Ngăn chặn tha hóa quyền lực – vấn đề cốt tử để bảo vệ Đảng và chế độ ta (bài cuối)

04/10/2020 06:53

Châm ngôn có câu, đại ý: Một lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm chìm một con thuyền lớn; một tổ mối có thể làm lở móng, thậm chí làm lung lay, sụp đổ một ngôi nhà. Vì thế, nếu những “ung nhọt” của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà không được phát hiện, xử lý, chữa trị kịp thời thì nguy cơ tha hóa quyền lực sẽ tích tụ, trở thành mối nguy hại nghiêm trọng đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Bài 1: Những biến tướng nguy hại của sự tha hóa quyền lực

Bài 2: “Vết dầu loang” tha hóa sang cả lĩnh vực uy nghiêm, cao quý

Bài 3: Ngọn nguồn của “con dốc” tha hóa quyền lực

Bài 4 (hết): Bài 4: Xử lý nghiêm vi phạm đi đôi với “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”

Phòng, chống tha hóa quyền lực để giữ uy danh thể chế chính trị

Những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực, khả thi và hành động quyết liệt nhằm phòng, chống tham nhũng, chấn chỉnh, ngăn chặn các hiện tượng tha hóa quyền lực xảy ra trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và bước đầu mang lại hiệu quả, được nhân dân ghi nhận và dư luận quốc tế đánh giá khá tích cực. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2015 đạt 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu, thì đến năm 2019 đạt 37/100 điểm, đứng thứ 96/180 trên bảng xếp hạng này.

Chỉ số trên phần nào phản ánh “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng và sự tha hóa quyền lực ở nước ta đã có sự chuyển biến bước đầu khả quan. Song Đảng ta vẫn thẳng thắn nhận định: Tình hình tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một phận cán bộ, đảng viên vẫn còn diễn biến phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, làm cản trở tiến trình đổi mới và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đây là một thách thức nghiêm trọng đe dọa đến vận mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta.

Theo một báo cáo gần đây của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), 80% số người được hỏi ý kiến cho rằng, tham nhũng xếp ở vị trí đầu tiên trong các vấn đề mà người dân lo lắng, bức xúc nhất. Như đã phân tích, tham nhũng suy cho cùng là biểu hiện rõ nhất của sự tha hóa quyền lực. Thế nên, khi người dân lo lắng, bức xúc về tình trạng tham nhũng cũng là trăn trở, day dứt về tình trạng tha hóa quyền lực đang có nguy cơ làm bào mòn, biến chất bản chất cách mạng của Đảng, làm suy giảm uy tín, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Lịch sử chính trị thế giới đã đúc kết rằng, ở đâu có quyền lực nhà nước thì ở đó có nguy cơ tha hóa quyền lực. Ngay cả đối với thể chế chính trị ưu việt như thể chế XHCN, nguy cơ tha hóa quyền lực cũng không nằm ngoại lệ. Bài học về sự tan rã, sụp đổ của Liên Xô vẫn còn nóng bỏng tính thời sự. Từ một cường quốc XHCN tưởng như bất khả xâm phạm, bất khả thất bại, nhưng giới lãnh đạo, cầm quyền của Nhà nước liên bang Xô viết hùng mạnh nhất thế giới đã bị tha hóa quyền lực để rồi tự làm gục đổ chính nhà nước vĩ đại một thời của mình.

Phải khẩn trương, kiên quyết “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”

Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, PGS, TS Lưu Văn Quảng, Viện trưởng Viện Chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong mỗi con người thường tồn tại hai thái cực là tính vị tha (vì người, vì xã hội) và tính vị kỷ (vì bản thân mình). Do vậy, bên cạnh việc bị chi phối, định hướng bởi các lý tưởng, niềm tin cao đẹp, hành vi con người còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi các toan tính cá nhân. Mặt khác, quyền lực nhà nước là ý chí chung của xã hội nhưng lại được giao cho một số người với những khả năng hữu hạn khi thực thi. Mà đã là con người ai cũng có thể mắc sai lầm, ai cũng có ưu điểm-khuyết điểm, ai cũng có tính tốt-tính xấu. Bởi thế, khi những người nắm giữ quyền lực công mà để cho tình cảm lấn át lý trí, cái xấu lấn át cái tốt, lợi ích cá nhân chi phối lợi ích tập thể và lợi ích nhà nước, thì lúc đó các biểu hiện suy thoái sẽ dần tích tụ thành sự tha hóa quyền lực.

Thực tế cho thấy, nhiều người từng có cống hiến trong quá khứ, từng có những năm tháng đồng cam cộng khổ với đồng bào và thời gian đầu khi được thăng chức cũng thể hiện tinh thần vì nước vì dân, nhưng càng về sau khi được nắm giữ quyền lực lớn hơn đã không giữ được sự liêm chính, chí công vô tư vì “ánh hào quang” từ quyền lực đã làm “lóa mắt, rối trí” họ. Không những vậy, những người này còn bị bủa vây bởi những lời a dua, xu nịnh từ những “kẻ gian thần” ở cơ quan, đơn vị nên càng tạo cơ hội cho họ dần “lún sâu” vào sự suy thoái đạo đức cách mạng rồi từng bước tha hóa quyền lực.

Do vậy, muốn phòng ngừa được sự tha hóa quyền lực, trước hết bản thân người cầm quyền phải tự tạo cho mình một “chiếc áo giáp” có đủ khả năng “miễn dịch” trước những tác động của mặt trái quyền lực. Điều này đòi hỏi cán bộ nắm giữ quyền lãnh đạo, quản lý các cấp phải có nền tảng văn hóa, đạo đức thực sự vững chắc; đồng thời luôn tỉnh táo, sáng suốt trước mọi cám dỗ từ “cái bả” tiền tài danh lợi luôn có sức cuốn hút con người ghê gớm, nhưng cũng có sức “công phá” vào các giá trị đạo đức công vụ hết sức nguy hại.

