Nga có bao nhiêu phần trăm khả năng dùng vũ khí hóa học như Mỹ nói

Thành An 06/05/2024 08:02

Ngày 1/5, Bộ Ngoại giao Mỹ tung ra cáo buộc rằng quân đội Nga sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) trong xung đột với Ukraine. Cáo buộc này được xem là một nấc leo thang nữa giữa Mỹ và Nga, bởi nội dung và bản chất của nó.

Một khu vực bị tấn công ở Khakiv, Ukraine ngày 30/4/2024.

Trong buổi công bố một đợt trừng phạt mới nhắm vào các thực thể Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ viện đã dẫn cáo buộc Moscow vi phạm Công ước về Vũ khí Hóa học (CWC) năm 1993 để áp một số lệnh cấm vận. Thông báo này cho rằng Nga đã sử dụng chất gây nghẹt thở chloropicrin và các hợp chất chuyên chống bạo loạn trong quá trình tác chiến tại Ukraine, cho biết đã gửi báo cáo về kết luận “Nga vi phạm lệnh cấm VKHH toàn cầu” đến quốc hội Mỹ.

“Việc sử dụng những loại hóa chất này không phải sự việc đơn lẻ, nhiều khả năng nhằm mục đích đánh bật binh sĩ Ukraine khỏi các cứ điểm và giúp Nga giành lợi thế chiến thuật trên chiến trường”, thông báo cáo có đoạn.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhắm vào tổng cộng 280 cá nhân và thực thể, bao gồm cả Lực lượng phòng vệ phóng xạ, hóa học và sinh học, một nhánh chuyên biệt của quân đội Nga có nhiệm vụ bảo vệ quân đội và dân thường khỏi vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hiển nhiên, Nga lập tức phản đối và bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng cáo buộc này là vô căn cứ và không có bất cứ bằng chứng nào. Nga cho hay họ sẽ tiếp tục tuân thủ các trách nhiệm quốc tế.

Quả thực, đến nay Mỹ cũng chưa đưa ra được bằng chứng, khiến người ta càng có cơ sở để nghi ngờ cáo buộc này chỉ là một cái cớ cho đợt trừng phạt lần này. Tuy nhiên, việc viễn dẫn VKHH làm cáo buộc là một điều rất nghiêm trọng, bởi loại chloropicrin nói riêng và VKHH nói chung là điều bị quốc tế cực lực lên án và nếu được xác thực, hậu quả dành cho bên sử dụng nó sẽ rất nặng nề.

Chloropicrin là chất bị cấm trong khuôn khổ CWC theo Tổ chức Cấm VKHH (OPCW) có trụ sở tại Hà Lan, có hiệu lực từ năm 1997.

VKHH được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến I cách đây hơn một thế kỷ, gây ra thương vong lớn cho lực lượng các bên tham chiến. Điều này khiến VKHH bị lên án mạnh mẽ sau Thế chiến I.

Lô vũ khí hóa học chờ tiêu hủy tại Shchuchye (Nga) năm 2009.

Trong Thế chiến II, VKHH không được sử dụng nhiều như Thế chiến I. Một số quốc gia sau Thế chiến II tiếp tục cất giữ và phát triển VKHH. Theo thống kê sau khi CWC có hiệu lực tháng 4/1997, thế giới có tổng cộng 72.000 tấn VKHH.

Trong xung đột Nga-Ukraine, cả hai bên từng nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm CWC, nhưng OPCW chưa nhận được đề nghị điều tra các vụ sử dụng chất hóa học bị cấm trên chiến trường Ukraine.

Dù sao, việc xác thực cáo buộc vừa qua của Mỹ sẽ hoàn toàn không dễ dàng, do đó thế giới sẽ còn phải chờ đợi khá lâu trước có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, xét tình hình thực tế, liệu Nga có khả năng đã dùng VKHH hay không?

Do khả năng hủy diệt lớn và giết hại dân thường, sử dụng VKHH được xem như “hạ sách” bởi nếu bị phát hiện, bên sử dụng sẽ hứng chịu không chỉ áp lực và dư luận quốc tế mà còn có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm, chẳng hạn như các nước khác có thể dùng đó làm lý do điều động lực lượng tham chiến. Do đó, những vụ sử dụng VKHH trong những xung đột sau Thế chiến II thường là ở những chiến trường diễn ra nhiều năm và không có bên nào áp đảo, hoặc do phe yếu thế trong xung đột sử dụng.

Nga phát động Chiến dịch Quân sự Đặc biệt (Special Military Operation – SMO) ở Ukraine từ tháng 2/2022, giao tranh giữa hai nước đã bước sang năm thứ 3. Trong suốt thời gian này, Ukraine đã hứng chịu nhiều thất bại, để mất nhiều vùng lãnh thổ và pháo đài quan trọng như Bakhmut, Avdiivka… Quân đội Ukraine cũng liên tục lâm vào tình trạng thiếu thốn, từ đạn pháo, khí tài cho đến nhân lực. Sự áp đảo về quân số và khí tài của Nga khiến thương vong của Ukraine được cho là lớn hơn gấp nhiều lần.

Quân đội Ukraine cũng liên tục lâm vào tình trạng thiếu thốn, từ đạn pháo, khí tài cho đến nhân lực.

Bên cạnh đó, hàng ngũ lãnh đạo quân sự của Ukraine thường xuyên bị chỉ trích là đã đưa ra các quyết định sai lầm và mâu thuẫn nội bộ, đỉnh điểm là việc cách chức tướng Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine. Khi thương vong ngày càng tăng cao, tinh thần của binh sĩ xuống dốc là điều khó tránh khỏi. Đổ lỗi những thương vong này cho VKHH Nga cũng có thể xem là một cách để gỡ gạc hình ảnh và giảm bớt áp lực cho những người làm chỉ huy.

Trong khi đó, Nga liên tục giành được những lợi thế trên chiến trường, với tỉ lệ binh sĩ được cho là áp đảo hơn 10 trên 1. Sử dụng VKHH ngay trên chiến trường mà mình áp đảo dường như chỉ làm tăng khả năng thương vong cho binh lính của chính mình. Và cũng cần nhắc lại rằng Nga ký CWC năm 1993 và khởi động chương trình tiêu hủy vũ khí sau đó ba năm, thông báo tiêu hủy toàn bộ kho VKHH vào tháng 9/2017, hoàn thành nghĩa vụ trước Mỹ 6 năm.

Hơn nữa, Nga vẫn đang cố gắng duy trì hình ảnh rằng SMO là nhằm “bảo vệ lợi ích của Nga” và cần sự duy trì sự ủng hộ từ các đối tác, hoặc ít nhất là không để hình ảnh của mình xấu đi hơn nữa, nên sử dụng VKHH rõ ràng đang đi ngược lại những cố gắng này.

Trước khi có những bằng chứng xác thực, dư luận thế giới có thể xem những cáo buộc sử dụng VKHH như những động thái gây áp lực hơn là cơ sở luận tội. Có thể Mỹ đang thúc đẩy cô lập Nga hơn nữa, để vận động thế giới bên ngoài ủng hộ Ukraine nhiều hơn và tập hợp lực lượng cùng đối phó Nga, hay đơn giản là đánh tiếng trước để ngăn các bên thực sự dùng VKHH.

Điều chắc chắn hiện tại là quan hệ Mỹ-Nga sẽ chỉ xấu thêm và khó có thể hàn gắn.

Hạnh Văn

Đọc nhiều