Nghị quyết lịch sử của Trung Quốc tác động thế nào đến ông Tập Cận Bình?

13/11/2021 06:38

Kỳ họp thứ 6 Đại hội 19 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc hôm 11/11. Dù chưa chính thức công bố toàn văn nghị quyết lịch sử, sự kiện chính trị vừa qua được cho là đã nâng tầm ông Tập Cận Bình ngang hàng các lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trong lịch sử đảng.

Qua nghị quyết này, ông Tập được đặt vào trung tâm hạt nhân của Ban Chấp hành Trung ương và toàn đảng, vai trò gắn liền với kỷ nguyên phát triển mới của đảng và đất nước, vị thế ngang với người lập quốc và người cải cách kinh tế quốc gia.

Trong quá khứ, đảng Cộng sản Trung Quốc hai lần thông qua những nghị quyết lịch sử. Lần đầu tiên dưới thời ông Mao Trạch Đông năm 1945, và lần thứ hai dưới thời ông Đặng Tiểu Bình năm 1981.

Nghi quyet lich su cua Trung Quoc anh 2
Giới quan sát nhận định hội nghị trung ương vừa qua quan trọng vì nó nâng tầm vị thế của ông Tập Cận Bình, đặt ông ngang hàng với các lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

“Việc nhìn lại những thành tựu mà đảng đạt được là điều cần thiết để Trung Quốc tự tin phát triển”, theo bài xã luận của South China Morning Post.

Đối với giới quan sát quốc tế, nghị quyết và cuộc họp vừa qua mở đường để ông Tập có thể tái đắc cử chức vụ lãnh đạo Trung Quốc trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới.

Kỳ họp lịch sử

Sau kỳ họp, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ra thông cáo đặc biệt dài khoảng 5.000 chữ, tổng kết những thách thức cũng như thành tựu mà đảng này đã trải qua trong 100 năm, trong đó nhấn mạnh những kết quả và tiến bộ đạt được dưới thời ông Tập kể từ khi nhà lãnh đạo này nắm quyền năm 2012.

Văn kiện nêu dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông và những người kế tục, đảng Cộng sản đã xây dựng một đất nước Trung Quốc mạnh mẽ hơn, theo Tân Hoa Xã.

“(Sự lãnh đạo của đảng mang lại) biến chuyển xã hội sâu sắc và tích cực nhất trong lịch sử dân tộc Trung Quốc, bước chuyển vĩ đại từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu phương Đông với dân số khổng lồ, trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa”, văn kiện khẳng định.

Chủ tịch Tập Cận Bình là nhân vật trung tâm của văn kiện. Ông Tập được miêu tả là người đặt ra “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới, trên cơ sở điều chỉnh các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx để phù hợp với thực tiễn và truyền thống văn hóa của Trung Quốc, tuân theo tư tưởng Mao Trạch Đông, thuyết Ba đại diện của Đặng Tiểu Bình và tầm nhìn khoa học về phát triển”.

Nghi quyet lich su cua Trung Quoc anh 1
Chủ tịch Tập Cận Bình.

Văn kiện khẳng định dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành “đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại” vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tài liệu cũng nêu ra những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt từ năm 2012, khi ông Tập lên nắm quyền, và cách nước này đã vượt qua những khó khăn đó. Văn kiện miêu tả ông Tập là “lãnh đạo vĩ đại” có thể giải quyết những vấn đề mà những người tiền nhiệm không thể.

“Trung ương đảng, với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, đã giải quyết nhiều vấn đề gai góc mà từ lâu đảng đã muốn xử lý, hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn mà đảng muốn đạt được trong quá khứ” như bài trừ nạn tham nhũng, phát triển kinh tế, văn kiện cho biết.

Theo South China Morning Post, một điều đáng chú ý là vấn đề Hong Kong và Đài Loan lần đầu tiên được nêu trong nghị quyết lịch sử, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng trong di sản của ông Tập.

Theo đó, Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh đã thành công “thúc đẩy sự thay đổi to lớn từ hỗn loạn sang trật tự” bằng cách ban hành hàng loạt biện pháp, đảm bảo Hong Kong và Macau được điều hành bởi “những người ái quốc”.

Văn kiện đồng thời khẳng định đảng Cộng sản Trung Quốc kiên quyết phản đối Đài Loan độc lập và can thiệp nước ngoài, cho biết đã chủ động xử lý mối quan hệ giữa hai bờ eo biển.

