130115
topics
385690

Nghĩ về lòng yêu nước của dân tộc Việt khi cả nước chung tay để “không ai bị bỏ lại phía sau”

Phạm Minh Hà 17/04/2020 19:12

Những người sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước trải qua những cuộc chiến khốc liệt, đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước sẽ thấu hiểu rõ giá trị của hai chữ độc lập – tự do.

Năm nay nước ta kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), nhưng có lẽ sẽ có ý nghĩa hơn gấp bội lần khi cuộc chiến chống Covid-19 đến thời điểm đó có kết quả tốt đẹp và khả quan hơn hiện tại nhiều lần, dịch bệnh được ngăn chặn hoàn toàn.

Một năm mà trong giai đoạn đất nước phát triển và đang chuyển mình, khi kinh tế ngày càng phát triển Việt Nam thuộc nhóm Top đầu về tốc độ tăng trưởng, mối quan hệ giữa bạn bè thế giới ngày càng nâng cao, vị thế của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN và Việt Nam là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với kết quả gần như tuyệt đối.

Cả hệ thống chính quyền từ trung ương tới địa phương chưa phút nào mất cảnh giác với dịch Covid-19

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã và đe doạ sự sống của nhân loại, chỉ một hành động thiếu suy nghĩ của bất kỳ cá nhân nào cũng đều có thể là nguồn cơn lây lan dịch bệnh và khiến mọi thứ trở nên khó kiểm soát. Và hơn hết, năm 2020, tại Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, người ta lại dành nhiều thời gian để nói về ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân trong việc chung tay chống dịch bệnh bằng cách thể hiện lòng yêu nước của mình.

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trong thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Đây là thời điểm nhiều quốc gia phương Đông, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Trong khi người dân đang hồ hởi sắm Tết, đón xuân, thì những người ở tuyến đầu của đất nước là Bộ Y tế và Chính phủ đã có những động thái đầu tiên, dường như không nghỉ Tết để tìm hiểu về diễn biến dịch bệnh từ quốc gia láng giềng.

Sau đó là hàng loạt các văn bản chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế và cả hệ thống chính trị đã nhanh chóng kịp thời đưa ra nhiều phương án, biện pháp để cảnh báo tới người dân về mức độ nguy hại và nguy cơ lây nhiễm.

Khi Việt Nam công bố ca nhiễm đầu tiên là bệnh nhân nước ngoài đi du lịch tại Việt Nam, thì tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lúc này nhanh chóng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Câu nói: “không ai bị bỏ lại phía sau” là điều “cam kết” đầu tiên mà nhân dân lắng nghe được từ người đứng đầu Chính phủ.

Và sau đó là những hành động kịp thời của đội ngũ cán bộ, người đứng đầu đất nước, với sự tham gia chủ động, tích cực, quyết liệt và hiệu quả từ ban ngành, chính quyền các cấp. Chính những hành động này đã tạo được niềm tin, sự yên tâm trong xã hội và toàn thể người dân trong cả nước.

Khi một cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 diễn ra, người dân chúng ta mới thấm đẫm được giá trị gắn kết bền chặt giữa Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân. Lúc này, bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, sống làm việc luôn hướng về dân, tận tuỵ với dân, sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là yếu tố kiên quyết.

Khi mà các nước trên thế giới vẫn còn chủ quan về dịch bệnh, thì đoàn công tác là những y bác sĩ, tiếp viên hàng không, tổ lái đã xung phong lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Chuyến bay mang nghĩa cử tình đồng bào, lòng nhiệt thành của cả dân tộc để đến tâm dịch Vũ Hán đón những du học sinh, người lao động và người du lịch bị mắc kẹt trở về quê hương.

Đó là ngày 9 và 10/2/2020, thời điểm chuyến bay trong đêm tối trở về sân bay Vân Đồn đã mang lại nhiều cảm xúc với nhân dân cả nước, thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và những con người xung phong tuyến đầu.
Khi đó câu nói “nghĩa đồng bào” được nhắc tới và còn nhân rộng hơn nữa sau các chuyến bay đón công dân Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới trở về tránh dịch.

