Nếu Trung Quốc minh bạch ngay từ đầu thì có lẽ đã khống chế virus CORONA

Lữ Khách 24/01/2020 10:28

Chỉ 3 tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố dịch bệnh viêm phổi lạ do một loại virus mới ở thành phố Vũ Hán gây ra, con số bệnh nhân đã tăng lên 440 với 9 trường hợp tử vong. Những lo ngại liên tục gia tăng khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Mỹ … lần lượt báo cáo các trường hợp dương tính với virus này. Theo số liệu chính thức mới nhất đã có 830 ca nhiễm với 25 ca tử vong, tỷ lệ tử vong vẫn xấp xỉ 3% liên quan đến loại virus này.

Dịch bệnh viêm phổi lạ bắt đầu được báo cáo ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ giữa tháng 12 năm 2019. Bệnh nhân khởi phát sớm nhất được cho là đã xuất hiện các triệu chứng từ ngày 12 tháng 12 bao gồm ho, sốt, khó thở. Phim chụp X-quang cho thấy các tổn thương xâm lấn ở cả hai bên lá phổi.

Tuy nhiên, phải đến tận ngày 31 tháng 12, Trung Quốc mới chính thức thừa nhận tình hình tại Vũ Hán, sau khi điều tra cho thấy virus dường như được phát tán từ Chợ hải sản Huân Nam. Các quan chức y tế địa phương báo cáo rằng virus có thể đã lây từ động vật sang cho các tiểu thương và người mua hàng tại chợ. Chợ hải sản Huân Nam được mô tả là một khu vực “bẩn thỉu và lộn xộn” với hơn 1.000 gian hàng. Ngoài hải sản, chợ còn bán cả gà, sóc, thỏ, dơi và các động vật hoang dã khác. Chợ hải sản Huân Nam có điều kiện vệ sinh cực kỳ kém, nhồi nhét hàng ngàn con người với động vật sống và động vật đã giết mổ. Đó là một cơ hội vàng giúp những con virus trên động vật, được gọi là zoonoses, nhảy sang, tiến hóa và lây nhiễm trên người.

Quản Dật là một chuyên gia virus học lão làng ở Hồng Kông, đại dịch SARS chính ông góp phần cô lập và nhận diện virus, các loại virus cúm gia cầm trải qua trăm trận chưa hề nao núng. Lần này Quản Dật đến Vũ Hán ngày 21.1 để tìm hiểu. Chỉ sau một ngày quan sát cách xử lý của chính quyền ông nhận thấy Vũ Hán vỡ trận, đành bỏ chạy khỏi thành phố ngay trong ngày 22.1.Trả lời phỏng vấn tờ Tài Tân, Quản Dật nói ông cảm thấy bất lực, chưa lần nào thấy sợ như lần này. Theo ông Quản, thời kỳ vàng để khống chế bệnh dịch đã trôi qua, nhiều người mang mầm bệnh đã rời Vũ Hán. Vì thế, cách ly Vũ Hán hiện không còn hiệu quả. Ông Quản ước tính quy mô của dịch mới sẽ gấp 10 lần SARS.

Trên mạng hiện lan truyền một đoạn clip được cho là một bác sỹ ở Vũ Hán thét lên gần như khóc với cấp trên qua điện thoại: “Các anh chỉ lải nhải về sự dũng cảm của Vũ Hán và bác sỹ ở đây. Không có đủ vật tư y tế, chúng tôi quá tải về thể lực về tinh thần, chúng tôi không thể trông cậy vào hô khẩu hiệu, giải pháp ở đâu?”

Bloomberg đưa tin, hàng trăm triệu người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc đang rất lo ngại về sự bùng phát của một loại virus nguy hiểm chết người mới vừa khiến hàng chục người tử vong và hàng trăm người mắc bệnh. Các bài đăng về sự lây nhiễm đã lan rộng, đạt lượt xem lên đến 1 tỷ lần trên mạng xã hội Weibo. Trong khi đó, lời kêu gọi chính phủ minh bạch hệ thống cập nhật thông tin của Beijing News đã nhận được hơn 100.000 lượt xem trên WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất của Trung Quốc.

Không giống với dịch bệnh SARS 17 năm trước khi những nền tảng mạng xã hội chưa tồn tại, người dân Trung Quốc giờ đã có nhiều cơ hội tiếp cận với các kênh thông tin. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quuốc bị cộng đồng quốc tế lên án cố che đậy thông tin làm cho dịch trở nên nghiêm trọng khiến hơn 800 người chết trong đợt dịch SARS 2002-2003, nên người dân Trung Quốc đã thể hiện trên sự nghi ngờ của mình trên mạng xã hội. Rất nhiều người dùng trên Weibo và WeChat đang phàn nàn về sự thiếu minh bạch những thông tin mới nhất về virus corona và đặt câu hỏi tại sao chính quyền Trung Quốc không tiết lộ sớm hơn. “Người dân không nhận thức được sự nghiêm trọng của việc bùng phát này bởi vì chính quyền địa phương không đủ minh bạch”, một người dùng trên Weibo nói.

“Khác hẳn so với SARS năm 2003, đây là năm 2020 và người dân đã có nhiều nền tảng mạng xã hội như Weibo hay WeChat. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng bất kể đúng hay sai, những thông điệp này sẽ lan truyền rất nhanh. Loại thông tin này không thể kiểm soát”, Fu King-wa, Phó giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu truyền thông và báo chí của ĐH Hong Kong.

Nhà nghiên cứu xã hội GS Jonathan London viết: “Trong cả một tháng qua, vào lúc mà dân Trung Quốc và dân các nước trong khu vực cần được thông tin cảnh giác về virus Phổi Vũ Hán thì chính quyền Trung Quốc lại sử dụng chính sách “chả làm gì, giữ im lặng, cấm thông tin”… Nay toàn khu vực đang bị tác động. Phải chăng chính quyền thiếu trách nghiệm, và nguy hiểm cho cả thế giới.”

Lữ Khách

Tags :
Đọc nhiều