86
topics
361029

Nếu cùng lắm là “khiển trách, cảnh cáo…” thì vẫn “an toàn” cho họ!

09/02/2020 06:39

Không ít cán bộ có thẩm quyền với tâm lý “đằng nào thì cũng… hưu”, cũng “hạ cánh” nên đã tranh thủ các “chuyến tàu vét” ở giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ” để mà ký bừa, bổ nhiệm ẩu.

Nếu cùng lắm là “khiển trách, cảnh cáo…” thì vẫn “an toàn” cho họ! - 1

Chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, bà Trần Thị Hoài Thanh – Giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã Hội (LĐTB&XH) tỉnh Gia Lai liên tục bổ nhiệm, điều động hàng loạt cán bộ.

Cụ thể, có 2 quyết định đưa ra trong ngày 2/1 do bà Thanh ký duyệt là Quyết định điều động, bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và chức vụ Phó giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma tuý.

Sau đó, trong ngày 9/1 bà này lại ký ban hành liền 3 quyết định điều động, bổ nhiệm các vị trí quan trọng khác là chức vụ Trưởng phòng Lao động việc làm; chức vụ Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và chức vụ Chánh Văn phòng Sở.

Về những quyết định nói trên, ông Huỳnh Văn Tâm (Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai) cho biết, theo các quy định, văn bản pháp luật thì Sở LĐTB&XH thực hiện tiếp nhận, điều động công chức, viên chức vào – ra khỏi biên chế hành chính và ngược lại từ biên chế sự nghiệp vào biên chế hành chính là trái với quy định pháp luật và phân cấp quản lý của tỉnh Gia Lai.

Cũng theo ông Tâm, chiếu theo Quy định số 205-QĐ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền thì việc bổ nhiệm cán bộ tại Sở LĐTB&XH là chưa đúng quy định của Trung ương và chỉ đạo của Tỉnh uỷ Gia Lai.

Do đó, Sở Nội vụ Gia Lai đã đề nghị huỷ bỏ các quyết định ký ngày 9/1 nói trên, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tập thể Sở LĐTB&XH tỉnh Gia Lai nhận khuyết điểm về các sai phạm; còn cá nhân bà Trần Thị Hoài Thanh tự nhận mức kiểm điểm kỷ luật “khiển trách”; ông Lê Minh Lộc (Chánh văn phòng Sở LĐTB&XH) tự nhận mức kiểm điểm “rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Như vậy, việc xử lý kỷ luật dường như là rất “đúng quy trình” và sẽ không có nhiều điều để bàn nếu không phải là bà Trần Thị Hoài Thanh đã bắt đầu nhận sổ hưu từ ngày 1/2 vừa qua và từ cách đây nhiều tháng, bà này đã nhận thông báo về quyết định nghỉ hưu.

Điều này khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về “hội chứng nhiệm kỳ cuối” vốn đã bị lên án nhiều năm nay, như ông Lê Như Tiến – ĐBQH khoá XIII từng nhận xét: “Một số quan chức Nhà nước thường tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ, chạy đua nước rút để thực hiện những chuyến tàu vét cuối cùng”.

Vì sao phải vội vàng ký hàng loạt quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự như vậy và có chắc là không có vụ lợi hay không? Chẳng lẽ một đảng viên giữ chức vụ quan trọng như bà Thanh mà lại không nắm được Quy định số 205-QĐ/TW năm 2019? Hay bà có biết mà vẫn cố tình vi phạm? Công chúng hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi như vậy!

Và theo đó, tại bài viết “Nữ Giám đốc Sở sắp về hưu bổ nhiệm “thần tốc” nhiều cán bộ” đăng trên Dân trí ngày 3/2, nhiều độc giả đã bày tỏ sự băn khoăn về mức kỷ luật “khiển trách” đối với bà Thanh, cho rằng kiểm điểm như vậy sẽ khó răn đe cho những trường hợp tương tự.

Chúng ta biết, trong thực tế đã có những trường hợp không ít cán bộ có thẩm quyền với tâm lý “đằng nào thì cũng… hưu”, cũng “hạ cánh” nên đã tranh thủ các “chuyến tàu vét” ở giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ” để mà ký bừa, bổ nhiệm ẩu.

Nên, để không có chuyện “cùng lắm là khiển trách, cảnh cáo…”, “rút kinh nghiệm”, cần phải xác định được động cơ phía sau và (nếu được) lượng hoá lợi ích đi kèm sau những quyết định dồn dập và gấp rút ấy, từ đó mới xử lý kỷ luật thoả đáng. Điều đó càng cần thiết nhằm thực hiện Kết luận số 55 của Ban Bí thư về chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII sắp diễn ra.

Bích Diệp/DT

Đọc nhiều