Nghị định 100 và chuyện “dưỡng liêm”
Đang ngồi làm việc, tin nhắn điện thoại tới ‘ting..tinh..’. Bạn ơi, bạn vô Facebook tôi đọc bài này, nó viết hay lắm. Check thấy một bài viết có nội dung khá dài với tiêu đề “Một việc làm thiếu tính nhân văn, trái với đạo lý tình người”.
Chờ “nước đục thả câu”
Theo Blogspot Nguyễn Văn Hiệu thì “Quyết định của Bộ Tài Chính dùng toàn bộ số tiền xử phạt hành chính về an toàn giao thông hàng năm (2.500 tỷ đồng) cho lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông – Trong đó: Công an 70% (để bồi dưỡng cho cán bộ chiến sỹ mỗi người từ 700.000 – 1.500.000 đồng/tháng); cho Thanh tra 10%, Ban an toàn giao thông 10% và cho lực lượng khác 10%. Tôi thấy đó là một việc làm thiếu tính nhân văn và trái với đạo lý tình người.
Tiếp nữa, bản chất của vấn đề là người ta đã lợi dụng cái gọi là “phấn đấu làm giảm tai nạn giao thông” theo “mục tiêu, kế hoạch”?! Thực là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn…nhưng ẩn nấp bên trong là động cơ vơ vét tiền càng nhiều càng tốt. Do đó, họ lập chốt khắp nơi để ra tay bắt bớ xử phạt, rồi tìm mọi cách “bới lông tìm vết” để ra tay xử phạt mà quên nhiệm vụ chức năng chính của Cảnh sát giao thông là tuần tra, kiểm soát và hướng dẫn người dân thực hiện luật giao thông.
Chính vì động cơ đen tối đó đã khiến người dân bất bình căm giận mà ức chế phân tán tư tưởng mỗi khi gặp Cảnh sát giao thông, dẫn đến người dân nhờn luật cũng đã góp phần làm gia tăng tai nạn giao thông..v..v.
Thông tin này đưa ra ngay trong lúc Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020. Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Mức phạt này khá cao so với những quy định xử phạt hành chính trước đây, nhiều trường hợp mức phạt còn cao hơn cả giá trị chiếc xe mà người vi phạm sử dụng, nên dễ nhận thấy có một bộ phận đang lên tiếng phản đối, không đồng tình”.
Trước những nguồn thông tin không chính thức gây tranh cãi nhất định trong dư luận. Mới đây, Bộ Tài chính chính thức lên tiếng: Ngày 25/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2007/TT-BTC quy định tiền phạt vi phạm hành chính được phân bổ cho các lực lượng, trong đó có lực lượng Công an giao thông, Thanh tra giao thông vận tải (bao gồm cả Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa) với các tỷ lệ phân bổ cụ thể.
Tuy nhiên, đến ngày 06/12/2013, Thông tư 89/2007/TT-BTC nêu trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ Tài chính dẫn giải: Tại khoản 5 Điều 4 Thông tư số 153/2013/TT-BTC nêu rõ: “Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước …”.
Điều này cũng có nghĩa, không có chuyện Cảnh sát giao thông được giữ 70% số tiền xử phạt vi phạm hành chính của người tham gia giao thông, trong đó có người vi phạm các nồng độ cồn bị xử phạt như thông tin chưa chính thức nêu ra.
Như vậy, cá nhân tôi không quy kết, không phán xét Blogspot Nguyễn Văn Hiệu và những người có cùng quan điểm, đăng tải “luận điệu trên” nhằm thừa “nước đục thả câu”. Nhưng, nếu đọc hết những luận điệu trong bài viết trên thì chúng ta sẽ thấy có hơi hướng kích động sự bất bình, không phục của một bộ phận người dân không đồng tình với Luật phòng chống tác hại của rượu bia.
Qua đó, nói ra đây để thấy, trước khi chúng ta phẫn nộ hoặc không phục một vấn đề gì đó từ các cơ quan công quyền, thì mỗi người cần phải biết chọn lọc thông tin, tránh bị lợi dụng, kích động.
Nghĩ về chuyện “dưỡng liêm”
“Liêm” thuộc phạm trù đạo đức, được các nhà tư tưởng tiến bộ từ thời phong kiến quan tâm và đặt ra như một tiêu chí cần thiết của những người làm quan “dĩ công vi thượng”.
