280
topics
401747

Ngân sách ‘đi dây’ để kinh tế bật dậy sau đại dịch Covid-19

17/06/2020 08:04

Một lần, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói trên diễn đàn Quốc hội: “Mấy năm nay việc điều hành ngân sách như kiểu đi trên dây…”.

Câu nói đó của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khiến tình trạng mong manh này trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết trong năm nay, khi nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 mà ngân sách vẫn phải tăng chi tiêu để đảm bảo an sinh xã hội và tạo đà cho phát triển.

Hao hụt nguồn thu

Cho đến tháng Hai vừa rồi, mọi thứ vẫn đang chạy đều. Tổng thu ngân sách ước tính đạt hơn 214 nghìn tỷ đồng, bằng 14,2% dự toán năm. Thế nhưng, lộ trình đó đã bị khựng lại, thu ngân sách suy giảm trong tháng 3, 4 rồi giảm sâu trong tháng 5 vừa rồi, giảm tới 9,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngân sách ‘đi dây’ để kinh tế bật dậy sau đại dịch Covid-19
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Trong 5 tháng đầu năm nay, thu ngân sách nhà nước đạt 38,2% dự toán trên cơ sở tăng trưởng 6,8% con số “pháp lệnh” mà Quốc hội thông qua cuối năm ngoái. Tỷ lệ thu ngân sách này là rất thấp khi so với thu ngân sách nhà nước 5 tháng năm 2019 đạt 45% dự toán, tăng 14,2%. Mức thu của 5 tháng đầu năm nay là thấp nhất trong 4 năm gần đây.

Với riêng 3 khu vực kinh tế gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thu mới chỉ đạt 34,3% dự toán, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019. Thu từ xuất nhập khẩu cũng giảm, bằng 36,7% dự toán, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số con số sơ lược như trên để thấy, nguồn thu ngân sách đã khựng lại rất nhanh và không còn thoải mái như trước đây, khi doanh nghiệp còn khỏe mạnh và nền kinh tế vẫn đang hứa hẹn tăng trưởng.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: “Số thu năm nay phản ánh đúng thực chất tình hình kinh tế”. Năm 2020, sự cố dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để vừa chống dịch, vừa ổn định kinh tế. Chính phủ yêu cầu phải đạt mục tiêu kép, vừa chống dịch như chống giặc, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển tăng trưởng kinh tế. Theo đó, xuyên suốt là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ cho phát triển bền vững.

Cuối năm ngoái, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300.000 triệu đồng. Con số kỳ vọng này rất có thể sẽ không thực hiện được, thậm chí còn hụt thu ước tính 150 nghìn tỷ đồng, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Bộ trưởng nói: “Trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, cầu hàng hóa, dịch vụ sụt giảm mạnh… tạo sức ép ngày càng lớn đến thu ngân sách nhà nước”.

Tăng chi để cứu nền kinh tế

Những khảo sát gần đây của Bộ Kế hoạch Đầu tư và trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp là rất đáng lo ngại dưới tác động tiêu cực của đại dịch. Hơn lúc nào hết, Nhà nước cần nhanh chóng có các biện pháp hà hơi, cấp cứu để tiếp sức họ.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho hay: “Chính phủ đang phải lo bơm ngân sách để cứu nền kinh tế, dành nguồn lực cứu trợ doanh nghiệp. Đây là thực hiện nguyên tắc lúc nền kinh tế tốt thì thu ngân sách tốt nhưng chi tiêu ít đi, và khi nền kinh tế khó khăn thì nên tung tiền ra để cứu”.

Trong lúc khó khăn này, chính sách tài khóa có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NQ-CP về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; ban hành nhiều thông tư giảm một loạt các loại phí, lệ phí; đề xuất giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; đang soạn thảo để trình Chính phủ nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi một số nghị định, nhằm giảm thuế xuất nhập khuyến khích ngành công nghiệp phụ trợ, dệt may, da giày; đề xuất Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhằm tăng nguồn lực cho doanh nghiệp và người dân, tăng tái đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhằm tăng thu ngân sách.

Theo Nghị quyết 42, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng bao phủ khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tiến sỹ Võ Trí Thành nhận xét: “Việt Nam đã đưa ra các gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ. Chính phủ đã tính đến tiếp sức cho sức khỏe của doanh nghiệp chính vì họ là điều kiện quan trọng để sản xuất kinh doanh có thể đứng dậy”.

Giảm thiểu tác động tiêu cực

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên: “Chính phủ đang phải lo bơm ngân sách để cứu nền kinh tế, dành nguồn lực cứu trợ doanh nghiệp. Đây là thực hiện nguyên tắc lúc nền kinh tế tốt thì thu ngân sách tốt nhưng chi tiêu ít đi, và khi nền kinh tế khó khăn thì nên tung tiền ra để cứu”. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề ra kịch bản tăng trưởng kinh tế, theo đó mục tiêu cao là 5-5,2%; vừa là 4,5% và thấp nữa là 3,6%. Các kịch bản này đều cao hơn so với kịch bản xấu nhất là 1,5% của Ngân hàng Thế giới hay 2,7% của IMF.

Bộ trưởng nhấn mạnh, dù là kịch bản nào, Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô. Dù có tăng bội chi thì vẫn nằm trong tổng thể và phải đảm bảo mục tiêu 5 năm về bội chi và nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội (5 năm bội chi bình quân tăng không quá 3,9% GDP), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và phòng chống dịch.

Để đảm bảo mục tiêu trên, theo Bộ trưởng, đầu tiên là phải tiết kiệm chi, lúc đầu tiết kiệm 50% chi phí hội nghị, hội thảo, nhưng nay phải tiết kiệm 70%; chi thường xuyên cắt giảm 10%, tiếp tục cắt giảm thêm 10% nữa. Chính phủ cũng trình tạm thời chưa tăng lương cho cán bộ, công chức.

Ngoài ra, cần tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công. Gói hơn 700 nghìn tỷ đồng vốn trong năm 2020 là lớn nhất từ trước đến nay. Nếu giải ngân được, đây sẽ là gói kích cầu rất lớn. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là vấn đề rất quan trọng hiện nay.

Tinh thần đó là nối dài những khuyến nghị của tổ chức Fitch Ratings (“Fitch”) thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng sang Ổn định. Việc Fitch xác nhận giữ nguyên bậc tín nhiệm quốc gia ở mức BB cho thấy các điểm sáng về tín dụng của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch. Fitch đánh giá cao việc Việt Nam đã tận dụng điều kiện kinh tế thuận lợi trong những năm qua để củng cố tình hình tài khóa và tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tăng mức đệm dự phòng trước những rủi ro vĩ mô. Tổ chức này dự báo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% do nhu cầu trong nước và nước ngoài dần hồi phục theo xu hướng toàn cầu và khu vực.

Nhưng để làm điều đó, những nền tảng tài chính hiện nay vẫn phải tiếp tục duy trì. Ông Dũng nói: “Cùng với việc tháo gỡ khó khăn, phòng chống dịch, thì mục tiêu căn cơ vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo tăng trưởng bền vững, lâu dài”.

Tư Giang/VNN

Tags :
Đọc nhiều