Ngạo mạn quá đà, đế chế Jack Ma trên đà sụp đổ

Bảo Trâm 24/12/2020 10:50

Năm 2020 có lẽ là năm khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử, năm khiến bao nhiêu tập đoàn lung lay, sụp đổ không chỉ riêng vì vấn đề tài chính. Và Jack Ma cũng không ngoại lệ, giờ đây đế chế ông gầy dựng nên đang có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào vì cú sốc kinh tế mà còn do sự tự tin quá đà đã khiến giới chức Trung Quốc đưa Alibaba rơi vào tầm ngắm.

Gần đây, Trung Quốc khởi động cuộc điều tra về hoạt động chống độc quyền tại Alibaba Group Holding và triệu tập công ty liên kết Ant Group đến cuộc họp cấp cao về các quy định tài chính. Nguyên nhân là bởi, họ đã có được hàng trăm triệu người dùng sau nhiều năm hoạt động và ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc.

Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc tuyên bố ngày 22/12 rằng họ đang tiến hành các hoạt động điều tra về Alibaba. Các cơ quan quản lý của Trung Quốc bao gồm ngân hàng T.W và cơ quan giám sát ngân hàng sẽ triệu tập riêng công ty liên kết Ant Group đến cuộc họp, nhằm nghiêm ngặt kiểm soát các quy định tài chính. Ant Group cho biết trong tuyên bố trên tài khoản WeChat chính thức của mình rằng họ sẽ nghiên cứu và tuân thủ tất cả các yêu cầu.

Từng được ca ngợi là động lực thúc đẩy sự thịnh vượng, là “đế chế thương mại điện tử”, biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của đất nước, đưa Jack Ma lên thành người giàu nhất đại lục, giờ đây Alibaba đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý sau khu thu hút hàng trăm triệu người dùng và giành được ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc. Đây là điều mà chính quyền Trung Quốc không bao giờ muốn.

Chưa hết, trong phát biểu tại hội nghị “Bund Summit” vào tháng 10, Jack Ma đã cho biết đây là thời điểm quan trọng nhất đối với sự phát triển của lĩnh vực tài chính. Sau đó, ông dành 20 phút để “lỡ miệng” nhắc đến một quy định của chính phủ tồn tại đã lâu và gây khó khăn cho quá trình đổi mới tại Trung Quốc. Đó là bài phát biểu của một vị tỷ phú thẳng thắn, tự tin. Nhưng lần này, khi đã đi quá xa, Jack Ma nhanh chóng “rơi xuống mặt đất”.

Kể từ tháng 9, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một đợt thắt chặt quy định, dẫn đến việc IPO của Ant bị trì hoãn và đưa ra những quy tắc chống độc quyền cứng rắn. Theo đó, vốn hóa của Alibaba cũng bị ảnh hưởng, giảm khoảng 140 tỷ USD, tương đương 17%. Trong khi đó, Jack Ma cũng trở nên lặng lẽ hơn trước công chúng. Những động thái cứng rắn của Trung Quốc chính là lời cảnh báo rằng Chính phủ đã mất kiên nhẫn trước sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của các “ông trùm” ngành công nghệ, thậm chí coi đó là mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và tài chính của Trung Quốc.

Theo Bloomberg, đây là một lời cảnh báo tế nhị cho Jack Ma để giảm bớt sự ngạo mạn. Ngoài ra, các nhà quản lý cũng đưa ra quy định mới đối với 1 số tập đoàn tài chính lớn như Ant, và các công ty bảo hiểm, cho vay trực tuyến.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc mới đây cũng nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động chống độc quyền và ngăn chặn “sự bành trướng vốn diễn ra không có trật tự”. Đây là 1 dấu hiệu cho thấy những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp tư nhân có thể sắp được đưa ra.

Đế chế của Jack Ma đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, thậm chí có thể sụp đổ. Các giám đốc điều hành của Alibaba hàng ngày vẫn phải thảo luận với các cơ quan giám sát. Trong khi đó, các cơ quan quản lý, bao gồm Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm (CBIRC), đang cân nhắc về việc Ant nên loại bỏ mảng kinh doanh nào để ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế. Hiện tại, họ vẫn chưa đưa ra quyết định về việc đưa ra những mảng cụ thể, chia tách các dịch vụ online vào offline hay có một hướng đi khác.

Jack Ma ban đầu được mệnh danh là “thiên tài” đứng sau Alibaba và đưa công ty này trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc. Nhưng sự trỗi dậy cùng với sự ngạo mạn đã khiến ông “lọt” vào tầm ngắm của giới chức.

Tại Trung Quốc, không có “ông trùm” công nghệ nào có thể sống sót mà không tuân thủ những quy tắc của cơ quan quản lý. Fanfou, công ty liên doanh trước đây của Meituan đã phải đóng cửa vào năm 2010 sau khi bị cho là có liên quan đến bất ổn tại Tân Cương. Trong khi đó, Tencent cũng phải loại bỏ những tựa game bom tấn như Honour of Kings vì gây nghiện cho giới trẻ.

Bảo Trâm (Lược dịch theo Bloomberg)

Tags :
Đọc nhiều