NATO đón ‘sinh nhật’ tuổi 70 với hàng loạt thách thức đối mặt

03/12/2019 05:58

Dù 70 năm tồn tại là cột mốc đáng để mọi liên minh quân sự vui mừng, NATO vẫn giữ một tâm thế kín tiếng trước thềm hội nghị cấp cao diễn ra tuần này ở nước Anh.

Người phát ngôn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thậm chí bác bỏ cách gọi tên cuộc họp sắp tới của liên minh quân sự này là “hội nghị thượng đỉnh”, dù có sự tham gia của lãnh đạo các quốc gia và chính phủ thành viên. NATO nhấn mạnh cuộc họp có cấp độ thấp hơn và sẽ không đưa ra tuyên bố chung cùng kế hoạch tương lai khi kết thúc.

Những nhân vật ủng hộ NATO xem đây là liên minh quân sự thành công nhất lịch sử. Tuy nhiên, sự kín đáo của cuộc họp “không phải thượng đỉnh” làm dấy lên nhiều lo âu về những thách thức mà liên minh đang đối mặt tại cột mốc 70 năm tồn tại.

NATO don 'sinh nhat' tuoi 70 voi hang loat thach thuc doi mat hinh anh 1 NATO_2.jpg
NATO sau 70 năm tồn tại đang đứng trước ngã rẽ quan trọng với hàng loạt thách thức từ bên ngoài lẫn nội bộ liên minh. Ảnh: Getty.

Mở rộng nhưng suy yếu

Liên minh quân sự được Mỹ và các đồng minh châu Âu thành lập vào năm 1949 với mục tiêu phòng thủ tập thể, đối phó thách thức an ninh từ Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. Khối an ninh Warsaw rồi Liên Xô đã tan rã mà NATO không cần bắn một viên đạn nào.

Cuộc chiến đầu tiên của NATO lại nằm ở vùng Balkan, diễn ra trong thập niên 1990. Liên minh quân sự bước vào con đường mới, hoạt động “viễn chinh” bên ngoài những tiền tuyến của tổ chức này mà điển hình là chiến trường Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố. NATO đồng thời mở rộng thành viên. Quy mô đã tăng gần gấp đôi với 29 nước. Bắc Macedonia sắp trở thành cái tên mới nhất trong tổ chức.

Giờ đây, vai trò liên minh ngoại giao đối với NATO cũng đậm nét không kém liên minh quân sự. Tổ chức này đóng vai trò then chốt trong ổn định các nền dân chủ non trẻ tại châu Âu, từ biển Baltic đến vùng Balkan. Sự ủng hộ từ NATO giúp những quốc gia mới thành lập tăng thêm tự tin và được kéo vào một mạng lưới an ninh đáng gờm.

Nội bộ NATO đánh giá việc mở rộng thành viên là hướng đi đúng đắn. Tổng thư ký Jens Stoltenberg mô tả chiến lược này là “thành công lịch sử”, giúp lan tỏa nền dân chủ và thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đánh giá chiến lược này không giúp NATO trở nên hùng mạnh hơn.

Trái lại, liên minh dù còn nhiều tiềm lực lại đang chìm trong rắc rối, theo nhận định của nhà phân tích quốc phòng người Anh Michael Clarke.

“NATO rõ ràng là liên minh quân sự hùng mạnh nhất mà thế giới từng chứng kiến. Nhưng hiện nay, với gần 30 thành viên, sức mạnh của nó lại chưa bằng một nửa so với thời điểm số thành viên chưa tăng gấp đôi”, ông đánh giá.

Chiến tranh lạnh mới

Quá trình mở rộng của NATO về phía đông kéo theo những quan ngại an ninh mới. Ranh giới của liên minh quân sự chỉ cách Moscow khoảng 1.600 km. Nhiều nước từng thuộc Liên Xô như nhóm quốc gia vùng Baltic (Estonia, Lithuania và Latvia), cùng những cựu thành viên khối Warsaw giờ đang nằm trong quỹ đạo của NATO.

Điều này khiến điện Kremlin và Tổng thống Vladimir Putin không mấy hài lòng. Nước Nga đáp lại sức ép từ phương Tây bằng mọi cách, từ tăng cường kho vũ khí hạt nhân đến tái lập sức ảnh hưởng hải ngoại, điển hình là can thiệp vào chiến trường Syria và chống lưng cho Tổng thống Bashar al-Assad.

NATO don 'sinh nhat' tuoi 70 voi hang loat thach thuc doi mat hinh anh 2 NATO_1.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo sức ép với NATO, khiến nhiều đồng minh hoài nghi về cam kết của Mỹ với an ninh châu Âu. Ảnh: Reuters.

Tại châu Âu, Moscow bị cáo buộc đứng sau nhiều cuộc tấn công mạng, các chiến dịch thông tin tác động bầu cử. Nga cũng rơi vào khủng hoảng ngoại giao với phương Tây liên quan đến những vụ ám sát chính trị. Sau vụ cựu điệp viên Nga năm 2018 bị tấn công bằng chất độc thần kinh ở Salisbury, miền Nam nước Anh, các nước NATO trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao và tùy viên quân sự Nga với cáo buộc hoạt động tình báo.

Động thái khiến nhiều người lo ngại một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và phương Tây đã bắt đầu. Nhưng cuộc đối đầu lần này không giống tình hình bên bờ vực chiến tranh như những thập niên 1950-1960. Uy lực và sức ảnh hưởng của Nga không thể sánh bằng Liên Xô trong quá khứ.

Cuộc đối đầu lần này diễn ra trong bóng tối, nằm sâu dưới ngưỡng của nguy cơ chiến tranh. Giới phân tích gọi đó là “vùng xám”, khi những hành động xâm phạm chủ quyền như tấn công mạnh và tin tặc quá khó để quy kết trách nhiệm.

