Nga cảnh báo Mỹ nên biết “quay đầu”

Lan Hoa 23/08/2022 13:18

Trang TASS của Nga trích dẫn phát biểu của một quan chức ngoại giao cấp cao của Nga nhấn mạnh, Mỹ cần tôn trọng các lợi ích của Nga và nên biết “quay đầu” nếu muốn cải thiện mối quan hệ song phương đã bị tổn hại.

Kỷ nguyên Mỹ – Nga đối đầu đã mở ra vô cùng căng thẳng.

Theo đó, người đứng đầu Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Nga Aleksander Darchiev nhấn mạnh: “Tôi xin nói thẳng rằng chúng tôi không có bất kỳ lý do gì để tìm kiếm các cuộc thoả hiệp với Mỹ. Quốc gia này hoàn toàn không có khả năng đàm phán. Tuy nhiên, nếu cuối cùng phía Mỹ quay trở lại quan điểm chung và có cái nhìn đúng đắn về bối cảnh địa chính trị hiện tại, không phải thể hiện qua lời nói, mà bằng hành động, đồng thời có thiện chí tôn trọng lợi ích quốc gia của Nga, thì đó chính là cơ sở để dần bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.”

Người đứng đầu Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Nga Aleksander Darchiev.

Liên quan tới việc Mỹ và các đồng minh NATO đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu, ông Aleksandr Darchiev nêu rõ: “Chúng tôi đang bình tĩnh đáp trả và không lo sợ gì cả. Còn nếu Quốc hội Mỹ thông qua tuyên bố Nga là quốc gia bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ vượt qua điểm không thể quay đầu. Hậu quả của động thái này sẽ là quan hệ ngoại giao song phương có thể bị hạ thấp, hoặc thậm chí tan vỡ hoàn toàn”.

Quan hệ Nga – Mỹ rơi xuống đáy

Quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện đang ở mức “lạnh giá” nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô trước đây. Thậm chí, hai cường quốc có ảnh hưởng, vai trò chi phối các vấn đề chiến lược toàn cầu này đã ngừng mọi kênh tiếp xúc, liên lạc trực tiếp kể từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine ngày 24/2.

Không những thế, cuộc chiến trừng phạt ngoại giao, chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Nga có xu hướng ngày càng leo thang thêm chứ chưa có bất kỳ dấu hiệu lắng dịu. Các đòn trừng phạt toàn diện mà Mỹ tung ra chống Nga hiện nay còn hà khắc hơn cả thời hai nước còn đối đầu gay gắt trong Chiến tranh Lạnh khi bao phủ lên hầu hết các hoạt động ngoại giao, tiếp xúc, đi lại và kinh tế hai nước.

Sau quyết định thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga bị bủa vây bởi trừng phạt

Đòn trừng phạt nặng nề về kinh tế bao phủ lên hầu hết các lĩnh vực kinh tế của Nga, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp quan trọng, đặc biệt là công nghiệp quân sự; các ngân hàng; các công ty hàng không, hàng hải… với mục đích mà Mỹ thẳng thừng tuyên bố là nhằm “loại bỏ Nga khỏi hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu”. Thậm chí, các hoạt động thể thao, nghệ thuật cùng các vận động viên, nghệ sĩ trong các lĩnh vực này cũng không thoát khỏi đòn trừng phạt của Mỹ.

Đáp lại, Nga cũng tung ra các đòn trả đũa tương tự vào các giới chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả cá nhân Tổng thống Joe Biden cùng Đệ nhất phu nhân Mỹ và con gái, cũng như các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn của Mỹ. Hiện chưa có số liệu thống kê, song có thể nói trao đổi kinh tế giữa Mỹ và Nga đã hầu như “đóng băng” kể từ khi nổ ra cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.

Vòng xoáy nguy hiểm của đối đầu Nga – Mỹ

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, thế giới mới chứng kiến việc một cường quốc lớn như Nga bị Mỹ và các nước phương Tây cùng đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt và phong tỏa khắc nghiệt tới vậy, thậm chí còn hà khắc hơn cả những biện pháp cấm vận áp đặt đối với Triều Tiên, Iran và Venezuela. Tuy nhiên, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của hầu như không buộc được các quốc gia này phải thay đổi chính sách. Thế nên, việc Mỹ, phương Tây và đồng minh trông mong dựa vào trừng phạt để Nga thay đổi chính sách, dừng cuộc xung đột tại Ukraine là điều khó khả thi.

Áp lực từ Mỹ và phương Tây đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn

Giới phân tích cho rằng, áp lực từ Mỹ và phương Tây đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, trong đó hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia láng giềng này đã gia tăng đáng kể, kể từ khi bị Mỹ và phương Tây trừng phạt kinh tế. Nga cùng với Trung Quốc vốn cùng có lợi ích chiến lược trong việc xóa bỏ trật tự toàn cầu do Mỹ thống trị, nay có thêm động lực để xích lại gần nhau nhằm “tạo ra một trật tự toàn cầu” mới tính đến lợi ích của họ.

Theo giới phân tích, nếu như thời Chiến tranh Lạnh trước đây còn duy trì được thế ổn định chiến lược toàn cầu bởi cả hai bên đều phán đoán được ý đồ của đối phương và biết “luật chơi” thì nay sự bất ổn trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới lại đang là nguyên nhân khiến mọi thứ trở nên khó lường, khó ứng xử.

Có lẽ, còn sớm để nói về việc thế giới sẽ rơi vào vòng xoáy khôn lường của một cuộc “Chiến tranh Lạnh 2.0”, song đó không phải là điều không thể xảy ra khi cuộc xung đột tại Ukraine tiếp diễn và đặc biệt nguy hiểm nếu leo thang, cuốn theo sự tham gia sâu rộng, trực tiếp của bên thứ ba.

Lan Hoa (Theo TASS)

Đọc nhiều