Nghi vấn Công ty Nhật hối lộ quan chức 5 tỷ: Phát hiện nhiều địa phương sai sót về thuế
Trước khi vụ Tenma xảy ra, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý thu thuế, thanh kiểm tra thuế của ngành thuế và hải quan.
Các dấu hiệu sai phạm trong thanh kiểm tra, truy thu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với Cty Tenma Việt Nam hiện vẫn đang là dấu hỏi lớn khi việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, trước khi có thông tin vụ Tenma, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo gửi Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý, thanh kiểm tra, thu thuế tại các địa phương.
Cụ thể, báo cáo về quyết toán ngân sách năm 2018 gửi Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý thu thuế, trong đó có thuế GTGT, thuế TNDN.
“Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế TNDN và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN)… còn xảy ra tại nhiều đơn vị được kiểm toán. Kết quả kiểm toán, KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 8.151 tỷ đồng. Trong đó, qua đối chiếu thuế, KTNN đã kiến nghị nộp NSNN tăng 861 tỷ đồng tại 1.778 doanh nghiệp”, theo KTNN.
Liên quan tới việc quản lý thu, chống thất thu thuế tại một số cơ quan thuế địa phương, KTNN chỉ ra tình trạng miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế TNDN đối với một số dự án chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện ưu đãi. Bên cạnh đó, một số cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Chẳng hạn, theo KTNN, tại Cục Thuế tỉnh An Giang có tình trạng không xác định rõ hành vi vi phạm và tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, nhưng đơn vị này đã tính truy thu thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai và tính tiền chậm nộp chưa đúng quy định. Và, kết quả kiểm tra chưa phát sinh số thuế phải nộp nhưng xử phạt đối với hành vi khai sai, hoặc là hành vi khai sai nhưng xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đúng quy định.
Ngoài ra, theo KTNN, một số cục thuế địa phương xảy ra tình trạng xác định thuế GTGT đầu vào chưa đúng như Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hậu Giang. Một số nơi, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế qua kết quả thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ như tại An Giang, Đắk Nông, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi.
“Nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra ngoài phạm vi quyết định như ở Cục Thuế Bà Rịa -Vũng Tàu, An Giang, Đồng Nai, Gia Lai; chất lượng đánh giá rủi ro qua phân tích hồ sơ kê khai thuế để xác định doanh nghiệp cần kiểm tra chưa cao như ở Phú Yên, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, Bình Định.
Trong lĩnh vực quản lý thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2018 tại Tổng cục Hải quan, KTNN cũng phát hiện một số sai phạm.
Đơn cử, kết quả kiểm toán cho thấy, có tình trạng người nộp thuế khai báo hàng hóa có tên khai báo giống hệt nhau nhưng đang được áp các mã mô tả và mã hóa hàng hóa khác nhau. Thống kê có tới 1,7 triệu dòng hàng gặp phải tình trạng này. Ngoài ra, một số Cục Hải quan áp dụng thuế suất thuế GTGT đối với thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho y tế và vật tư hoá chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế không thống nhất giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
“Việc chấp hành các quy định về thực hiện quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại một số Cục Hải quan còn hạn chế. Chẳng hạn, chưa thực hiện xử phạt đối với 46 doanh nghiệp chưa nộp 69 báo cáo tình hình sử dụng hàng hóa miễn thuế theo quy định (Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Huế, Quảng Nam). Ngoài ra, có 16 doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất so với sản phẩm xuất khẩu chênh lệch lớn về đơn vị tính, trị giá tính thuế nhưng chưa được làm rõ, thế nhưng Cục Hải quan Quảng Ninh không có văn bản báo cáo cơ quan cấp trên để khắc phục”, báo cáo của KTNN.
“Bộ Tài chính chưa quy định và hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng cơ sở dữ liệu trị giá hàng hóa để phát hiện các trường hợp khai báo trị giá hải quan quá cao với mục đích chuyển giá, đặc biệt tại thời điểm đăng ký danh mục miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định các dự án đầu tư. Kết quả, KTNN đã kiến nghị nộp NSNN tăng thêm 106 tỷ đồng”, KTN cho hay.
Trước đó, ngày 28/5, trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội về nghi án cán bộ ngành thuế, hải quan ở Bắc Ninh nhận hối lộ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, các giải pháp phòng ngừa tiêu cực trong ngành đã được tiến hành trong nhiều năm qua, chứ không phải tới khi có vụ việc này xảy ra mới giải quyết.
Việc luân phiên, luân chuyển vị trí công tác cán bộ ngành thuế, hải quan để phòng ngừa tham nhũng cũng được ngành tài chính thực hiện từ năm 2014. Theo ông Dũng, mỗi năm có trên dưới 10 nghìn lượt cán bộ phải chuyển đổi vị trí công tác. Đồng thời quy định rõ ràng, vị trí nào 2 năm, 3 năm, 4 năm phải chuyển đổi và được thực hiện rất thường xuyên.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện công tác cũng không thể tránh khỏi chuyện tiêu cực. “Mình có cố gắng làm thế nào đi chăng nữa, nhưng để tuyệt đối thì cũng khó. Khi sự cố xảy ra, quá trình thanh, kiểm tra phát hiện hoặc dư luận phản ánh thì phải tập trung xử lý dứt điểm”, ông Dũng cho hay.
Tuấn Nguyễn/TP