“Phương Tây gặp khó khăn trong tìm kiếm đồng thuận chính trị. Chúng ta đã khiến mọi việc trở nên quá dễ dàng cho ông Putin”, Clarke nhận định.

“Nước Nga sẽ là nỗi phiền toái đối với NATO trong 10-20 năm nữa. Tuy nhiên, họ khó trở thành thách thức chiến lược quan trọng, trừ khi nào chúng ta tự để mặc cho điều đó diễn ra”, Michael Clarke nhận định Moscow đang lợi dụng những điểm yếu nội tại của phương Tây để thúc đẩy các mục tiêu.

“Nếu thế giới phương Tây và những nền dân chủ phương Tây không đủ gắn kết để đối phó mối đe dọa này, và hiện nay thì rõ ràng họ không có được điều đó, nước Nga rồi sẽ đóng vai trò lớn đối với an ninh châu Âu trong tương lai”, ông cảnh báo.

NATO trước ngã rẽCuộc họp cấp cao tuần này của NATO tại Anh đặt mục tiêu thắt chặt đoàn kết và vạch ra đường hướng sắp tới. Tuy nhiên, những ngày trước hội nghị lại bộc lộ nhiều vấn đề của liên minh ẩn sau vẻ ngoài hào nhoáng.

NATO đã tuyên bố dự báo chi tiêu mới, cho thấy các đồng minh châu Âu sẽ tăng ngân sách quốc phòng. Họ cũng thống nhất một cách tính mới để san sẻ chi phía ngân sách trung ương cho những nước thành viên, bao gồm cơ quan đầu não ở Brussels và những chương trình hoạt động chung. Giới chuyên gia đánh giá những bước đi nhằm ngăn một cơn thịnh nộ khác từ Tổng thống Mỹ Donald Trump trút lên  đồng minh của mình tại châu Âu.

Những tranh cãi về chia sẻ gánh nặng kinh phí khiến NATO đau đầu suốt nhiều năm qua, chứ không đợi đến nhiệm kỳ của ông Trump mới bất ngờ nổi sóng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ chọn cách tiếp cận quyết liệt hơn, hăm dọa chính đồng minh của mình. Ông dường như không chấp nhận cách nghĩ một NATO tồn tại vững mạnh cũng quan trọng với các lợi ích của Washington chứ không riêng châu Âu.

Trước sức ép của Tổng thống Trump, không ít đồng minh đã cam kết chi ít nhất 2% GDP quốc gia cho quốc phòng. Dù vậy, vẫn còn nhiều thành viên NATO cách cột mốc đó rất xa.

NATO don 'sinh nhat' tuoi 70 voi hang loat thach thuc doi mat hinh anh 3 NATO_3.jpg
Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng căng thẳng chỉ vài ngày trước tuần lễ hội nghị cấp cao. Ảnh: Reuters.

NATO còn đối diện hàng loạt vấn đề khác bên cạnh bài toán chia sẻ chi phí hoạt động. Bức xúc dân cao khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa qua mô tả liên minh quân sự về mặt chiến lược “đã chết não”. Không hối tiếc về bình luận gây tranh cãi, nhà lãnh đạo Pháp tuần qua tiếp tục kêu gọi đồng minh đừng nói mãi về tiền mà dành nhiều thời gian hơn để giải quyết những thách thức chiến lược.

Trong khi đó, các diễn biến tại khu vực đông bắc Syria đang khiến nội bộ NATO chia rẽ. Chỉ vài ngày trước tuần lễ hội nghị cấp cao, bất đồng bùng phát giữa chính quyền Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Macron vừa chỉ trích Mỹ đột ngột rút quân và ngưng hỗ trợ người Kurd, lại vừa lên án Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria. Cả hai quyết định chiến lược đều không thông qua tham vấn cùng đồng minh NATO. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan không hài lòng khi Pháp quá thân thiện với người Kurd. Ông muốn toàn thể liên minh ủng hộ lập trường của mình trong vấn đề Syria.

Mâu thuẫn trên thấy một thách thức khác mang tính nền tảng của lNATO: Thổ Nhĩ Kỳ đang dần lệch khỏi quỹ đạo của phương Tây. Những động thái táo bạo của Tổng thống Erdogan khiến nhiều đồng minh và chuyên gia hoài nghi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có nên tiếp tục ở lại liên minh quân sự hay không. Dù vậy, NATO cũng không muốn từ bỏ mối quan hệ khi Thổ Nhĩ Kỳ có kích thước lãnh thổ và vị trí địa lý mang tầm quan trọng chiến lược.

NATO đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong lịch sử tồn tại. Nhiều quyết định mà liên minh này đưa ra, bao gồm cả tiến trình mở rộng thành viên, được thúc đẩy bởi động cơ chiến lược lẫn chính trị. Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi chóng mặt kể từ thời điểm liên minh này hình thành. Cục diện giờ đây cũng rất khác thập niên 1990, sau khi NATO giành phần thắng trong Chiến tranh lạnh.

Tổng thống Macron có thể hơi quá lời khi nói liên minh “đã chết não” nhưng ông cũng có cái lý của mình. Các lãnh đạo NATO cần vạch ra chiến lược mới, tư duy về hướng đi sắp tới và lời giải cho nhiều bài toán khó: những nguy cơ an ninh từ Nga, chủ nghĩa biệt lập của Mỹ và một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Ưu tiên của NATO trong thế giới thế kỷ 21 sẽ là gì? Câu hỏi đó vẫn còn để ngỏ cho các lãnh đạo phương Tây tại hội nghị cấp cao “không phải thượng đỉnh” ở Watford tuần này.

Thanh Danh/Zing News

Tags :
Đọc nhiều