419
category
450538

Ngày nhà giáo 20/11: Chiếc phong bì đựng tiền hay đựng tình cảm?

Hải Anh 19/11/2020 18:29

Ngày 20/11 câu chuyện nóng lên ở hầu khắp các diễn đàn đó chính là câu chuyện phong bì ngày Nhà giáo Việt Nam. Thực ra lâu nay chuyện tặng phong bì thầy cô giáo ngày lễ 20/11 đã trở thành chuyện bình thường, song dù muốn hay không nhiều người vẫn xem đây là chuyện nhạy cảm. 

Nhưng thực tế, trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta vẫn thường sử dụng phong bì cho những dịp tân gia, đám cưới, đám ma hay sinh nhật. Điều này được rất nhiều người ưa chuộng và chẳng bao giờ lên án cả thế nhưng trong ngành giáo dục chiếc phong bì lại trở nên nhạy cảm vì người ta nghĩ rằng đó là sự thực dụng. Nhiều người cứ nói, tặng phong bì là làm hư thầy cô, làm hỏng các con, bơm vào đầu các con quan điểm về việc lo lót trong cuộc sống. Nhưng tôi không nghĩ thế, nếu tạo ra quan điểm lo lót, thì chính là vì phụ huynh tặng quà với tâm thế lo lót, không thành tâm.

Thiết nghĩ quan điểm thực dụng hay không thực dụng, nó nằm ở người tặng và người nhận. Phụ huynh cho rằng việc tặng quà thầy cô ngày 20/11 nhằm tri ân những giáo viên đã vất vả nuôi dạy con cái mình mỗi ngày, để mình có thời gian chăm lo những công việc khác thì thực sự, việc tặng quà đó là ý nghĩa. Còn nếu không yêu, không mến, không biết ơn, xin phụ huynh đừng mang phong bì tặng quà cho cô. Đừng thấy phụ huynh các bạn khác tặng nên mình cũng phải theo vì lo con bị trù dập mà trong lòng không thoải mái.

Thành ý hay không là do cách mình tặng cho thầy cô.

Phong bì – Đó chỉ đơn giản là một cách thể hiện lòng biết ơn đối với các thầy cô, những người đã chăm sóc, dạy dỗ con mình. Ai đó sẽ hỏi sao không tặng quà. Mình xin thưa là tặng quà gì? quà đó liệu thầy cô có dùng được (theo nhu cầu của thầy cô chứ đừng nói kiểu cho gì xài nấy, thầy cô không cần bố thí nhé)? Tiền thực chất là một món quà đơn giản, dễ lựa chọn (bao nhiêu thì tuỳ khả năng của từng nhà, không có chẳng sao) và dễ dùng. Phong bì không xấu, nó chỉ xấu khi phụ huynh phải đưa dù không muốn vì các lý do tiêu cực.

Đừng cho rằng đó là vật hối lộ, đó chính là lòng thành, một chiếc phong thư nho nhỏ để thầy cô có thể tự quyền quyết định món quà mình được nhận. Nhiều giáo viên vẫn còn khó khăn về kinh tế nên quà bằng hiện kim hay tương tự (phiếu mua hàng) sẽ thiết thực hơn. Giáo viên có thể dùng đó để tổ chức tiệc nhỏ với gia đình hoặc tự mua món đồ mới mà mình thích. Đối với mình, cũng là dịp để cảm ơn giáo viên đã chăm sóc, dạy dỗ con cái mình trong suốt niên học nên tuỳ vào khả năng mà cũng góp một món quà nhỏ trong ngày nhà giáo.

Vẫn biết trong đội ngũ giáo viên hiện nay có một bộ phận thầy cô vì vật chất mà có những hành xử không đúng mực, nhưng số đó không đại diện cho tất cả những giáo viên đã và đang theo nghề. 20/11, lễ tết không có quà của phụ huynh, họ vẫn sống, vẫn làm việc. Không ai ép phụ huynh chúng ta phải tặng quà cho giáo viên, để rồi tay tặng quà cho giáo viên mà sau lưng giáo viên lại than thở. Họ chưa chắc muốn nhận, nhưng nếu từ chối, đôi khi sẽ khiến phụ huynh buồn hoặc suy nghĩ nhiều hơn. Thế nên, giữa nhận và không nhận cũng thật đắn đo. Chỉ mong sao phụ huynh và học sinh quan tâm thầy cô bằng tấm lòng chân thành. Chỉ mong sao, mỗi giáo viên sẽ vượt lên trên tất cả khó khăn, cám dỗ của cuộc sống để giữ đạo đức, nhân cách nhà giáo, để xã hội nhìn về nghề giáo và thầy cô với ánh nhìn yêu thương, thiện cảm, trân trọng hơn, để học sinh được học tập trong môi trường lành mạnh để khi xa rồi các em vẫn nhớ về trường lớp, thầy cô bằng kí ức tươi đẹp nhất. Xin đừng làm mất đi ý nghĩa của một ngày lễ cao đẹp, sai lệch truyền thống “tôn sư trọng đạo”, xin hãy giữ gìn tình cảm thầy trò trong sáng, không vụ lợi.

Cho hay nhận không quan trọng, quan trọng là sự chân thành trải qua khoảng thời gian cùng nhau trao đổi, để hướng dẫn và dạy dỗ các em học sinh sống và học tốt. Mong rằng các bậc phụ huynh hãy để con trẻ trong sáng với những tình cảm đáng quý với thầy cô – những người dìu dắt hành trang kiến thức vào đời. Đừng để ngày tri ân thành ngày lễ tặng quà, đặt nặng vật chất. Đôi khi sự quan tâm đơn giản là những lời cảm ơn, thái độ chân thành, những cái ôm, những món quà nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều tình cảm. Đằng sau mỗi món quà cũng thể hiện giá trị sống, chiều sâu của mỗi người, để không làm mất đi giá trị nhân văn, thiêng liêng của ngày lễ cao quý.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều