Ngành dệt may vực dậy trong đại dịch nhờ động lực từ các FTA

17/07/2021 13:12

6 tháng đầu năm 2021, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 18,79 tỷ USD, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 4,23% so với cùng kỳ 2019. Riêng thị trường EU tăng 14,38% so với cùng kỳ. 

Hiện nay Việt Nam đã tham gia 17 FTA, trong đó có 14 FTA đã có hiệu lực và có 3 FTA thế hệ mới. Trong 3 FTA thế hệ mới có EVFTA ký với EU là FTA mà ngành dệt may đánh giá rất cao và được trông đợi từ rất lâu.

Ảnh minh họa.

Đó là nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) tại hội thảo trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA trong bối cảnh Covid-19”, do Cục xúc tiến thương mại – Bộ Công thương tổ chức chiều ngày 16/7/2021.

EVFTA tạo đột phá đối với ngành dệt may trong nước

Ông Vũ Đức Giang cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, nhờ FTA này ngành dệt may đã có bước đột phá. Hiệp định EVFTA là một trong những FTA thế hệ mới tạo ra động lực cực kỳ hấp dẫn đối với ngành dệt may. Đó là:

Thứ nhất, tạo ra thị trường có tính rộng mở toàn diện, đặc biệt là tạo ra tính an toàn cho dệt may Việt Nam vào thị trường EU.

Thứ hai, chính EVFTA là động lực cho phát triển công nghệ, tự động hóa và quản trị số trong bối cảnh Việt Nam đã và đang cạnh tranh quyết liệt trên thị trường dệt may toàn cầu, nhất là khu vực châu Âu, nơi có ngành dệt may lâu đời.

Thứ ba, EVFTA tạo lực hút đầu tư của các nước trong khu vực kể cả châu Âu, Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Chính các dòng đầu tư này đã tạo ra giá trị gia tăng những sản phẩm dệt may vào thị trường EU và các nước trên thế giới nói chung.

Trong bối cảnh dịch bệnh, dệt may vẫn có bước tăng trưởng bứt phá. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, dệt may đã xuất khẩu được 18,79 tỷ USD, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 4,23% so với cùng kỳ 2019. Tại thị trường EU khi chưa có EVFTA dệt may xuất khẩu vào EU chỉ đạt từ 700 – 800 triệu, nhưng nhờ EVFTA trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt 1,21 tỷ USD, tăng 14,38% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu các sản phẩm may mặc đạt 14 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, xuất khẩu sơ sợi đạt 2,6 tỷ USD, tăng 62% so với cùng kỳ. Dự kiến, cả năm xuất khẩu sơ sợi sẽ đạt 3,8 – 3,9 USD, những thị trường chủ lực như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước trong khối EU. Xuất khẩu mặt hàng vải đạt 1,1 tỷ USD, tăng 34,7%. Vải làm đường (vải địa) đạt 352 triệu USD, tăng 80%.

Trước đây, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu vải địa rất lớn thì những năm gần đây các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã vào lĩnh vực sản xuất vãi địa nên tạo ra những bước phát triển rất lớn. Năm nay, xuất khẩu vãi địa vào Ấn Độ rất mạnh, Newzealand và Úc tăng tốt so với cùng kỳ.

Ông Giang cho biết thêm, xét toàn cục thì từ 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 xảy ra và diễn biến phức tạp khiến ngành dệt may đã trải qua và đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn 3 quý đầu năm 2020, sang đến quý 4 thị trường mới khôi phục dần. Đặc biệt, ngành sợi bị lỗ thảm hại.

Trong bối cảnh sức mua toàn cầu giảm, doanh nghiệp bắt buộc phải đưa ra chương trình giảm giá đến 20%, 30% để có đơn hàng và duy trì việc làm cho người lao động. Thậm chí đơn hàng của tháng 11/2020 đến giờ này vẫn còn và hậu quả cực kỳ lớn cho doanh nghiệp là giá ký thấp.

Không chỉ giá thấp, các khách hàng còn đưa ra phương thức thanh toán trả chậm 1 đến 2 tháng, thậm chí có những đơn hàng xin trả chậm đến 6 tháng, không đồng ý thì không có đơn hàng. Trong khi các ngân hàng thương mại không chấp nhận cho vay dài hạn vì có nhiều rủi ro.

Năm 2021, cơ hội thị trường và sức mua toàn cầu tăng lên, đơn hàng nhiều hơn giá tốt hơn nhưng doanh nghiệp chịu áp lực giá cũ đã ký, ký rồi mà không sản xuất cũng không được. Đó là thách thức của dệt may, thậm chí đến nay vẫn chưa khôi phục được.

Thách thức từ đổi mới công nghệ

Dịch covid còn làm thay đổi cả ngành công nghiệp dệt may, những sản phẩm như veston, sơ mi cao cấp, có thương hiệu lớn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản …  đều bị đảo lộn. Hiện đơn hàng veston đến nay mới quay trở lại khoảng 27%, trong khi đầu tư thiết bị công nghệ cho sản xuất veston có giá trị rất lớn. Còn với đơn hàng sơ mi, đến tháng 7/2021 mới quay về 47%.

Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, ngành dệt may vẫn đang khơi dòng đầu tư vào thiết bị tự động hóa, công nghệ số. Hiện có nhiều nhà máy kéo sợi tự động hóa từ A đến Z, có nhà máy sử dụng robot để phát triển công nghệ đồ jean … Tạo được mức phát triển nhất là đầu tư vào lĩnh vực sợi và vải vẫn tăng.

“Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đã ký các đơn hàng đến quý 3 và quý 4, nhưng chưa thể nói được điều gì khi mà thế giới và Việt Nam đang đối mặt với đợt dịch Covid-19 thứ tư. Đã có một số nhãn hàng lo lắng Việt Nam khó có thể ngăn chặn được đợt dịch lần 4, và rủi ro rất lớn là các nhãn hàng sẽ chuyển đơn hàng đi nước khác, nhất là những đơn hàng vừa quay trở lại trong đầu năm 2021. Đó là những điều mà tôi muốn chia sẻ tại hội thảo hôm nay.

Song, tôi vẫn khẳng định EVFTA mà Việt Nam ký với EU là FTA thế hệ mới cực kỳ tốt về tầm nhìn chiến lược dài hạn đối với ngành dệt may và các ngành công nghiệp khác nói chung trong thời gian tới. Về ngắn hạn thì không ai có thể lường trước được dịch bệnh Covid-19 sẽ bùng phát ra thế giới và Việt Nam như năm 2020 và trong 6 tháng đầu năm nay”, ông Giang nhấn mạnh.

Minh Ngọc

Tags :
Đọc nhiều