đủ mạnh nắm được quy trình vận hành liên vùng, liên hồ chứa để tham mưu việc xả lũ mỗi khi mưa lũ đến. Quyết định thoát lũ cũng phải do chính quyền các địa phương trong khu vực đưa ra, làm sao để tính mạng và sự an toàn của người dân phải được đặt lên hàng đầu thay vì lợi ích của một nhóm nhà đầu tư. Đó là phương pháp giải bài toán lũ lụt miền Trung trong tương lai.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều