Nghị quyết 128 mới là “cú hích” quan trọng để cuộc sống trở lại bình thường
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia nhận định “chưa thể kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 trước năm 2023 và có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn, làm cho dịch diễn biến, phức tạp, khó lường”.
Đối với Việt Nam, một số kinh nghiệm đã bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ vaccine nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch. Nói điều đó để thấy rằng, Nghị quyết 128 ban hành trong thời điểm này là sự cân nhắc kỹ càng của Chính phủ trên cơ sở dịch bệnh đã được kiểm soát. Số ca mắc mới, số người tử vong giảm mạnh từ cuối tháng 9 đến nay.
Bằng việc phân loại vùng dịch theo 4 cấp độ từ nguy cơ thấp đến rất cao với các tiêu chí rõ ràng về: Tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỉ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỉ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).
Các địa phương sẽ không còn lý do để tự ý đặt ra những quy định quá mức cần thiết làm khó người dân và doanh nghiệp, cũng không còn kiểu chống dịch bằng khẩu hiệu suông, lôi cả hệ thống chính trị vào cuộc mà cuối cùng lại không quy được trách nhiệm cho ai. Thay vào đó, nghị quyết đề ra mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Triển khai nhanh Nghị quyết 128 của Chính phủ là cách để lãnh đạo các địa phương thay đổi tư duy chống dịch. Từ chỗ nặng về tư duy quản lý sang tư duy quản trị xã hội, huy động và thực thi quyền lực được giao một cách tốt nhất nhằm đạt mục tiêu phát triển xã hội, phát triển con người.
Chống dịch nhưng phải đảm bảo cuộc sống không ngưng trệ, xã hội vẫn được vận hành một cách bình thường, không vì mục tiêu giữ sạch dịch mà đông cứng, khóa chặt, thiếu đi sự chia sẻ với cộng đồng.
Quản trị xã hội tốt, lãnh đạo các địa phương sẽ biết mình phải làm gì để hiệu lệnh chống dịch được vận hành thông suốt mà không phải mỗi nơi làm một kiểu, để không còn cảnh Bộ Giao thông vận tải phải xin phép địa phương mới nối lại được đường bay, để mạch máu giao thông của quốc gia không còn bị chặt ra từng khúc bởi những tờ giấy thông hành từ các địa phương.
Quản trị xã hội tốt sẽ thấy được nhu cầu dịch chuyển dân cư trong mùa dịch là tất yếu và biết chủ động ứng phó khôn ngoan hơn, thấu lý đạt tình hơn, không để xảy ra những bức xúc không cần thiết bởi những văn bản hành chính kiểu “sáng đúng, chiều sai, sáng mai chưa biết” và những lô cốt, chốt chặn trên đường.
Thay đổi tư duy chống dịch lúc này là mệnh lệnh, là nhu cầu tự thân để cuộc sống trở lại bình thường.
Diệu Hương