Nghẹt thở vụ chiến hạm Anh chĩa súng vào 5 tàu vũ trang Iran

11/07/2019 10:42

5 tàu quân sự có vũ trang của Iran được cho là đã tiến về phía một tàu chở dầu của Anh ở vùng Vịnh Persian, yêu cầu con tàu này đổi hướng và đưa tàu vào bến. Tuy nhiên, một chiến hạm của Anh đã can thiệp vào và đã đuổi được 5 tàu vũ trang của Iran, một quan chức quốc phòng của Mỹ cho hay.

Nghẹt thở vụ chiến hạm Anh chĩa súng vào 5 tàu vũ trang Iran
Nghẹt thở vụ chiến hạm Anh chĩa súng vào 5 tàu vũ trang Iran

Vụ việc trên được cho là xảy ra ngày hôm qua (10/7) khi chiếc tàu chở dầu British Heritage đang đi qua Eo biển Hormuz, các quan chức giấu tên của chính phủ Mỹ tiết lộ. Các tàu vũ trang thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran được cho là đã yêu cầu tàu của Anh phải đổi hướng và đi vào vùng lãnh hải Iran. Một máy bay của Mỹ bay phía trên và đã ghi lại vụ việc.

Theo hai quan chức của Mỹ, 5 tàu vũ trang của Iran đã có ý định bắt giữ tàu chở dầu của Anh nhưng không thành công.

Nguồn tin cho hay tàu chiến HMS Montrose – một tàu khu trục của Anh được nhìn thấy đã hộ tống tàu chở dầu từ phía sau. Chiến hạm của Anh đã chĩa súng máy trên boong tàu về phía các tàu Iran và phát loa cảnh báo tàu Iran hãy tránh xa các tàu của họ. 5 tàu của Iran sau đó đã rời đi. Tàu HMS Montrose được trang bị những khẩu súng máy cỡ nòng 30mm. Đây là loại vũ khí dành riêng cho việc xua đuổi các tàu nhỏ.

Trước đó, giới chức Anh xác nhận tàu Montrose đang ở trong khu vực để thực thi “nhiệm vụ an ninh hàng hải”.

Trước khi vụ chạm trán giữa tàu Iran và tàu Anh xảy ra ngày hôm qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng ngày đã cảnh báo rằng, Anh “sẽ phải gánh hậu quả” sau khi giới chức Gibraltar và lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran đang hướng tới Syria hồi tuần trước, văn phòng báo chí của ông Rouhani cho hay.

Phát biểu trong một cuộc họp nội các, ông Rouhani cho biết: “Tôi đã nói với người Anh rằng họ là khởi nguồn của sự mất an ninh và các bạn sẽ phải hứng chịu hậu quả sau này”.

Vụ đối đầu căng thẳng giữa các tàu vũ trang Iran và tàu chiến của Anh diễn ra trong bối cảnh vùng Vịnh đang leo thang căng thẳng từng ngày vì cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Mỹ và Iran. Diễn biến này đang làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột vũ trang.

Chính quyền của Tổng thống Trump hơn một năm qua đã thực hiện “chiến dịch gây sức ép tối đa” nhằm làm kiệt quệ nền kinh tế Iran và khiến các nhà lãnh đạo của Iran phải đến bàn đàm phán.

Tuy nhiên, rõ ràng áp lực tối đa đã khiến Iran trở nên cứng rắn hơn, hiếu chiến hơn. Hôm 20/6, Iran không ngần ngại bắn rơi một máy bay do thám không người lái của Mỹ. Cùng với đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo nước ông sẽ tăng cường hoạt động làm giàu uranium bắt đầu từ 7/7 tới nếu các nước Châu Âu không tìm ra được một con đường nhằm nới lỏng biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran.

Trước đó, tàu chở dầu Kokuka Courageous cùng một tàu chở dầu khác mang tên Front Altair đã bị trúng chất nổ ở vùng Vịnh Oman gần Eo biển Hormuz. Theo một số nguồn tin, hai con tàu nói trên đã bị tấn công bằng ngư lôi, khiến ít nhất một con tàu bị nổ và cháy. Mỹ tin rằng Iran đứng đằng sau các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu.

Giới chức Mỹ nói rằng chiến dịch gây áp lực tối đa của họ đang phát huy hiệu quả với Iran nhưng giới phân tích lại lo ngại chiến dịch này có thể gây ra những vụ đụng độ giữa Iran và phương Tây ở vùng Vịnh và nghiêm trọng nhất là có thể đẩy hai nước Mỹ và Iran vào một cuộc chiến tranh.

(Theo Soha News)

Tags :
Đọc nhiều