2
category
507115

Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều “khuyết tật”

26/03/2021 11:22

Nhiều ĐBQH nhấn mạnh đến sự liêm chính, chống lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật. 

Quốc hội hôm nay (26/3) dành một ngày để thảo luận ở hội trường về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội. Vấn đề xây dựng các dự án luật được nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đặt vấn đề về câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật với sự lưu ý mang tính mệnh lệnh của Thủ tướng “Cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật”.

Ông phân tích, liêm chính trong ứng xử là việc tự tạo áp lực cho chính mình trong thực hiện các hành vi xã hội và một trong những nguyên tắc để mỗi con người trở thành công dân tốt hơn cho đất nước, xã hội. Trong xây dựng, hoàn thiện thi hành pháp luật, đó là nguyên tắc “tối cần thiết” vì pháp luật điều chỉnh chung và thúc đẩy quan hệ xã hội. Pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích của bộ phận nhỏ  trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật.

Ông Bộ cho rằng, cần thiết có sự liêm chính trong xây dựng pháp luật, bởi sẽ xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội.

Có sự liêm chính sẽ không quy định lợi ích của một số bộ, ngành, đặc biệt bộ, ngành được giao soạn thảo dự án luật.

Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều 'khuyết tật'
Ông Nguyễn Mai Bộ.

Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều “khuyết tật”.

ĐB An Giang nêu: “Khuyết tật thứ nhất, mâu thuẫn chồng chéo với các văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa, các kỳ họp đã mất nhiều thời gian nghiên cứu ban hành.

Khuyết tật thứ hai, văn bản pháp luật đó sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình trong đó có xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền bộ, ngành khác.

Khuyết tật thứ ba, vòng đời của các văn bản pháp luật đó rất ngắn và kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian kinh phí để ban hành văn bản pháp luật thay thế”.

Đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, ông Bộ khẳng định, đa số hoạt động soạn thảo, thẩm tra, thảo luận là liêm chính: “Quốc hội đã thông qua rất nhiều văn bản pháp luật không tồn tại những khuyết tật và là một phần thể chế tốt đẹp thúc đẩy quan hệ xã hội và góp phần tăng trưởng kinh tế”ông khẳng định.

Ông đề nghị, Chính phủ và cơ quan được giao soạn thảo dự án luật có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật. Cơ quan thẩm tra, các ĐBQH luôn nghĩ tới liêm chính trong thẩm tra, phát biểu đối với mỗi dự án luật.

Gửi gắm khóa sau

Nói về thành công của Quốc hội khoá XIV, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định, thành công trong lập pháp là rất quan trọng.

Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều 'khuyết tật'
Ông Lưu Bình Nhưỡng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu một số hạn chế như ngoài việc chậm trễ trong khâu hồ sơ, vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp, có dự án luật gây bức xúc cho dư luận; dự án luật chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc đến kinh tế xã hội, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, công tác thẩm tra, thẩm định luật vẫn còn nhiều sơ hở, một số dự án chất lượng chưa cao, để lọt lưới những chính sách không phù hợp, có dấu hiệu của lobby không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật.

Năng lực phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Quốc hội và cơ quan trực thuộc đã quan tâm nhiệm vụ giám sát trong nhiều lĩnh vực quan trọng, đi vào những vấn đề trọng yếu của đất nước mà cử tri quan tâm…

Song, ông chỉ ra việc giám sát chưa được thực hiện ở những vụ việc lớn, nổi cộm, gây bức xúc dư luận.

Ông nêu một số kiến nghị và cho rằng đó cũng là vấn đề được bàn giao cho Quốc hội khóa sau, kể cả nguồn lực lẫn kinh nghiệm và tâm tư, tình cảm để Quốc hội khóa sau tiếp nối những thành công của khóa XIV.

Trong đó, cần xây dựng là Quốc hội nhân văn, không chỉ là trung tâm quyền lực mà còn là trung tâm của dân chủ và đoàn kết dân tộc; xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.

Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân. Đặc biệt, không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, chia chác quyền lực của đất nước.

Nhìn lại chặng đường đã qua, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) khẳng định, Quốc hội khóa XIV với những lãnh đạo Quốc hội ưu tú, đại biểu nhiệt thành, tâm huyết đã làm tròn bổn phận trước nhân dân.

Quốc hội đã thông qua những đạo luật bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và không có biểu hiện “tham nhũng chính sách”. Tuy nhiên, bà Mai cho biết, nếu rà soát thật kỹ, lật đi, lật lại tất cả các quy định và đặt trong mối quan hệ tổ chức thực hiện thì có thể nhận thấy, có những quy định, nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ “tham nhũng chính sách”.

“Tham nhũng chính sách có thể hiểu đây là việc cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính xác cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống”, bà phân tích.

Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều 'khuyết tật'

Dẫn chứng về các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật, ĐB nêu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả, hiện nay trên thực tế vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước.

Từ đây, ĐB Hà Nội cho rằng nên đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Nâng cao hoạt động thẩm tra, hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh, cần tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện.

Đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách; cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào những quy định pháp luật những quy định trục lợi cá nhân. Sớm hoàn tất Chính phủ số làm minh bạch hóa các quy định để người dân có thể thực hiện quyền nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức.

Trần Thường Hồng Nhì

Đọc nhiều