419
category
433289

Nghệ thuật ngoại giao khôn khéo của Tổng Bí thư trong thông điệp gửi tới Đại hội đồng LHQ

Hải Anh 24/09/2020 18:17

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 22-29/9/2020 tại New York (Mỹ), ngày 25/9 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lần đầu tiên gửi thông điệp quan trọng tới Hội nghị. Điều này có ý nghĩa rất lớn thể hiện nghệ thuật ngoại giao khôn khéo của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến ngày càng phức tạp.

Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam tham gia gửi thông điệp đến Đại hội đồng LHQ. Điều này thể hiện rõ ràng thông điệp ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chủ trương và đường lối đối ngoại khôn khéo của Việt Nam. Một mặt bức thông điệp của Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, chủ động tham gia, đóng góp tích cực, thực chất vào các hoạt động của LHQ và cộng đồng quốc tế, mặt khác thể hiện quan tâm của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực.

Một Việt Nam luôn thành tâm, thiện chí, nỗ lực và kết nối cộng đồng

Trong thông điệp, trước hết Tổng Bí thư đã khéo léo hoan nghênh chủ đề khóa họp lần này là “Tương lai chúng ta muốn, Liên Hợp Quốc chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương – ứng phó COVID-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả.” Trong đó Tổng Bí thư nhấn mạnh “mỗi thành viên, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, được đóng góp tiếng nói về những vấn đề cùng quan tâm, và cũng là “vườn ươm” cho những sáng kiến, ý tưởng hợp tác đa phương vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới”. Điều này có thể  tranh thủ sự trợ giúp của LHQ đối với sự nghiệp phát triển đất nước và tham gia thúc đẩy các hoạt động quốc tế chung, hướng tới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Không chỉ vậy, Chủ tịch nước còn mượn thông điệp này để kêu gọi LHQ dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội đất nước và đời sống của người dân ở các quốc gia, trong đó có các biện pháp đang áp đặt đối với Cuba – người “bạn” thân thiết của Việt Nam. Có thể thấy, Việt Nam luôn thành tâm, thiện chí, nỗ lực và kết nối cộng đồng.

Đặc biệt, qua thông điệp này có thể thấy Chủ tịch nước đã nhấn mạnh rõ thiện chí ngoại giao trên cơ sở hoà bình, tôn trọng ổn định khu vực rất rõ của Việt Nam: “Chúng ta cần quyết tâm và kiên trì thực hiện hợp tác, hữu nghị thay cho xung đột và thù địch, đối thoại thay cho đối đầu, giải quyết hòa bình các tranh chấp thay cho hành động đơn phương, áp đặt”. Điều này thể hiện rõ quan điểm Ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống. Kiên trì chủ trương tăng cường hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Một Việt Nam tự tin

Có thể nói, với tinh thần “Đối tác vì hòa bình bền vững”, Việt Nam luôn đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp, xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan; đồng thời, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực. Đồng thời trong thông điệp, chúng ta có thể thấy một Việt Nam tự tin trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 với những kết quả tích cực, quan trọng, thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Qua bức thông điệp này có thể thấy hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam đã chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” đến “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, góp phần giúp Việt Nam khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã tổ chức và tham gia nhiều cuộc họp của LHQ bằng hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19, thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế. Chúng ta đã tham gia một cách tự tin, chủ động và thực chất trong các hoạt động của HĐBA, vừa khẳng định lập trường nguyên tắc một cách có bản sắc, vừa thể hiện quan điểm khách quan, cách xử lý linh hoạt, khéo léo.

Có thể thấy, từ khi tham gia vào Liên Hợp Quốc đến nay, Việt Nam đã có một bước chuyển mình mạnh mẽ, sự trưởng thành vượt bậc. Việt Nam đã được các quốc gia tại Liên hợp quốc nhất trí bầu chọn là đại diện của châu Á đảm đương vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc hai lần được bầu nắm giữ vai trò này (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu gần như tuyệt đối cho thấy, Việt Nam được nhìn nhận là một thành viên tích cực và đáng tin cậy không chỉ của khu vực châu Á -Thái Bình Dương mà cả trong mắt cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến ngày càng phức tạp nhất là vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đang căng thẳng, mọi phát ngôn, hành động của Việt Nam càng được các lãnh đạo cấp cao chú trọng hơn bao giờ hết. Có thể nói, dưới sự điều hành, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chúng ta không chỉ có những bước tiến đột phá trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy mà còn có những bước phát triển trong quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế. Đúng như lời Tổng Bí thư từng nhấn mạnh “Mạnh dạn đột phá, dám nghĩ dám làm, để có hành động và suy nghĩ đạt tầm quốc tế. Xây dựng tâm thế mới của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, song cần kiên định mục tiêu, chân thành khiêm tốn”.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều