Nền kinh tế Việt Nam đã trưởng thành ra sao trong 10 năm qua?
Từ 2011 – 2021, Kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong 10 năm qua. Các chỉ số GDP, vốn FDI và kim ngạch xuất nhập khẩu đã có nhiều sự thay đổi to lớn.
GDP – Tổng sản phẩm trong nước
Nhìn chung GDP trong 10 năm qua tăng dần theo thời gian. Năm 2011, tổng sản phẩm trong nước đạt 2,5 triệu tỷ đồng nhưng đến năm 2021, con số này đã tăng gấp 3 lần. Tuy có sự xuất hiện của dịch Covid-19 từ năm 2020 nhưng nhờ các chính sách phòng chống dịch tốt kinh tế Việt Nam có vẫn có dấu hiệu tăng trưởng dương. GDP năm 2021 tăng 2,58% so với năm 2020 và đạt gần 8,4 triệu tỷ đồng.
FDI – Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Năm 2012, vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam sụt giảm đáng kể nhưng giai đoạn từ 2013 – 2019 là giai đoạn phục hồi của dòng vốn FDI. Năm 2020, do tác động của Covid-19, nền kinh tế thế giới chịu nhiều thiệt hại nặng nề khiến các dòng vốn đầu tư ra nước ngoài giảm mạnh. Cụ thể, vốn FDI vào Việt Nam năm 2020 giảm 6,7% so với năm 2019. Tuy diễn biến tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra khá phức tạp vào năm 2021, tín hiệu đầu tư nước ngoài Việt Nam lại khả quan hơn do các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ. Năm 2021, vốn FDI vượt mốc 31 tỷ USD.
Trong đó, ngành xây dựng là ngành có nhiều vốn FDI đầu tư vào nhất, chiếm gần 60%. Theo đối tác đầu tư, 3 nước đối tác đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam trong giai đoạn này là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam
Có thể thấy trong giai đoạn 10 năm kể từ 2011, tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng dần qua các năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 gấp 3 lần so với 10 năm trước, đạt 668,54 tỷ USD. Con số này cũng tăng 22,6% so với năm 2020. Nhờ con số này mà Việt Nam cũng lọt vào danh sách 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Từ 2012 đến nay, cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục thặng dư, với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước.
Về xuất khẩu, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 336,31 tỷ USD, tăng rất nhiều lần so với con số 96,91 tỷ USD năm 2011. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là nhóm mặt hàng liên quan tới linh kiện điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử và chủ yếu xuất sang Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Về nhập khẩu, năm 2021, kim ngạch đạt hơn 300 tỷ USD, gấp 3,1 lần năm 2011. Năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD như máy tính, các sản phẩm linh kiện điện tử, vải các loại, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép các loại…
Như vậy, từ 2011 – 2021, tình hình phát triển kinh tế Việt Nam nhìn chung có sự biến chuyển theo chiều hướng tích cực mặc dù có sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid. Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2022 của ADB nhận định, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và tăng trường mạnh mẽ hơn trong năm 2022 do tỉ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh các hoạt động thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng.
Trâm Anh