28
category
320569

Nghề tay trái: Lính Đặc công ứng phó biến đổi khí hậu

14/08/2019 16:45

Không chỉ huấn luyện giỏi, tinh thông võ thuật, thuần thục các loại vũ khí chống khủng bố, sẵn sàng chiến đấu cao trong mọi tình huống, Bộ đội Đặc công còn luôn đi đầu trong mọi hoạt động giúp dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và bảo vệ môi trường.

Bộ đội Đặc công tham gia giúp dân làm sạch kênh mương, cải tạo môi trường trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Hồng Lương
Bộ đội Đặc công tham gia giúp dân làm sạch kênh mương, cải tạo môi trường trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Hồng Lương

Trong 5 năm qua (2013-2018), Thường vụ, Đảng ủy Bộ Tư lệnh (BTL) Binh chủng Đặc công (BCĐC) đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục, kết hợp giữa giáo dục cơ bản với phổ biến pháp luật và tổ chức các cuộc thi về môi trường.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi đóng quân tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn, Giờ Trái đất…. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong toàn Binh chủng đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường ở cơ quan, đơn vị, gia đình và khu vực địa bàn đóng quân.

Đại tá Phan Thế Ba, Tham mưu trưởng BCĐC cho biết: Đảng uỷ Binh chủng, BTL đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường xây dựng các kế hoạch, phương án phòng chống cháy nổ, cháy rừng, phòng chống lụt bão trong doanh trại và trên khu vực địa bàn đơn vị đóng quân. Các chương trình, kế hoạch mang tính khả thi cao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động bảo vệ môi trường ở các cơ quan, đơn vị trong toàn Binh chủng.

Bộ Tham mưu BCĐC đã phối hợp với Viện Công nghệ quân sự để điều tra, khảo sát hiện trạng môi trường ở các Lữ đoàn Đặc công 5, 198, 113 và Kho T342. Qua đó, đánh giá đúng thực trạng môi trường và những yếu tố tác động tiêu cực, đề ra biện pháp khắc phục kịp thời, từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống cho cán bộ, chiến sĩ.

Việc lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án trường bắn, thao trường huấn luyện của Trường Sĩ quan Đặc công và Lữ đoàn Đặc công 5 theo đúng quy định trong Điều lệ Công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 133/2015/TT-BQP ngày 27/11/2015 của Bộ trưởng BQP và Chỉ thị số 88/CT-BQP ngày 17/10/2016 của BQP về việc phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ quan, đơn vị và công tác lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trong Quân đội. Thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát thi công và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đối với từng dự án.

Nâng cao chất lượng cuộc sống bộ đội và người dân

Cùng với nguồn kinh phí trên cấp, Binh chủng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường huy động các nguồn kinh phí khác cho hoạt động bảo vệ môi trường. Từ năm 2013 đến nay, Binh chủng đã đầu tư xây dựng, lắp đặt và đưa vào khai thác các công trình thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt ở Lữ đoàn Đặc công 113 và 198; lắp đặt hệ thống bếp lò hơi cơ khí thay thế bếp đun truyền thống cho 100% cơ quan, đơn vị; trồng được 39.292 cây ăn quả, 70.067 cây lấy gỗ, 119.500 m2 thảm cỏ, mua sắm 3.026 chậu cây cảnh; xây dựng hệ thống cống, rãnh thoát nước, làm mới 29.200m2 sân đường bê tông; xây dựng, cải tạo hệ thống nước sạch bảo đảm nước sinh hoạt cho cơ quan BTL và các Lữ đoàn Đặc công 113, 198, Kho T342, Kho Tổng hợp… Những kết quả trên đã góp phần hạn chế các nguồn phát thải khí nhà kính và xây dựng doanh trại chính quy xanh – sạch – đẹp ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong binh chủng.

Các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn binh chủng đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi đóng quân tổ chức tốt các hoạt động huấn luyện, diễn tập và tham gia phòng chống bão lụt, phòng chống và chữa cháy rừng, phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả tốt.

Trong 5 năm qua, toàn binh chủng đã tham gia 2 đợt diễn tập phòng chống, chữa cháy rừng; huy động 660 lượt ngày công, hàng chục lượt phương tiện tham gia 4 đợt chữa cháy rừng, 3 đợt phòng chống bão trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội và Ninh Thuận. Năm 2016, Lữ đoàn Đặc công 113 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng. Đặc biệt, BCĐC còn thực hiện nhiệm vụ tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển và trên đất liền.

Hằng năm, Lữ đoàn Đặc công 429 thực hiện nhiệm vụ tham gia phòng chống, ứng cứu người và tài sản bị lốc xoáy, mưa lũ tại khu vực miền Đông Nam Bộ trong mùa mưa và Lữ đoàn Đặc công 5 được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ đội Hải quân tham gia tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển.

Trung úy Lê Thế Lương, Chiến đấu viên Đặc công người nhái Lữ đoàn Đặc công 5, cho biết: Ngày 16/4/2015, tôi và đồng đội được giao nhiệm vụ tìm kiếm máy bay Su 22 bị nạn trên biển. Suốt 16 ngày lênh đênh trên biển khu vực Đảo Phú Quý (Bình Thuận), mặc dù dòng hải lưu chảy cực xiết, nhưng tất cả chúng tôi đều sẵn sàng không ngại khó khăn để tìm kiếm cho bằng được đồng đội đã hi sinh và hộp đen máy bay. Với độ sâu 34-35m và luồng lạch dòng chảy rất mạnh chúng tôi phải bám dây neo lặn cắm đầu xuống và bơi dưới đáy biển trong phạm vi bán kính 100m đã được xác định. Cuối cùng cũng đã tìm thấy trục máy bay và xác phi công hi sinh…

Lính Đặc công ứng phó biến đổi khí hậu - ảnh 1
Lữ đoàn Đặc công 5 tham gia hiệu quả trong tìm kiếm máy bay Su 22 bị nạn trên biển Bình Thuận, năm 2015. Ảnh: CTV

Có thể khẳng định, những năm qua BCĐC đã đạt được nhiều kết quả trong bảo vệ môi trường, phòng chống bão lũ, chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn… góp phần cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho bộ đội và người dân trên địa bàn đơn vị đóng quân, góp phần thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

N.Cường

Đọc nhiều