28
category
326052

Nét cười ông Bảy

24/09/2019 09:38

Một tuần tính từ ngày ông Bảy đột quỵ giữa khu vườn nhà ở Lai Vung (Đồng Tháp), một tuần những người thân tuyệt vọng – hi vọng rồi phải chấp nhận quy luật sinh tử.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy những năm tháng cuối đời - Ảnh: TTO
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy những năm tháng cuối đời – Ảnh: TTO

Cũng một tuần ấy, cái tên Nguyễn Văn Bảy được bao nhiêu người của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp nhắc lại đầy yêu thương, kính phục.

Đọc những dòng ấy mới càng thấm thía rằng ông Bảy được người đời yêu kính không chỉ vì ông đã bắn rơi nhiều máy bay.

Trong danh sách 19 phi công Ace (thuật ngữ không quân chỉ những phi công đã bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên) của Việt Nam, Nguyễn Văn Bảy được xếp thứ 6. Nhìn cánh bay chiếc Mig-17 từ xa tít, đối thủ đã có thể nhận ra ông. Dũng mãnh – tinh quái – quyết liệt – chờ đợi và chớp đúng thời cơ, những “bí quyết” đã tạo ra hiệu suất chiến đấu cao như huyền thoại của Bảy “Cồ”. Bí quyết ấy ông dùng trong chiến đấu, và ngay lập tức buông xuống khi về với đời thường.

Tấm ảnh nổi tiếng của phi công Nguyễn Văn Bảy tuổi 30 khi vừa bước xuống khỏi buồng lái sau một trận xuất kích thành công là một nụ cười hồn hậu, sảng khoái. Nụ cười ấy hiện diện trong tất cả các tấm ảnh chụp ông sau này khi đặt lợp cá, tưới cây, nhổ mạ, chèo xuồng, nấu ăn, cụng ly rượu “xây chừng” với bạn bè.

Không chọn những ngày nghỉ hưu an nhàn, không chọn kiểu sống hưởng thụ, ông cười khà khà bảo: “Sinh ra trên đất Lai Vung là nông dân, sẽ về lại Lai Vung làm nông dân”.

Ông đã về làm một nông dân thứ thiệt, và là nông dân giỏi: làm lúa có năng suất cao, trồng mít trái đeo trĩu trịt, nuôi cá mập béo, thả sen nở ngát hồ. Đôi tay gân guốc, đôi chân săn chắc của ông không ngơi việc lúc nào cho đến phút cuối cùng ngả lưng lên thảm rơm vườn nhà mình.

Ông ra đi với nụ cười ấy, hồn hậu, sảng khoái, thanh thản. Tuổi 83. Một cuộc đời đã được sống xứng đáng đến từng ngày, từng giờ.

Nét cười ông Bảy - Ảnh 1.
Nụ cười hiền lành, chất phác của người phi công anh hùng

Vậy nhưng ai ai cũng vẫn thương tiếc. Người thân, đồng đội yêu kính đau xót là lẽ đương nhiên. Những đối thủ khi xưa cũng hết lời thương tiếc vì đã trở thành bạn bè với ông từ lâu lắm, đã được ông đãi ly rượu, con cá lóc nướng trui, múi mít thơm vàng vườn nhà. Hàng triệu người khác, chỉ biết ông qua những câu chuyện không kích huyền thoại, nhìn thấy ông qua những tấm ảnh lão nông khăn rằn quấn đầu, cán cuốc vác vai lại càng tiếc thương hơn.

Thương kính vì triết lý sống “Biết mình là nông dân thì về làm nông dân” đẹp như chân lý, như sự thật, và đã được ông tô đẹp hơn nữa bằng những năm tháng sảng hoạt bên đồng ruộng, nụ cười đậm chất miền Tây hồn hậu, bao dung, rộng mở.

Lựa chọn ấy, cuộc sống ấy đối với ông Bảy là lẽ dĩ nhiên, như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi ngày nào: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.

Tiếc xót vì cuộc đời đang có quá nhiều người cũng tuổi trẻ lẫy lừng như Nguyễn Văn Bảy tuổi 30 nhưng lại không có được sự lựa chọn giản dị mà minh triết như ông Bảy khi bước xuống khỏi cánh bay, hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều anh hùng đã gục ngã, nhiều hình tượng đã sụp đổ. Và vì vậy mà càng tiếc khi ông Bảy ra đi.

Hôm nay, hàng triệu người đang ngắm lại nét cười sảng khoái của ông Bảy. Một nụ cười đôi khi đang là cả một cơn mơ với nhiều người. Để lại cho đời nét cười này, ông Bảy nhé.

PHẠM VŨ/Tuổi Trẻ

Đọc nhiều