Nghẽn dòng chảy 200 tỷ USD, ít tiền nghỉ chơi đứng sang một bên

05/03/2021 06:01

Thị trường 200 tỷ USD bất ngờ nhiều xôn xao sau chuỗi ngày nghẽn mạng và dự tính nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu. Giải pháp này có thể tước mất quyền đầu tư của nhiều người và đi ngược với định hướng của Chính phủ.

Vỡ mộng đầu tư chứng khoán

Anh Nguyễn Giang, chủ thương hiệu cà phê đường phố The Way Coffee, vừa hoàn tất thủ tục mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chi nhánh Hà Nội và chuẩn bị tìm cơ hội đầu tư mới trên thị trường chứng khoán thì biết tin Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đang tính nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 cổ phiếu để giảm nghẽn hệ thống.

Đây là tin không thuận lợi tiếp theo sau cú sốc Covid-19. Hơn một năm qua, anh Giang phải ngừng làm hướng dẫn viên du lịch outbound (đưa khách Việt đi nước ngoài) mà anh gắn bó hơn 10 năm, với thu nhập tốt.

Năm 2020, anh khởi động một start-up mới với mảng cà phê đường phố chất lượng cao và khá thành công. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ 3 một lần nữa làm gián đoạn việc kinh doanh, buộc anh phải tính tới việc đầu tư tài chính trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng khá ấn tượng và được cho là có triển vọng tươi sáng.

Nghẽn dòng chảy 200 tỷ USD, ít tiền nghỉ chơi đứng sang một bên
Chứng khoán giảm mạnh phiên ngày 4/3.

Tuy nhiên, những tính toán của nhà đầu tư mới (F0) này sắp đổ bể bởi chính sách giao dịch mới của HOSE: nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 cổ phiếu nhằm giảm nghẽn hệ thống do công suất thiết kế thấp và chưa thể thay đổi trong ngắn hạn.

Ban đầu, anh Giang tính sẽ bỏ ra vài chục triệu để làm quen trước khi đầu tư số vốn lớn hơn. Anh sẽ mua trải ra nhiều mã để tránh rủi ro xảy ra với một người chưa hề có kinh nghiệm về chứng khoán. Các cổ phiếu dự kiến được chọn sẽ là những mã blue-chips trên sàn, những mã được các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nắm giữ nhiều.

Nhưng nếu quy định nâng lô lên 1.000 cổ phiếu mỗi giao dịch, thì mỗi lần mua bán các cổ phiếu như Vingroup (VIC), VietJet (VJC), Vietcombank (VCB) hay Vinamilk (VNM) anh Giang sẽ phải bỏ ra trên dưới 100 triệu đồng; còn nếu mua Sabeco (SAB) phải mất khoảng 180 triệu đồng hay Vinacafe Biên Hòa (VCF) thì cần hơn 240 triệu đồng.

Đây là một con số quá lớn so với kế hoạch đầu tư của anh Giang.

Trong khi ông Lê Hải Trà, tân Tổng Giám đốc HOSE, mới đây lý giải, việc nâng lô lên 1.000 cổ phiếu mỗi lệnh không chỉ giúp giảm nghẽn hệ thống nhờ giảm 40-50% tổng số lượng giao dịch, mà còn giúp bảo vệ tốt hơn các nhà đầu tư nhỏ.

Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, đánh giá giải pháp nâng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất trong lúc này để duy trì hệ thống.

“Đi ngược với xu hướng phát triển”

Dưới góc nhìn số đông các nhà đầu tư và nhiều chuyên gia chứng khoán, giải pháp nâng lô lên 1.000 cổ phiếu mỗi lần giao dịch để giảm nghẽn mạch là chưa phù hợp với định hướng phát triển của thị trường chứng khoán cũng như có dấu hiệu bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư “giàu” “nghèo”.

Giám đốc môi giới một CTCK tại TP.HCM nhận xét, việc nâng lô từ 100 lên 1.000 cổ phiếu cho mỗi giao dịch là không hợp lý. Nó làm ảnh hưởng tới nhiều nhà đầu tư cá nhân, đi ngược với xu hướng quốc tế.

Theo đại diện này, việc nâng lô từ 10 lên 100 cổ phiếu trước đó đã khiến nhiều nhà đầu tư mắc kẹt không bán được. Nhưng, giải pháp này vẫn “chấp nhận được” vì trên thực tế mỗi lệnh giao dịch có giá trị từ một vài triệu cho đến một vài chục triệu đồng.

Nghẽn dòng chảy 200 tỷ USD, ít tiền nghỉ chơi đứng sang một bên
Dòng tiền vẫn đổ vào thị trường chứng khoán (ảnh minh họa).

Nhưng, nâng lô lên 1.000 cổ phiếu lại là chuyện hoàn toàn khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá trị một giao dịch tăng lên gấp 100 lần. Nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể tới việc sàn bị treo, bị đơ khiến nhiều người không mua bán được, tác động tiêu cực tới triển vọng chung trên thị trường.

Cũng theo vị đại diện này, vấn đề nằm ở chỗ cơ quan quản lý đã không tính trước được kịch bản thị trường phát triển. Chưa kể, thị trường vài tháng gần đây nhiều khi diễn biến bất thường. Mấy cú sụt giảm lịch sử 50-70 điểm nằm ngoài tưởng tượng của nhiều người. Sự cố nghẽn mạng cũng khó hiểu, có lúc đơ kéo dài từ sáng tới trưa như trong ngày 4/3.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa có văn bản gửi HOSE, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX để giảm tải hệ thống HOSE. UBCK yêu cầu HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset, cho rằng, đây là giải pháp tạm thời và hợp lý, chuyển các doanh nghiệp qua mượn đường của HNX giao dịch và đợi nâng cấp hệ thống thì trở lại sau. Theo đó, năng lực giao dịch thiết kế của HNX khoảng 30 triệu lệnh, cao gấp hàng chục lần so với mức 900 nghìn lệnh của HOSE.

Theo định hướng của Chính phủ, thị trường chứng khoán phải là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, với mục tiêu 5% dân số đầu tư chứng khoán.

Năm 2020, TTCK ghi nhận số người tham gia chứng khoán mới tăng kỷ lục, 1 năm bằng cả 10 năm trước cộng lại. Vào năm 2010, các CTCK có khoảng 1,5 triệu tài khoản. Tới đầu 2020, số tài khoản là 2,2 triệu, tức 10 năm tăng 700.000 tài khoản. Song, chỉ trong năm 2020, số lượng tăng thêm là 600.000 tài khoản.

Theo nhiều nhà đầu tư và chuyên gia, giải pháp nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu chẳng khác nào TTCK chỉ dành cho người giàu. Đây cũng là bước đi ngược với thế giới. TTCK nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới giảm lô giao dịch về 1 cổ phiếu, thậm chí chẻ lô bằng các tài khoản tổng (gọi là phân mảnh fragment) nhằm giúp thị trường phát triển hơn về quy mô giao dịch cũng như đảm bảo quyền bình đẳng cho các nhà đầu tư.

Trong phiên 4/3, TTCK giảm khá mạnh. VN-Index giảm 18,43 điểm xuống 1.168,52 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền vào thị trường vẫn lớn, tổng cộng trên 3 sàn có khoảng 21 nghìn tỷ giá trị cổ phiếu được giao dịch.

M. Hà/ VNN 

Đọc nhiều