Đồng bào – hai tiếng thân thương mang giá trị nhân văn và ý nghĩa

Cùng chung tay chống dịch, người dân đồng lòng chống dịch bằng nhiều biện pháp, trong đó có cả hành động lên án những kẻ cá nhân, tổ chức đã găm hàng, tăng giá và có những hành xử thiếu tình người về vấn đề nhu yếu phẩm như khẩu trang, nước rửa tay. Hành động “đục nước béo cò” dù có rộ lên, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó cũng bị dập tắt và xử lý nghiêm bởi cơ quan chức năng.

Nhưng điều yêu nước cần được nhắc đến hơn cả, đó chính là những mạnh thường quân vẫn ngày đêm ủng hộ, tìm mọi cách để kêu gọi các nhà hảo tâm khác chung tay mở xưởng sản xuất khẩu trang tặng người dân; những mẹ Việt Nam anh hùng, những cụ già ủng hộ cân thóc, bịch rau, ủng hộ từng đồng tiền nhỏ mà họ dành dụm để gửi tới các khu cách ly trên cả nước…. Nếu ví mỗi người là một ngọn nến nhỏ, thì có lẽ điều đó đả đủ thắp sáng cả Việt Nam trong đêm tối.

Lời kêu gọi toàn dân chung tay, chung sức đồng lòng chống dịch được đăng tải trên nhiều kênh thông tin

Mỗi hình ảnh, hành động đẹp được nhân lên từng ngày, được truyền tải qua các phương tiện truyền thông, gửi đi những thông điệp nhân văn, nghĩa tình, khiến những kẻ lợi dụng lúc khó khăn để trục lợi cá nhân phải tự vấn lương tâm và thấy xấu hổ.

Lòng yêu nước của năm 2020 là những cuộc ủng hộ tới Chính phủ, tới Mặt trận Tổ quốc với con số lên tới 900 triệu đồng, đó là những dòng tin nhắn ủng hộ, những lời động viên. Nhưng con số đó chắc chắn chưa phải là tất cả, bởi ngoài xã hội có những mạnh thường quân vẫn âm thầm ủng hộ, hỗ trợ nhóm người khó khăn trong cơn đại dịch.

Điểm phát cơm miễn phí, điểm phát đồ từ thiện “Ai cần cứ đến lấy, nếu đủ hãy nhường cho người sau”, điểm “cây AMT gạo” từ TP Hồ Chí Minh, rồi nhân lên tại Bình Dương, Hà Nội,… Có lẽ đúng là “không ai bị bỏ lại phía sau”, bởi lòng nhân ái và sự bao dung, đùm bọc lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn của dân tộc Việt trong suốt hàng nghìn năm qua.

Một đất nước đi lên từ nền nông nghiệp, đi qua 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, nhân dân Việt Nam đã hiểu rõ triết lý và nghĩa đồng bào, tình đồng chí, tình anh em. Có khó khăn bao nhiêu dường như đó cũng chỉ là thử thách, bỏ người Việt sẽ không ngừng sáng tạo để phát triển và cùng nhau nhìn về tương lai tươi sáng.

Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đã và đang là mối đe dọa gây nguy hại to lớn về nhiều mặt đối với xã hội và nhiều người. Nhưng trước lòng yêu nước của cả dân tộc Việt Nam thì nó cũng là một phép thử đối với khả năng ứng phó, điều hành của chính quyền; thái độ, bản lĩnh của mỗi người dân.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng (2/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Có lẽ câu nói đó đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, bởi dịch bệnh có khó khăn thì lòng yêu nước sẽ mãi là “sức đề kháng” tinh thần của dân tộc tốt nhất, mạnh nhất bởi được hoà hợp bởi triệu con tim cùng chung nhịp đập, giá trị nhân văn được nhân lên và lan toả khắp mọi miền tổ quốc.

Và khi dịch bệnh đi qua, thì đất nước Việt Nam lại sớm đứng dậy phát triển, tiếp tục đi lên “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc”.

Phạm Minh Hà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều