419
category
322056

Ngành Giáo dục và điệp khúc “rà, soát, soi, siết”

25/08/2019 06:10

Vụ học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong để lộ những lỗ hổng về mác “quốc tế tự xưng” của hàng loạt trường cũng như vấn đề an toàn trên những chuyến xe đưa đón khiến nhiều phụ huynh thảng thốt.

Ngành Giáo dục và điệp khúc rà, soát, soi, siết - 1

Năm học mới 2019-2020 còn chưa chính thức bắt đầu (tính theo mốc quen thuộc 5/9) nhưng ngành giáo dục liên tiếp xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Đau lòng nhất là vụ học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong chỉ ít ngày sau khi nhập học đã gây cú sốc lớn trong xã hội.

Bên cạnh sự bàng hoàng và chia sẻ niềm thương xót với gia đình em nhỏ xấu số, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong quản lý, nhất là khi hàng loạt vấn đề từ an toàn trên những chuyến xe đưa đón học sinh cho đến mác “quốc tế tự phong” của hàng loạt trường trên địa bàn thủ đô.

Đến lúc này (mà về cơ bản giống như không ít sự cố trước đó), ngành giáo dục có ngay những công văn siết chặt quy trình, thể hiện rõ quyết tâm xử lý vụ việc dù “nước qua chân rồi mới nhảy”. Về đảm bảo an toàn cho học sinh khi được đưa đón bằng ô tô của nhà trường tổ chức, đích thân “hiệu trưởng hoặc người đại diện pháp luật của cơ sở giáo dục, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động đưa đón và sự an toàn của học sinh; các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập huấn kĩ năng an toàn giao thông cho cho giáo viên, học sinh”.

Còn mác “quốc tế tự xưng”, bấy lâu nay, các trường mạnh ai nấy gắn khiến nhiều phụ huynh đắc ý khi tin rằng “con mình học trường đẳng cấp”, đến khi mọi chuyện vỡ lở, ở Hà Nội, một số đơn vị lặng lẽ xóa tạm mỹ từ đó.

Trong khi đó cơ quan chức năng tuyên bố chắc nịnh sẽ rà soát, công bố danh tính trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để toàn thể nhân dân, phụ huynh học sinh biết. Câu hỏi đặt ra: Bấy lâu nay, không ít trường dùng mác quốc tế khiến phụ huynh, học sinh ăn nhầm trái đắng, cơ quan chức năng ở đâu mà không “tuýt còi”, giờ mới ngồi rà soát lại?

Không chỉ trong vụ việc này, sau những vụ bạo hành học đường, lạm thu biến tướng, một động thái quen thuộc của ngành Giáo dục cũng là tăng cường, đẩy mạnh, rà soát, siết chặt, quy trình…

Rõ ràng, các Bộ, ban, ngành trong cả nước đang nỗ lực không ngừng để hoàn thành trách nhiệm, sứ mệnh của mình với nước, với dân. Những sự cố, vụ việc có thể xảy ra bất cứ lúc nào và cũng không loại trừ lĩnh vực, đơn vị nào nhưng nếu chủ động, rà soát, siết chặt ngay từ đầu, có lẽ câu chuyện sẽ khác hơn.

Nếu quản lý tốt, quy trình đúng, triển khai thực hiện chặt chẽ trong hệ thống từ trên xuống dưới thì sẽ hạn chế tối đa lỗ hổng sơ suất, sai sót hoặc nếu xảy ra thì hậu quả có thể đã được kiểm soát, giảm nhẹ.

Tuy nhiên, mỗi khi sự cố đáng tiếc xảy ra, điệp khúc “rà soát lại” được vang lên thì chẳng khác nào “mất bò mới lò làm chuồng”. Chưa kể “rà soát lại” sau mỗi vụ việc, kết quả ra sao, đơn vị nào được tuyên dương (hay chịu trách nhiệm) có được công bố công khai với xã hội? Sau rà soát lại, quy trình đã được sửa chữa, nâng cấp hay điệp khúc đó chỉ là một thói quen để trấn an dư luận, chưa kể trốn tránh trách nhiệm?

Nếu Bộ, ban ngành nào cứ có sự việc đáng tiếc xảy ra cũng mới đi soát – soi – siết lại thì động thái này sẽ ngốn biết bao nhiêu thời gian, quy trình của cả hệ thống, phải không các bạn?

Lệ Thu

Đọc nhiều