439
category
518553

Chuyện thường ngày của Bác ở Cốc Bó

19/05/2021 16:11

Sáng hôm sau, trời mưa lạnh, Bác dậy sớm, ra ngoài tập leo núi, đi quyền, rồi xuống suối tắm. Bác vào hang, phân công việc, tự mình chọn một góc làm việc.

Ba mươi năm sau ngày Bác từ bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Đó là chiều tà đến sớm giữa vùng núi đá âm u.

Trăng 13 tháng giêng đã ló ra đầu núi.

Bác về đến cột mốc biên giới số 108, thuộc địa phận Cao Bằng. Đi trước Bác là anh Lê Quảng Ba. Đi sau Bác là anh Phùng Chí Kiên. Anh Vũ Anh đã ra tận nơi đón Bác.

“Dường như Bác tự kiềm chế nhiều – anh Vũ Anh kể lại – để giữ vẻ bề ngoài bình tĩnh. Gặp gì Bác cũng nhìn một cách say sưa”. Đây, nương ngô mới nảy mầm. Đây, ruộng lúa gặt trong năm, đang đốt rạ. Hoa booc phón trắng, trông như những chùm ớt chỉ thiên, tỏa hương.

Tối sẩm thì đến hang Cốc Bó, phải đi ngược suối lên gần tận đầu nguồn, băng qua bờ bên kia, rồi leo lên núi đá, mới có lối trèo lên hang. Đường mòn hẹp, nhiều gai góc, dây leo chằng chịt, những bụi lau già trổ cờ trắng bạc che lấp lối đi. Đến nơi, ngồi xuống nghỉ mới thấy hành lý của Bác chẳng có gì. Chỉ độc có chiếc vali con, dài không quá ba gang, trong đựng tài liệu và chiếc máy chữ Baby, từ Hà Nội gửi ra cho Bác ngày Bác còn ở Côn Minh.

Bac Ho o Pac Bo anh 1
Tác phẩm “Ngọn lửa Pác Bó” của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam.

Dưới chân núi là làng Pác Bó nằm chơ vơ giữa toàn núi đá và núi đất. Trước kia, thường đêm đến, bố mẹ phải bồng con vào ngủ hang, tránh thổ phỉ đến cướp và Tây đồn đi tuần. Từ năm 1937, có các anh Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Quốc Vân về gây cơ sở đợt đầu. Qua chích máu ăn thề, biết đích xác là người mình thật, phong trào lan dần.

Làng tổ chức Hội tương tế, đoàn kết tốt, hàng tháng dù đi đâu cũng đúng hẹn về sinh hoạt Hội. Từ giữa năm 1940, không hiểu sao, những người cán bộ tốt ấy đi đâu hết cả, không ai biết.

Ông già họ Dương, người Nùng Giang, nhớ rõ tối ấy, còn hai đêm nữa đến Tết Nguyên Tiêu. Nhà họ Dương đang ngồi quây quần chung quanh bếp lửa nhà sàn. Ngoài kia, đêm biên giới, đầy bí mật. Gió thổi mạnh. Có tiếng súng nổ từ đồn Tây ở Sóc Giang vọng lại. Chợt có tiếng ai xéo lá xột xoạt quanh nhà, tiếng lạch xạch lên thang:

– Đại Lâm đâu rồi? Ra đón khách nhớ – người lạ lên tiếng.

Đại Lâm bật dậy. Hai bóng đàn ông hiện ra trước ánh đèn dầu. Thì ra là hai anh Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm. Cả nhà mừng rỡ. Rượu thịt dọn ra. Hàn huyên một lúc lâu, Lê Quảng Ba gọi Đại Lâm ra góc nhà nói nhỏ:

– Đại Lâm này, mượn đâu giúp mình mấy bộ quần áo, một tấm chiếu, dăm cái bát, đôi đũa và xoong chảo để mang lên hang.

Vì không phải là chủ gia đình, Đại Lâm đành phải thưa thật với bố. Ông cụ gạt đi:

– Không thể thế được. Tết nhất sao lại lên hang mà ở. Trời lạnh buốt xương, ngủ hang đá, chịu sao nổi.

Hai đồng chí cứ khăng khăng xin phép cụ trở về hang. Cụ già họ Dương dịu giọng gặng hỏi:

– Hay là các đồng chí có điều gì không bằng lòng dân bản thì cứ bảo tôi.

Anh Lê Quảng Ba đành phải nói thật với cụ là có đồng chí lạ cùng về, phải giữ bí mật, xuống bản chưa tiện.

Cụ Dương lấy các thứ cho mượn, nhưng cứ lẩm bẩm mãi suốt tối đó: “Rét mướt thế này mà lên ở hang cho khổ. Rõ là: Hảo nhân đa hữu nạn”.

Đó là đêm đầu tiên Bác Hồ ngủ hang. Sáng hôm sau, trời mưa lạnh, gà rừng chưa dậy, Bác đã dậy, ra ngoài tập leo núi, đi quyền, rồi xuống suối tắm. Rồi Bác vào hang, họp anh em lại, phân công việc, tự mình chọn một góc hang, mang tài liệu và máy chữ ra làm việc.

Anh Vũ Anh kể lại: “Ngày đầu tiên về nước, Bác đã bắt tay ngay vào công việc một cách bình thường. Chúng tôi tưởng chừng như Bác đã ở hang này từ lâu lắm rồi”.

Bữa đó, bố con nhà Đại Lâm đi cuốc nương trồng ngô xuân tận bãi nương Lũng Mín hoang vu. Chỗ đó, núi đá um tùm, rừng nghiến lớn chưa có vết rìu khai phá.

