130115
topics
528167

Nên dùng ‘hộ chiếu vaccine’ để cứu nền kinh tế?

Sơn Ca 28/06/2021 14:42

Hộ chiếu vaccine có thể là liều thuốc cứu nguy cho nền kinh tế xanh Việt Nam trong bối cảnh hàng không gần như bị đình trệ, ngành du lịch trong nước đang phải “ngủ đông” để tránh ‘cơn sóng thần’ Covid-19 lần thứ 4.

Hộ chiếu vaccine

90% doanh nghiệp du lịch dừng hoạt động

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi COVID-19. Các doanh nghiệp trong ngành đã cố gượng dậy sau năm 2020, kỳ vọng vào dịp Tết 2021 thì dịch bệnh lại bùng phát. Lượng khách đặt tour dịp Tết 2021 giảm mạnh, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch gặp khó khăn về tài chính, không có doanh thu, kiệt quệ.

Cầu Vàng Đà Nẵng

Có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc. Đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương. Các doanh nghiệp này đang cố gắng kích cầu nội địa để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt.

Bên cạnh khó khăn dịch bệnh, VITA cho rằng quy định doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải ký quỹ 500 triệu, giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bị áp giá điện dịch vụ đang khiến doanh nghiệp trong ngành khó khăn hơn.

Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, dịch COVID-19 đã khiến ngành dệt may Việt Nam lần đầu tiên tăng trưởng âm 10,5% trong 25 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 chỉ đạt 35 tỉ USD, giảm 4 tỉ USD so với năm 2019.

Đại dịch COVID-19 bùng phát lại đang tác động tiêu cực đến ngành dệt may, thời gian tới ngành dệt may còn khó khăn hơn, doanh nghiệp không còn những đơn hàng cũ, nguồn tiền dự phòng giảm dần. Dự báo nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thì tới quý 2 năm 2022, tiêu cực hơn đến quý 4 năm 2023, ngành dệt may mới phục hồi về ngưỡng năm 2019.

Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản

Vietnam Airlines đang cực kỳ khó khăn. (Ảnh: VNA)

Những thông tin này được Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra trong dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021.

Dự thảo vừa được Bộ Kế hoạch và đầu tư gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi báo cáo Thủ tướng cho thấy 8 ngành nghề kinh doanh: du lịch, nhà hàng, khách sạn; dệt may; bán lẻ; cơ khí, chế tạo, ôtô; nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; vận tải, logistics; hàng không; công nghệ thông tin, viễn thông đang đối mặt với vô vàn khó khăn.

Với ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5-65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.

Đợt dịch COVID-19 lần 3 bùng phát dịp tết năm 2021 khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch COVID-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.

Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến lỗ quý 1 năm 2021 khoảng 4.800 tỉ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỉ đồng.

Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỉ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không.

Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về giải pháp đưa nền kinh tế trở lại

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel ngậm ngùi: “Chứng kiến cảnh các sân vận động của châu Âu phủ kín khán giả cổ vũ các trận đấu Euro mà phát thèm. Mỹ và các nước châu Âu năm ngoái và đầu năm nay bị “bão” Covid-19 vùi dập, thì giờ đã dần mở cửa trở lại nhờ triển khai nhanh chương trình tiêm phòng vắc-xin nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, du lịch Việt Nam cứ liên tục đóng rồi mở, sống rồi chết cùng dịch bệnh”.

Theo ông Đạt, Việt Nam đã và đang chống dịch rất tốt. Tuy nhiên, chỉ có vắc-xin và miễn dịch cộng đồng mới giúp ngành kinh tế xanh trở lại “trạng thái bình thường cũ”, chứ không phải chỉ là “trạng thái bình thường mới” đầy bấp bênh. Chính vì vậy, việc Chính phủ và cả xã hội đang chạy đua để có nguồn vắc-xin và phổ cập vắc-xin toàn dân là vô cùng cấp thiết.

“Vấn đề ‘hộ chiếu vắc-xin’ đã được một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… tiến hành thử nghiệm. Nhưng do đây là vấn đề mới ở cả trong nước và quốc tế, còn gây nhiều băn khoăn và tranh cãi, nên các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước cho thử nghiệm ‘hộ chiếu vắc-xin’ trước tiên trong nội địa, cho du lịch nội địa”, ông Đạt đề xuất.

Còn theo Cục Trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, để mở lại các đường bay quốc tế Cục kiến nghị cơ chế áp dụng “hộ chiếu vaccine” với khách nhập cảnh.

Hiện Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai “hộ chiếu vaccine” tại Việt Nam cũng như đòi hỏi cần có những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh Việt Nam.

Theo người đứng đầu Cục Hàng không, khái niệm “hộ chiếu vaccine” có thể được hiểu là ghi chép về dữ liệu sức khỏe cá nhân, bao gồm tài liệu, giấy tờ chứng minh đã tiêm vaccine hay đã có chứng nhận xét nghiệm âm tính, được xác thực trên nền tảng số.

Việc tiêm vaccine có thể phòng chống dịch Covid-19 về lâu dài tuy nhiên để có thể khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế thường lệ một cách nhanh chóng, cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc đã có xét nghiệm âm tính.

“Sử dụng “hộ chiếu vaccine”, kết hợp với việc hành khách có kết quả xét nghiệm PCR âm tính là giải pháp hữu hiệu để có thể khởi động lại thị trường vận tải hàng không quốc tế thường lệ”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Sơn Ca

Đọc nhiều