419
category
388683

Ngẫm về câu thơ: “Khen cho con mắt tinh đời” trong công tác nhân sự Đại hội Đảng

Đinh Lực 27/04/2020 10:56

Hơn bao giờ hết, đất nước cần lắm những con mắt tinh đời. Trong lịch sử dân tộc, còn lưu câu chuyện lịch sử thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhìn ra tài kinh bang tế thế của Đào Duy Từ (1572 – 1634) là điển hình tiêu biểu của con mắt tinh đời trong lịch sử. Do Đào Duy Từ xuất thân con nhà phường chèo nên ông không có chỗ tiến thân dưới chế độ của Chúa Trịnh, tài năng của ông không có đất dụng võ.

Cách đây gần 200 năm, trong kiệt tác Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du từng viết:

“Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!”

Thông thường, nếu những người ở tuổi 50 mà chưa có danh phận với đời, thì coi như đường công danh đã hết. Ấy vậy mà ở tuổi 54, con đường công danh của Đào Duy Từ lại mở rộng ở tuổi đó, khi ông từ Thanh Hóa vào Thuận Quảng gặp Chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Nhìn ra con người của ông, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thấy “con rồng ẩn”, một nhà chính trị quân sự văn hóa kiệt xuất nên Chúa giao cho ông trọng quyền.

Trong 8 năm làm quan của Đào Duy Từ, ông đã xây dựng cho Chúa Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, một chính quyền được lòng dân và quân đội hùng mạnh. Và từ đó lịch sử ghi nhận ông như đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn.

Hay câu chuyện Hưng Đạo Vương trọng dụng Phạm Ngũ Lão, người từng là chàng thanh niên ngồi đan sọt bên đường mải nghĩ mấy câu trong binh thư nên không biết có quân của Hưng Đạo Vương đi qua. Nhìn ra con người khí chất hơn người này, mà trong con đường sự nghiệp nhà binh của mình, Phạm Ngũ Lão hai lần góp công đánh thắng giặc Nguyên Mông, nhiều lần đánh dẹp quân Ai Lao, Chiêm Thành.

Tranh minh họa cảnh Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt thì bị lính dùng giáo đâm vào chân.

Quay trở lại vấn đề nhân sự lãnh đạo cấp cao, đội ngũ đặc biệt quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của chế độ. Chọn sao cho được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao đủ tâm, đủ tầm để cầm lái con thuyền cách mạng đi đúng hướng, vượt qua thác ghềnh, cập bến vinh quang là nhiệm vụ hết sức nặng nề của Đảng. Công việc ấy đòi hỏi sự công tâm, tỉnh táo, phải có “con mắt tinh đời”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa có bài viết Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác cán bộ cực kỳ phức tạp, khó khăn, vì nó liên quan đến con người, là “công tác con người”.

“Con người cũng có đủ thứ chứng tật không lành mạnh, nói ra rất tế nhị, nhạy cảm (nhận xét, đánh giá nhau thế nào, nhất là nói về nhược điểm, khuyết điểm của nhau; bố trí, sắp xếp vào đâu, liên quan đến danh dự, chế độ, chính sách hưởng thụ, chức vụ cao, thấp, lợi ích, bổng lộc… so sánh với người khác thế nào… vô cùng phức tạp, nhạy cảm, rất dễ phát sinh vấn đề, tâm tư day dứt), gây mất đoàn kết” – Tổng Bí thư chỉ rõ.

Từ thực tiễn đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiến hành công tác nhân sự Đại hội theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan. Đặc biệt, phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn.

Đối với thành viên của Tiểu ban Nhân sự và tổ giúp việc, Tổng Bí thư yêu cầu đây những cán bộ này phải thật sự tin cậy, tuyệt đối trung thành, trung thực, trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường, “đừng nhìn gà hoá cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong; chống các biểu hiện tiêu cực chính ngay trong các cán bộ có trách nhiệm.

Nhân sự lãnh đạo cấp cao luôn là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của chế độ. Chọn sao cho được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao đủ tâm, đủ tầm để cầm lái con thuyền cách mạng đi đúng hướng, vượt qua thác ghềnh, cập bến vinh quang là nhiệm vụ hết sức nặng nề của Đảng. Công việc ấy đòi hỏi sự công tâm, tỉnh táo, phải có “con mắt tinh đời”.

“Khen cho con mắt tinh đời” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã lấy một câu Kiều để nói về công việc của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 tại một cuộc họp mới đây khi bàn về việc xây dựng quy hoạch cán bộ chiến lược cho nhiệm kỳ XIII của Đảng.

“Con mắt tinh đời” để nhận ra người tài đức, thực sự cần thiết cho đất nước, là những người có trình độ vững vàng về lý luận, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, pháp luật… để có thể đưa ra được chủ trương, đường lối phát triển đúng, trúng cho đất nước trong giai đoạn mới. Chứ không phải dạng người ba phải, ai nói gì cũng gật, “nói đúng không biết, nói sai không hay”.

“Con mắt tinh đời” để đủ nhìn ra những kẻ cơ hội chính trị mà ngăn chúng lại, loại chúng ra khỏi bộ máy; những cán bộ không chỉ trong sáng về đạo đức phẩm chất để đưa đất nước phát triển, thịnh vượng;…

Cơ chế lựa chọn người đứng đầu trong bộ máy hiện nay không được trao cho những người chỉ biết sử dụng quyền đó không phải nhằm mục đích cao cả là chọn đúng người đúng việc vì lợi ích đất nước.

Những “con mắt tinh đời” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nên trong công tác phòng chống tham nhũng trong suốt nhiều năm qua đã loại bỏ được những cán bộ, lãnh đạo có hành vi tham nhũng như: Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hiến, … và còn hàng loạt cán bộ cấp cao khác bị xử lý từ bí thư, chủ tịch tỉnh đến bộ trưởng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị dứt khoát không đưa vào quy hoạch kẻ cơ hội chính trị.

Rõ ràng, trong công tác nhân sự cấp cao, cấp chiến lược của Việt Nam cần loại bỏ những “cánh hẩu” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh), hợp tác với nhau để ăn chia, tham nhũng với nhau. Đó là những người thuộc cánh hẩu, “đúng quy trình” để lợi dụng trực lợi cho bản thân, phục vụ mục đích nhóm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo về bệnh “cánh hẩu” trong Đảng, đó là: “… Tung hô nhau, ủng hộ nhau, dùng số đông, lợi dụng và bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, dồn những người tốt, có tài nhưng không “hẩu” xuống để “tiêu diệt”, để cát cứ, thao túng; Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”.

Lời dạy của Người vẫn còn nóng hổi và câu chuyện đó hôm nay được một lần nữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quán triệt bằng câu thơ mượn của Đại thi hào Nguyễn Du: “Khen cho con mắt tinh đời”.

Đất nước chỉ thực sự phát triển bền vững khi triệu triệu người đồng lòng chung sức, hiền tài được trọng dụng, không còn những “hoại nhân” cản bước đường đi tới tương lai tươi đẹp của dân tộc.

Đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “Mục đích của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một Ban Chấp hành T.Ư mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu để đủ sức gánh vác trọng trách vinh quang nhưng rất nặng nề của mình”.

Đinh Lực

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều