“Nâng khống”, “thổi giá”, cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu!

16/09/2020 08:08

Nhiều khi người bệnh có thể không chết vì tật bệnh mà chết vì khánh kiệt. Xin hãy vì một chút lương tâm (dù ít ỏi) để “tha” cho những bệnh nhân khốn khó đang ngày đêm vật vã chống chọi lại tật bệnh!

Nâng khống, thổi giá, cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu! - 1

Những ngày này, dư luận cả nước đang nóng lên vì vụ nâng khống thiết bị tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) chính thức bị đưa ra xét xử vì  “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, Bộ Y tế cũng vừa khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế thì lại một vụ “thổi giá khủng” mới được phát hiện tại Hà Tĩnh.

Theo thông tin từ PV Tiến Hiệp của báo Dân trí, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát giác, mở rộng điều tra vụ án nâng khống trị giá thiết bị, trốn thuế, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của Công ty CP đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh.

Nguồn tin từ cơ quan Công an cho biết, từ tháng 8/2018 đến tháng 12/2018, Công ty CP trang thiết bị y tế Hà Tĩnh (TTBYT Hà Tĩnh) đã mua 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp của Công ty cổ phần The One Việt Nam (địa chỉ trụ sở tại số 07 ngõ 120 đường Trần Cung, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) với giá 2 tỉ đồng nhưng đã được “thổi” lên mức giá khủng, là 12 tỉ đồng.

Đây có thể là vụ “thổi giá siêu cấp” bởi nếu so sánh, vụ nâng khống ở Trung tâm CDC Hà Nội, mức giá chỉ bị thổi lên khoảng 3 lần (từ 2,3 tỉ lên 7 tỉ đồng) thì tại Hà Tĩnh, mức giá bị “thổi” lên gấp đôi, tức là 6 lần (2 tỉ lên 12 tỉ đồng).

Thật ra, việc thổi giá trong việc mua trang thiết bị ở ta không lạ. Song nếu việc nâng khống ở một số lĩnh vực khác là vi phạm pháp luật thì việc nâng khống thiết bị y tế nhằm móc túi người bệnh, những số phận không may ngày đêm phải vật lộn với bệnh tật đích thực là một tội ác, cần nghiêm trị.

Rất may gần đây, như đã nói ở trên, Bộ Y tế đã chính thức khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế. Đây được coi như cuộc tấn công vào “sào huyệt tiêu cực” trong lĩnh vực này.

Song, với những vụ việc đã xảy ra, cá nhân tôi có cảm giác vẫn chưa thấy đủ sức răn đe tới tận “sào huyệt”. Dư luận vẫn đang chờ đợi hình thức xử lý đối với lãnh đạo các sở y tế địa phương này bởi dù có loại trừ sự “vô can” (mà theo dư luận, chẳng ai dám “ăn” một mình, nếu không có sự đồng thuận, chia chác của cấp “bảo kê”) thì vẫn còn đó, trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị để xảy ra sai phạm.

Đây là hình thức xử lý chính đáng, có tính răn đe từ gốc bởi nếu người đứng đầu các đơn vị đó trong sáng, nghiêm khắc và có trách nhiệm thì chắc chắn, khó có thể xảy ra tiêu cực như vậy tại đơn vị mình.

Song, cho đến nay, vẫn thấy hiếm khi qui định này được áp dụng nên tiếc thay, nhiều vụ việc tiêu cực chưa được ngăn chặn ngay từ gốc.

Và nếu như không có những biện pháp mạnh mẽ, đủ sức răn đe để việc “thổi giá”, “nâng khống” này kéo dài thì dù Bộ Y tế có công khai, sự việc cũng khó mà đạt hiệu quả như mong muốn bởi sự đời vốn nhiều “ngóc ngách” mà lũ “lươn, chạch” quá giỏi chui luồn.

Và khi đó, người bệnh có thể không chết vì tật bệnh mà chết vì khánh kiệt.

Xin hãy vì một chút lương tâm (dù ít ỏi) để “tha” cho những bệnh nhân khốn khó đang ngày đêm vật vã chống chọi lại tật bệnh!

Và hãy vì sự nghiêm minh, cần xử lý cả người đứng đầu theo qui định của pháp luật, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám/DT

Tags :
Đọc nhiều