Ngày 22/2 cách đây 53 năm trước, Việt Nam đã khiến Mỹ khiếp sợ ngay giữa thành đô Huế
Ngày 22/2/1968, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân kết thúc với số thương vong vô cùng lớn, nỗ lực đàn áp của Mỹ tại Việt Nam thất bại nặng nề. Ðó là sự kiện trọng đại trong lịch sử lãnh đạo cách mạng của Ðảng, góp phần quan trọng tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đã 53 năm trôi qua, nhưng trong ký ức người đã sống tại Huế Tết Mậu Thân 1968 không bao giờ quên. Thời gian cứ trôi qua, những gì thuộc về quá khứ có thể bị mờ dần hoặc lãng quên theo tháng năm, nhưng với Dân tộc ta, với Quân đội ta và với những người đã trải qua những mùa chiến dịch, những trận chiến ác liệt trên chiến trường mà đối thủ là đế quốc Mỹ – kẻ mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc, thì cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là ký ức lịch sử không thể nào quên được.
Và cả đến khi cuộc chiến kết thúc cho đến hiện nay, dư âm về cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 vẫn không lắng đọng, không phai mờ. Nhiều cuộc hội thảo của các chính khách, các nhà khoa học, các nhà quân sự trong nước cũng như trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, còn đưa ra bàn luận về sự kiện lịch sử này.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy dịp Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc chiến với Mỹ. Vào thời điểm ấy, quân đội Mỹ đã hoàn toàn sa lầy trong cuộc chiến tranh với Việt Nam. Quân đội Mỹ không thể bình định được miền Nam Việt Nam, cũng không thể rút quân về nước.
Trong tình hình đó, dư luận thế giới, dư luận của chính nội bộ nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt. Nắm lấy thời cơ này, Bộ Chính trị đã quyết định đánh một trận gây tiếng vang lớn, “Một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị” (Lê Duẩn). Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đã bất thần được quyết định như thế để tạo bước ngoặt lớn trong chiến tranh, buộc Mỹ phải xuống thang, đi tới đàm phán.
Sáng sớm ngày 31/1/1968, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân, quân ta đã đồng loạt tấn công bất ngờ vào nhiều thành phố, trong đó có những thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế… Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 được đánh giá là một thắng lợi có tầm vóc lớn về chiến thuật của quân ta, tạo tiền đề quan trọng để Mỹ xuống thang chiến tranh, đi đến đàm phán tại Hội nghị Paris năm 1973.
Để nói về thành công vang dội của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm ấy , Thời báo New York đã nói rằng: “Cuộc tiến công Tết của lực lượng cộng sản là đỉnh cao nhất của hoạt động quân sự trong cuộc chiến tranh thứ hai ở Ðông Dương và chắc hẳn là trận duy nhất trong cuộc chiến tranh đó mà người ta sẽ nhớ lâu. Một cuộc tiến công bất ngờ, cùng một lúc vào hầu hết các thành phố to và nhỏ, vào căn cứ quân sự lớn ở miền nam Việt Nam là rất táo bạo trong nhận thức và đã được thực hiện một cách khiến mọi người phải sửng sốt“.
Với thắng lợi to lớn và toàn diện trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân – Xuân 1968, Đảng bộ TP Huế được Trung ương điện biểu dương: “Đảng bộ kiên cường về tư tưởng, vững mạnh về tổ chức, trong sạch nội bộ, đoàn kết nhất trí”. Giữa cuộc chiến đấu ngày 21/02/1968, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam nhiệt liệt hoan nghênh và ghi nhớ công ơn của đồng bào và các lực lượng vũ trang nội ô và ngoại ô TP Huế đã hết lòng giúp đỡ bộ đội, phục vụ tiền tuyến, cùng chiến đấu với các lực lượng vũ trang giải phóng, góp phần quyết định vào những thắng lợi đã giành được.
Ngày 01/3/1968, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên dương công trạng về cuộc tiến công toàn diện đầu Xuân 1968, trong đó có tuyên dương công trạng của quân và dân Trị Thiên – Huế, tặng danh hiệu “Tấn công – Nổi dậy – Anh dũng – Kiên cường” cho quân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chiến tranh đã qua đi, những mất mát vì cuộc chiến tranh vẫn còn đó, nhưng những trang lịch sử hào hùng vì mục tiêu giành lại sự độc lập tự do cho Đất nước sẽ mãi còn ghi lại đời đời để tưởng nhớ những vị anh hùng đã hy sinh cho một Việt Nam giàu mạnh ngày nay. Tết Mậu Thân – Xuân 1968, một dấu son đỏ thắm trong lịch sử Thừa Thiên Huế, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.
Bảo Trâm (Lược dịch theo History)