Nghĩ về mối quan hệ giữa giữ gìn thanh danh và luật nhân quả

09/12/2021 09:35

Việc giữ gìn thanh danh, danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất. Điều này rất gần với luật nhân quả. Các vụ án gần đây mà Tổng Bí thư là người “nhóm lò” càng thấy rõ điều đó.

Luật “nhân quả trở thành lý thuyết căn bản, là chính kiến quan trọng trong văn hóa phương Đông. Nghĩ rộng ra, đó là chân lý hiển nhiên, luôn đúng trong cả quá khứ, hiện tại tương lai.

Ông Nguyễn Bắc Son tại tòa

Trong dân gian cũng thường có câu “gieo nhân nào gặt quả nấy” hoặc “ác giả ác báo”, “ở hiền thì gặp lành” và “gieo gió ắt sẽ gặt bão” hay “nếu muốn biết quá khứ hãy nhìn hiện tại. Nếu muốn biết tương lai ra sao thì hiện tại sẽ trả lời” là nói tới luật “nhân quả”.

Trước kia người ta thường nghĩ “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, hay “đời trước gieo nhân nào đời sau gặt quả nấy”, nhưng nhiều khi cũng không phải đợi lâu đến thế mà nó có tác động ngay trong cuộc sống hiện tại, không cần đợi đến đời sau.

Đã nói “nhân quả” là quy luật phổ biến của vũ trụ thì có lúc nhanh, lúc chậm, lúc nổ ra tức thì.

Các vụ án gần đây mà Tổng Bí thư là người “nhóm lò” càng thấy rõ điều đó.

Nhìn vào những vụ án mà cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và một loạt các vụ án khác đã, đang xảy ra càng rõ luật “của vũ trụ đất trời” này luôn đúng.

Giữ gìn thanh danh và luật nhân quả
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hầu tòa

Quyền lực thuộc về nhân dân, quyền lực phải được sử dụng đúng nơi đúng chỗ và đúng người. Trao quyền lực cho những kẻ chỉ biết mình mà không biết người thì trở thành kẻ phá hoại. Quyền lực trong tay không thể tùy tiện ban phát cho phe cánh, cho người thân.

“Lò” của Tổng Bí thư bắt đầu bằng đường dây sử dụng người thân của ông Vũ Huy Hoàng. Đây là vấn đề bổ nhiệm cán bộ, bổ nhiệm “tay chân”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Trường hợp Trịnh Xuân Thanh cũng chỉ là mở đầu cho hàng loạt những sai phạm mà thời gian qua các cơ quan tố tụng đã đem ra xét xử. Ông Vũ Huy Hoàng lợi dụng quyền lực đến mức như Viện kiểm sát nhân dân nêu: “trong 10 ngày cuối cùng làm bộ trưởng đã duyệt giá cổ phần Sabeco thấp hơn thực tế, ép thoái vốn cho tư nhân”…Họ lợi dụng tối đa quyền lực trong tay để phục vụ cái tôi, phục vụ “cánh hẩu”, phục vụ người thân.

Trong nhiều vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng cũng cho thấy rõ luật nhân quả lập tức được thực thi. Những sai phạm của ông Đinh La Thăng tòa án tuyên đã rõ, ai cũng thấy. Nhưng có một việc mà tòa không tuyên, không ai nói chính là trù dập những người đã vạch ra cái sai của mình. Nếu như ông Đinh La Thăng biết nhận ra những người tố cáo mình, những người “có tiếng nói khác mình” thì không có những việc làm sai tiếp theo dẫn đến tù tội.

Chỉ đơn cử những vụ việc trên để thấy cái quy luật nó vô tư và khắc nghiệt đến nhường nào, không từ một ai. Cái sai có thể phát hiện sớm, cũng có cái sai chưa phát hiện ra hay dẫu không phát hiện ra thì quy luật nhân – quả vẫn có tác dụng. Nó làm cho bản thân người gây ra “nhân” không bao giờ bình yên, không bao giờ được sống thanh thản, nó bào mòn tình cảm lý trí, tác động đến tinh thần… và thực tế nhiều người sinh ra bệnh tật hiểm nghèo hoặc ít nhất cũng tổn hao đến sức khỏe.

Đừng nghĩ mọi việc mình làm sai đều sẽ trôi qua. Ông bà ta thường nói “trời có mắt” chính là ở đó. Lưới trời lồng lồng không ai có thể trốn thoát những điều làm ác, làm sai, hại dân, hại nước.

Nguyễn Đăng Tấn

Đọc nhiều