Văn kiện cũng khẳng định năng lực quốc phòng Trung Quốc đã được “nâng cao tương xứng với sức mạnh kinh tế”, “sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia”.

Củng cố vị thế ông Tập trên con đường phát triển

Văn kiện được công bố chưa phải toàn văn nghị quyết lịch sử mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đề cập. Tuy vậy, các chuyên gia có chung nhận định kỳ họp thứ 6 vừa kết thúc, cũng như nghị quyết sắp được công bố, đã củng cố vai trò của ông Tập trong hệ thống quyền lực Trung Quốc.

“Ông Tập được miêu tả là người hùng trong hành trình của đất nước Trung Quốc. Với việc thông qua một nghị quyết lịch sử đặt ông Tập ở trung tâm của đảng cũng như đất nước Trung Quốc hiện đại, vị thế của ông ấy đã được thể hiện rõ”, Adam Ni, cây bút của tạp chí China Neican, nhận định.

Trong khi đó, tiến sĩ Chong Ja Ian của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng diễn biến kỳ họp 6 vừa qua đã đặt ông Tập nổi bật hơn hẳn các lãnh đạo Trung Quốc trước đây.

“Các lãnh đạo trước ông Tập chưa bao giờ có ảnh hưởng lớn như ông ấy. Vị thế cá nhân ông Tập đã được nhấn mạnh rất nhiều. Giờ là lúc nhiều người đang quan sát vị thế này được thể chế hóa chính thức”, tiến sĩ Chong nói.

Nghi quyet lich su cua Trung Quoc anh 3
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Nghị quyết lịch sử lần này lại là cách để nhấn mạnh ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiếp tục con đường phát triển mà ông Tập đã đặt ra, theo BBC. Một điều không thể phủ nhận là chỉ trong khoảng 10 năm, Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ, nền kinh tế nước này vượt qua cả Đức và Nhật Bản để xếp thứ 2 thế giới.

Trung Quốc cũng trở thành đối thủ thách thức Mỹ trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, khoa học công nghệ tới quân sự. Một số dự báo cho rằng quy mô nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong 10 năm tới – điều khó tin vào thời điểm năm 2012.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc giai đoạn này cũng đi kèm với những va chạm và tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, vấp phải sự phản đối của các nước trong khu vực và quốc tế.

Mở đường cho nhiệm kỳ 3?

Tuần qua, Tân Hoa Xã xuất bản tiểu sử chính thức của ông Tập. Các kênh truyền thông nhà nước miêu tả ông là con người “hành động và quyết đoán”, người “kế thừa di sản truyền thống nhưng sẵn sàng đổi mới”, với tầm nhìn trước thời đại và quyết tâm làm việc không ngừng nghỉ.

“Tất cả những động thái này là sự chuẩn bị cho một tuyên bố lớn để củng cố vị thế lãnh đạo tối cao của ông Tập, củng cố vai trò của đảng lèo lái vận mệnh lịch sử của Trung Quốc”, Rana Mitter, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Oxford, nhận định trên Los Angeles Times.

Việc ông Tập có tiếp tục nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm hay không sẽ được quyết định vào Đại hội toàn quốc lần thứ 20 đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự kiện này dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2022.

Nghi quyet lich su cua Trung Quoc anh 4
Ông Tập có khả năng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 3.

Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu hủy bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ với chức danh chủ tịch nước từ năm 2018. Điều này đồng nghĩa ông Tập không bị Hiến pháp Trung Quốc giới hạn thời gian nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Trong thông cáo sau kỳ họp vừa qua, Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ông Tập vào trung tâm nỗ lực phát triển đất nước nhằm đạt được “mục tiêu 100 năm thứ hai” cũng như hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”.

“Trung ương đảng kêu gọi toàn thể đảng, quân đội và tất cả người dân Trung Quốc tập hợp gần sát hơn nữa xung quanh trung ương, với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, để thực hiện đầy đủ tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới”, thông cáo khẳng định.

Trước đó, đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra hai mục tiêu thế kỷ, một là biến Trung Quốc thành quốc gia xã hội khá giả toàn diện vào năm 2021, hai là thành nước “phát triển và giàu mạnh” vào năm 2049.

(Theo SCMP)

Đọc nhiều