Tuy nhiên, những người nắm giữ quyền lực rất khó có thể tự phòng ngừa tha hóa quyền lực nếu không có một cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, khả thi. Để phòng ngừa, ngăn chặn sự tha hóa quyền lực từ gốc rễ, vấn đề quan trọng nhất là “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế” như người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định.

Một bằng chứng gần đây cho thấy điều đó. Nhờ có Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị “Về việc kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền”, đầu tháng 8-2020 vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương đã có cơ sở pháp lý để yêu cầu cấp có thẩm quyền tỉnh Bắc Ninh phải chấn chỉnh ngay những việc làm chưa đúng trong việc điều động, chỉ định con trai của Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh (nhiệm kỳ 2015-2020) làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh.

Các luật gia cho rằng, để quyền lực nhà nước không bị lạm dụng, để những người nắm giữ và thực thi quyền lực không sử dụng quyền sai mục đích dễ dẫn đến tha hóa quyền lực, nhất thiết phải sử dụng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Một khi sử dụng quyền cưỡng chế này để kiểm soát quyền cưỡng chế khác sẽ khiến những người nắm giữ quyền lực nhà nước, quyền lực công dù vị kỷ hay tư lợi, thì cũng không thể lạm quyền, lộng quyền để trục lợi. Đó chính là giải pháp căn cơ, hữu hiệu để phòng ngừa sự tha hóa quyền lực hiện nay.

Trở lại câu chuyện gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, cách chức, truy tố trong hơn 4 năm qua. Một mặt, cần khẳng định lại rằng, khi cán bộ ở bất kỳ cương vị nào mà thiếu tu dưỡng, rèn luyện và vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước thì cũng phải xử lý nghiêm khắc. Nhưng mặt khác cũng nên nhìn nhận khách quan ở một khía cạnh, đó là nếu Đảng, Nhà nước sớm ban hành và thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong bộ máy công quyền thì đã có thể phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả sự suy thoái, tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu.

Theo GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, khi chọn được người đứng đầu nắm giữ quyền lực của một tổ chức, cơ quan, đơn vị, thì điều quan trọng nhất là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ để cá nhân đó không có cơ hội lạm dụng, lợi dụng quyền lực rồi tha hóa. Vụ việc mới đây, ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, bắt tạm giam khi đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì liên quan đến một số vụ án, là một bài học đắt giá về việc thiếu kiểm soát chặt chẽ quyền lực cá nhân người đứng đầu khiến họ trượt dài trên con đường tha hóa, dù trước đó cán bộ này từng là anh hùng phá án hình sự rất giỏi.

Thay lời kết

Vị thế, uy danh của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được xây dựng, tô thắm bằng máu đào của gần 160.000 đảng viên đã hy sinh anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Uy danh của chế độ chính trị XHCN ở nước ta cũng được kiến tạo, vun đắp từ máu đào của hơn 1,2 triệu liệt sĩ và sự đóng góp máu xương của khoảng 825.000 thương binh, bệnh binh. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, “cuộc chiến” phòng, chống tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay cũng không ngoài mục đích cao cả là nhằm bảo vệ những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc; bảo vệ những giá trị hy sinh, cống hiến to lớn của hàng triệu người con ưu tú đã góp phần làm nên hình hài, sức sống Tổ quốc và cuộc sống hòa bình của gần 100 triệu người dân Việt Nam hôm nay.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp cần thấm thía lời cảnh tỉnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Đây là con đường ngắn nhất dẫn đến tha hóa quyền lực. Bác Hồ còn căn dặn: “Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo, nhưng cuộc sống vật chất hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt xấu truyền đến ngàn đời sau”.

Gương tày liếp của hàng loạt cán bộ tha hóa quyền lực gần đây bị kỷ luật, cách chức, xử lý hình sự như lời thức tỉnh, nhắc nhở nghiêm khắc tất cả những người “ăn cơm dân, mặc áo Đảng” không bao giờ được phép tự cho mình cái quyền “tự phán, tự quyết” một cách tùy tiện hay để cho quyền lực đứng ngoài luật pháp.

Công quyền là của nhân dân thì phải phục vụ nhân dân, chứ không được công-tư lẫn lộn, lại càng không được lợi dụng công quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Nếu không thấm thía điều này thì cán bộ sẽ không tránh khỏi “cái bẫy” của quyền lực để rồi tha hóa, biến chất và phải đánh đổi, trả giá bằng cả sự nghiệp, danh dự của mình và tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta và để lại tiếng xấu muôn đời!

Đại tá, TS Nguyễn Hữu Phúc, Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị: “Quyền lực nhà nước là của nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước, nhưng lại trao quyền cho những con người cụ thể thực thi. Trong khi đó, hành động của con người luôn chịu sự tác động, chi phối bởi nhiều lợi ích nên dễ dẫn đến khả năng sai lầm trong việc thực thi quyền lực nhà nước và hệ lụy kéo theo là hiện tượng tha hóa quyền lực. Phải nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, thấu đáo để không nhận thức đơn giản rằng, phát hiện và xử lý được càng nhiều vụ tham nhũng, xử lý được nhiều cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất thì sẽ có thể “đào tận gốc, trốc tận rễ” tình trạng tha hóa quyền lực”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị “tha hóa”.

THIỆN VĂN/QDND

Đọc nhiều