439
category
506937

Ngày 25-3-1975: Thành công giải phóng thành phố Huế

25/03/2021 15:43

Sáng 25-3, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325), Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) từ phía nam, các đơn vị của Quân khu Trị-Thiên từ phía bắc cùng tiến vào trung tâm thành phố Huế. Tuyến phía tây, Trung đoàn 6 (Trung đoàn Phú Xuân) và Trung đoàn 271 bộ binh Quân khu đánh địch ở Đường 12, thì được lệnh hành quân cấp tốc tiến thẳng về Huế.

Hai Trung đoàn đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch đánh chiếm hai làng Đình Môn, Kim Ngọc và chuẩn bị vượt sông Hương thì gặp địch phản kích lẻ tẻ phải dừng lại chiến đấu. Tối 25-3, hai Trung đoàn mới vượt được Sông hương.

Ngày 25-3, trên đường truy kích địch, Trung đoàn 4 bộ binh, Quân khu 5, tiến xuống ngã ba Sình.

Hướng nam Huế, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) phối hợp với xe tăng chiếm Mang Cá. Vòng vây của các cánh quân phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hình thành hai hướng kẹp chặt quân địch ở Huế và cửa biển Thuận An.

Trưa ngày 25-3, tất cả các cánh quân của Quân đoàn 2 và Quân khu Trị – Thiên từ các hướng đã tiến về Huế, vây kín cả bốn phía và thần tốc tiến vào trung tâm thành phố. Từ hai hướng nam và bắc Huế, một bộ phận đi đầu của Tiểu đoàn 8 được tự vệ dẫn đường, đồng thời với mũi tiến công của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, được nhân dân cùng các lực lượng cơ sở dùng xe lam, xe gắn máy chở, tiến thẳng vào nội thành.

10 giờ 30 phút ngày 25-3-1975, Quân giải phóng cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phu Văn Lâu, thành phố Huế được giải phóng.

Đêm 25-3, tại vùng ven thành phố, Thành ủy Huế họp quyết định phát động quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang chiến đấu giải phóng toàn tỉnh. Cũng trong ngày 25-3, các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Thủy đều được giải phóng.

Tại Quảng Nam, ngày 25-3, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2 được xe tăng chi viện tiến đánh căn cứ Tuần Dưỡng, địch không dám chống cự, vội vã đầu hàng. Cùng lúc, các tiểu đoàn 70, 72 truy bắt tàn quân địch ở vùng đông và thị xã Tam Kỳ. Đại đội V20, V14 của huyện Tam Kỳ phối hợp với bộ đội chủ lực truy kích địch ở sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, thu và bảo vệ chiến lợi phẩm.

Tại Quế Sơn, ngày 25-3, quân địch ở trung tâm huyện lỵ bắt đầu hoảng loạn, nhiều đơn vị địa phương quân, nghĩa quân tự động tan rã; ngụy quyền phần lớn bỏ nhiệm sở tìm đường thoát thân. Trung đoàn 51, Sư đoàn 3 ngụy ở Động Mộng, đá Hàm, Cấm Dơi bắt đầu rút chạy nhưng vẫn cho công binh gài mìn chống tăng dày đặc dọc đường 105 đề phòng ta truy kích.

7 giờ sáng ngày 25-3, quân và dân huyện Đức Phổ, Mộ Đức vây bắt hai tiểu đoàn bảo an và bộ phận hậu cần Trung đoàn 4 ngụy, giải phóng quận lỵ Mộ Đức lúc 5 giờ và quận lỵ Đức Phổ lúc 7 giờ sáng ngày 25-3.

Cùng giờ này, tiểu đoàn 81, đại đội 95 và nhân dân Bình Sơn làm chủ quận lỵ và thị trấn Châu Ô. Đây cũng là thời điểm tỉnh Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng.

7 giờ sáng 25-3, ta tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 2 bộ binh ngụy, Liên đoàn 11 biệt động quân, các đơn vị pháo binh, thiết giáp, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Trong khi đó, tại Bình Định, 5 giờ sáng 25-3, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 141 tiến vào chiếm lĩnh trận địa tiến công chờ lệnh nổ súng đánh Lai Nghi-một căn cứ kiên cố của tuyến phòng thủ trên đường 19 do Sư đoàn 22 ngụy đóng giữ. Địch phát hiện và đưa lực lượng ra phản kích. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra ác liệt.

Ngày 25-3, Hội nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền nam trước mùa mưa (tháng 5-1975); Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư cũng đã thông qua kế hoạch giải phóng Đà Nẵng và quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận Đà Nẵng – Mặt trận 475. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng, được cử làm Tư lệnh và đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5, được cử làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy.

Cùng ngày, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 241-NQ/T.Ư thành lập Hội đồng chi viện miền nam, do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Hội đồng có nhiệm vụ: 1-Động viên và vận chuyển sức người, sức của của hậu phương lớn miền bắc chi viện cho chiến trường; 2-Giải quyết các vấn đề về tiếp quản các vùng mới giải phóng ở miền nam; 3-Chỉ đạo và phối hợp các ngành, các địa phương thực hiện kế hoạch chi viện miền nam.

Ngày 25-3, Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng Tư lệnh nhận định: “Sau khi mất Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai, dù địch cố muốn giữ Đà Nẵng cũng không thể được” và chỉ thị cho Quân khu 5 và Quân đoàn 2 phải: “Hành động táo bạo, bất ngờ làm cho địch không kịp trở tay, tập trung lực lượng tiêu diệt sinh lực lớn của địch ở Đà Nẵng… giành thắng lợi quyết định trong trận quyết chiến này, tạo điều kiện cho trận quyết chiến chiến lược sau”.

Đêm 25-3, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hạ quyết tâm giải phóng Đà Nẵng theo phương án đánh nhanh, giải quyết nhanh.

Trong lúc đó, ở Tam Kỳ, Quảng Ngãi, các chiến sĩ Sư đoàn 2, Lữ đoàn 52, các Trung đoàn pháo binh 572, cao xạ 573, tăng thiết giáp 574 thần tốc tiến về Đà Nẵng.

Tỉnh ủy Quảng Đà do đồng chí Trần Thuận làm Bí thư động viên nhân dân toàn tỉnh vùng lên phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch giải phóng quê hương.

Đọc nhiều