Một cụ già hiền từ đi tới:

– Năm mới, chúc cụ khỏe. Chúc các cháu năm mới thêm một tuổi tốt đẹp.

Bố con Đại Lâm trông thấy ông cụ lần đầu mà như thân tự bao giờ. Hai cụ già làm quen với nhau, câu chuyện lúc đầu chuệch choạc, vì người nói tiếng Nùng Giang, người nói tiếng Kinh, chưa thạo tiếng của nhau. Sau cùng, dùng tiếng Quảng Đông, nói chuyện lưu loát, thỉnh thoảng lại bút đàm chữ Hán, lấy que vẽ chữ dưới đất. Câu chuyện ngày càng đậm đà, thân thiết, người bạn già mới xưng tên là Thu Sơn – Già Thu.

Hôm sau đi nương, cụ Dương bảo con dâu cả lấy tay nải xếp đầy rượu thịt, bánh chưng, chè lam. Người con dâu hiểu ý, xin với bố chồng được lên hang xem mặt ông cụ. Đến Lũng Mín, cụ bảo Đại Lâm và con dâu cả mang tay nải quà Tết lên hang Cốc Bó. Thấp thoáng từ xa, sau mấy cây gai mọc trong kẽ đá, thấy nhiều người đang ngồi làm việc với hai ông cụ râu đen (Bác và đồng chí Cáp).

Ông cụ nhiều tuổi hơn, hôm qua đã gặp, dáng bộ nhanh nhẹn, mặc bộ quần áo chàm tay rộng, bước ra tươi cười chào hỏi. Người con dâu cả đặt nải quà xuống trước mặt Già Thu, rồi ngẩng đầu chào, xin phép xuống làm nương.

Cụ Dương và Đại Lâm ở lại được mời ăn trưa với các đồng chí, ngoài thức ăn nhà biếu, còn có canh cải và thịt xào mặn với mắm. Bữa rượu xuân, mấy lần cụ Dương năn nỉ:

– Mời cụ và các đồng chí xuống bản ăn Tết cho vui. Lạ thì lạ, cứ xuống, đã có dân bản lo gì.

Già Thu đỡ lời:

– Vẫn muốn thế nhưng chưa xuống được đâu, cụ ạ. Tai mắt đế quốc còn nhiều. Cách mạng bí mật là để giữ cho dân bản nữa.

Rồi Già Thu lái câu chuyện sang một hướng khác:

– Tôi già vẫn đi làm cách mạng. Cụ cao tuổi nhưng vẫn đi làm cách mạng được đấy.

Cụ Dương giãy nảy:

– Làm cách mạng như cụ thì tôi không làm được đâu.

– Cách mạng nhiều việc lắm cụ ạ. Tùy tài, tùy sức, ai làm được việc gì thì làm việc đó. Các cụ giữ bí mật cho cách mạng, giúp đỡ bảo vệ cán bộ qua lại ở bản mình, trông nom việc gia đình để cho con cháu rảnh rang, yên tâm đi hoạt động cách mạng, ủng hộ cách mạng. Mà những công việc này cụ đang làm cả đấy.

Cụ Dương nghe sướng quá, gật gù:

– À tưởng thế nào chứ làm cách mạng như thế thì tôi làm được.

Lúc đó, trên hang đang mở lớp huấn luyện cán bộ quân chính đầu tiên – có anh Đàm Quang Trung tham dự – nhằm bồi dưỡng trình độ lãnh đạo và chỉ huy cao dần lên cho các đồng chí cốt cán trong vùng, làm khung cán bộ của phong trào du kích sau này. Nhân học về vấn đề căn cứ địa, có học viên hỏi:

– Thưa lão đồng chí, ở miền núi lấy núi rừng làm căn cứ địa. Thế còn ở đồng bằng không có địa hình hiểm trở thì sao ạ?

Già Thu cười và bảo:

– Có núi thì dựa vào núi. Có sông thì dựa vào sông. Không có núi, có sông thì lấy người làm sông núi.

Già Thu lại nhắc đến bốn chữ Hán: “Nhân sơn, nhân hải”. Và giảng thêm ở đâu có người là ở chỗ đó có núi rừng, biển cả. Ta phải tổ chức động viên sức mạnh của nhân dân thành rừng, thành biển mà dựa vào.

Biết Bác phải sống trên hang, các gia đình cơ sở trong làng Pác Bó càng thương Bác nhiều, trong lòng áy náy không yên. Một hôm, các cụ già – trong số đó có cụ Dương và bố vợ anh Lê Quảng Ba – rủ nhau mang rượu và đồ nhắm lên mời Bác. Rồi mượn chén vui, đề đạt nguyện vọng của dân bản, mời Bác xuống làng ở, khi nào chúng nó lùng sục, hãy lánh vào rừng.

Bác từ tạ và nói: “Bây giờ phong trào cách mạng đã phát triển tốt, đồng bào ai cũng thương yêu cán bộ, sẵn sàng giúp đỡ và bảo vệ cán bộ. Thương yêu nhau, giúp đỡ nhau làm cách mạng như thế là tốt, không cứ phải ở với nhau. Vả lại, mỗi người một việc: Nhân dân làm ruộng, chúng tôi làm công việc khác, e xuống bản không tiện. Hơn nữa, ở thế này, giữ được bí mật hơn”.

Từ bữa rượu ấy, Già Thu vận động các cụ thành lập Tổ Phụ lão cứu quốc. Tổ phụ lão chẳng mấy chốc phát triển nhanh ra cả các vùng lân cận.

Thép Mới / NXB Chính trị quốc gia Sự thật

Đọc nhiều