Từ đời Nhà Lý, Vua Lý Thánh Tông đã đặt ra “bổng dưỡng liêm” để cấp cho các quan chức trông coi việc hình pháp, xét xử, giam giữ… nhằm nuôi dưỡng đức tính liêm khiết, trong sạch của quan lại trong bộ máy tư pháp, ngăn chặn nạn hối lộ trong hoạt động chấp pháp. Trong giai đoạn hưng thịnh của các triều đại Lý, Trần, Lê, một số vị vua anh minh cũng đề cao đức liêm, tiếp tục duy trì và mở rộng việc cấp “bổng dưỡng liêm” cho đội ngũ quan lại trong bộ máy công quyền, hạn chế nạn “phù thu, lạm bổ”, tham nhũng, hối lộ quan chức, nhũng nhiễu dân lành.
Từ thời Nguyễn đã có tiền dưỡng liêm cho các quan. Tiền dưỡng liêm là khoản tiền do nhà nước phong kiến thời Nguyễn cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi lòng liêm khiết của quan lại. Tùy theo từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà mỗi triều đại có mức độ tiền dưỡng liêm khác nhau.
Lệ cấp tiền dưỡng liêm chỉ được đặt ra trong những năm cuối triều Gia Long và lúc đầu chỉ để dành cho quan lại đứng đầu cấp phủ, huyện như Tri phủ, Tri huyện. Vua Gia Long cho rằng “Phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính ra, cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm để tỏ đặc cách”. Còn vua Minh Mạng thì nói rằng “tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch”.
Trở lại với vấn đề dưỡng liêm cho Cảnh sát giao thông hiện nay, không khó để hiểu được sự vất vả, gian khổ của lực lượng Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng. Vì có biết bao nhiêu lực lượng trong ngành Công an vẫn ngày đêm lo giữ gìn an ninh và trật tự cho Tổ quốc, mang lại sự bình yên cho đất nước và nhân dân.
Dĩ nhiên, việc nhận hối lộ, nhũng nhiễu dân không phải tất cả Công an đều thế. Nhưng có không ít Cảnh sát giao thông lại như thế lắm, ở mọi nơi, mọi lúc. Không tin, ngài Bộ trưởng Bộ Công an hoặc những “cận vệ” của Bộ trưởng cứ “vi hành” thì thấy rõ ngay.
Đó là một phần lý do giải thích tại sao Cảnh sát giao thông “dầm mưa dãi nắng” vẫn bị ghét”? Theo đó, để giải quyết vấn đề này không phải đơn giản, nhưng việc cần có chế độ bồi dưỡng cao cho lực lượng Cảnh sát giao thông để cán bộ, chiến sỹ yên tâm, chuyên tâm công tác, không phải quá lo lắng về đời sống bình thường, ắt sẽ hạn chế được hiện tượng nhận tiền hối lộ.
Tất nhiên, có đi cũng cần có lại, nếu chế độ bồi dưỡng tăng cao thì kèm theo đó ngành Công an phải kỷ luật nghiêm khắc. Nếu ai nhũng nhiễu, nhận hối lộ thì phải sa thải, đưa ra khỏi ngành. Như thế mới từng bước chặn đứng hiện tượng tiêu cực này. Không nhận hối lộ đương nhiên sẽ làm đúng, mà làm đúng thì nhân dân sẽ ủng hộ.
Cần nói thêm, luật pháp chúng ta chưa nghiêm, người tham gia giao thông có lẽ không được học nhiều từ luật giao thông, nên mới có chuyện mỗi năm Cảnh sát giao thông phạt người tham gia giao thông con số khủng (hơn 2.000 tỷ đồng). Chúng ta không thể khen mỗi năm Cảnh sát giao thông thu về số tiền lớn nộp vào ngân sách, mà có lẽ chúng ta phải thật sự đau lòng cho nền pháp luật nước nhà.
Chính vì vậy, để hạn chế tai nạn giao thông, tăng cường thêm ý thức pháp luật cho người dân, việc Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra đời là cần thiết – chí ít là ở thời điểm hiện tại.
Để đập tan những luận điệu xuyên tạc về Nghị định, thiết nghĩ cần có thêm khoản gọi là “dưỡng liêm” cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ ngành nói riêng và cho cả các cán bộ công chức ở những vị trí khác nữa, những vị trí công tác rất gian khổ nhưng lương bổng thấp, rất dễ nảy sinh tiêu cực. Song, cũng phải xử thật nghiêm một khi cán bộ công chức đó nhũng nhiễu, tham nhũng.
Sông Trà