419
category
430466

Nên nhân rộng chương trình đổi chai nhựa lấy gạo vì một Việt Nam sạch đẹp

Đỗ Mạnh 15/09/2020 17:32

Chúng ta đang sống trong thời đại mà rác thải tràn ngập khắp nơi. Đi đâu cũng thấy rác, rác xuất hiện trong phố, ngoài làng, trong rừng, dưới biển, đâu đâu cũng thấy ngập ngụa những rác.

Nông thôn ngày xưa làm gì có rác, nhà nào nhà nấy tự quét dọn nhà của ngõ ngách và rác thì tự đi đổ vào nơi quy định. Vì thế làng xã chẳng cần người đi thu gom rác chuyên nghiệp. Rác ở nơi quy định cứ đầy thì lại đốt không bị ùn ứ bốc mùi, gây ô nhiễm.  Ngày nay thì khác hẳn, cuộc sống khá lên từng ngày và rác cũng vì thế mà nhiều lên một cách đáng báo động. Do những bao bì các sản phẩm công,  nông nghiệp được sử dụng rất rộng rãi nên giờ đây những chất thải dạng nhựa như vỏ chai, túi ni lông các đồ dùng bằng nhựa thải ra nằm la liệt mọi nơi, mọi chỗ. Đặc biệt tại các bãi biển nhìn cảnh hàng núi túi ni lông, chai nhựa trôi dạt mà thấy đáng ngại.

Hiện nay ở bất kì nơi nào ở Việt Nam, đi đâu chúng ta cũng bắt gặp những người sinh sống bằng nghề lượm ve chai. Đội ngũ những người làm nghề này rất đông đảo song cũng không đủ sức để thu gom hết  những chất thải nhựa, tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Rác vẫn cứ tràn ngập và ngày mỗi nhiều hơn.

Thời gian gần đây thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình đổi chai nhựa lấy gạo. Chương trình này đã được đông đảo người dân hưởng ứng. Chương trình không những thu hút những người chuyên thu lượm ve chai mà còn thu hút một số lượng lớn người dân tham gia. Đây là một chương trình rất có ý nghĩa, làm cho mỗi công dân, mỗi gia đình hình thành thói quen thu gom trong chính gia đình mình những sản phẩm nhựa để đổi lấy gạo. Những việc làm này ngoài ý nghĩa tiết kiệm còn có tính giáo dục cao trong nhân dân. Rác là do dân thải ra trong quá trình sinh hoạt vì vậy nếu  chương trình được tuyên truyền sâu rộng đến mỗi người dân, mỗi gia đình thì sẽ góp phần rất tích cực làm giảm luợng rác thải không bị vứt bừa bãi ở những nơi công cộng. Được biết thời gian qua ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác đã rất tích cực hỗ trợ và vận động nhân dân tự phân loại rác thải nhằm giúp các công ty môi trường thuân tiện trong việc phân loại rác. Tuy nhiên do chương trình không mang lại lợi ích trực tiếp cho các hộ dân nên chương trình này đã không đạt hiệu quả như mong muốn.

Trên thế giới, Philippines thời gian gần đây cũng thực hiện chương trình đổi rác thải nhựa lấy gạo được đông đảo người dân ủng hộ. Chương trình này ngày càng được nhân rộng mang lại lợi ích cho người dân và cho xã hội.

Chương trình đổi chai nhựa lấy gạo ở TP.HCM tuy mới chỉ bắt đầu nhưng bước đầu đã cho thấy những dấu hiệu đáng mừng. Người dân có được những địa chỉ tin cậy để có thể đổi chai và rác thải nhựa lấy gạo. Để chương trình ngày càng được lan rộng hơn, thiết nghĩ chính quyền các địa phương cần kết hợp với những chuyên gia môi trường cần có những nghiên cứu tỉ kỹ hơn để thu hút đông đảo sự tham gia của người dân. Trước mắt có thể là đổi rác thải nhựa sạch lấy gạo, sau đó có thể làm phong phú hơn các sản phẩm để người dân lựa chọn để đổi như gia vị gồm: bột nêm, nước mắm, đồ dùng gia đình và những thứ thông dụng khác. Phong trào nào cũng vậy, nó chỉ được nhân rộng và phát triển khi lợi ích của người dân được quan tâm đúng mực. Những điểm đổi sản phẩm là phải là những nơi thân thiện hòa đồng mang tính cộng đồng cao.

Để phong trào được nhân rộng trên cả nước,  Trung ương đoàn nên sớm tổ chức nghiên cứu chương trình do thành đoàn thành phố HCM đang thực hiện để nhân rộng ra trên cả nước. Thực hiện các chương trình tuyên truyền rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp cho người dân hiểu được tác hại của rác thải nhựa để cùng chung sức với chính quyền các cấp trên khắp cả nước làm sạch môi trường nơi mình sinh sống. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền trong các tổ chức đoàn, thanh thiếu niên trên mọi cấp độ nhà trường. Thường xuyên tổ chức những ngày môi trường, nhằm giúp các em nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không vứt rác bừa bãi và dám phê phán những hành động làm ô nhiễm môi trường.

Chương trình đổi chai nhựa lấy gạo do đoàn thành niên TP.HCM triển khai là một chương trình rất đáng được nhân rộng vì một Việt Nam xanh sạch đẹp, một nơi đáng sống trên thế giới.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều