Nạn “đinh tặc” vẫn hoành hành, lẽ nào chịu bó tay?
Gần Tết, đọc báo và mạng xã hội lại gặp nỗi bức xúc vì nạn rải đinh lại tái diễn.
Gọi tái diễn là không chính xác, vì tệ nạn này vẫn lai rai và chưa bao giờ chấm dứt hẳn. Tệ nạn rộ lên, báo chí phản ánh, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, họ tạm lui rồi lại tiếp tục việc kiếm sống bất nhân.
Những người hào nghĩa ra tay nghĩa hiệp, chế “máy” thu gom đinh nhưng chẳng ăn thua vì không thể ngày mấy lần dọn dẹp đinh hàng mấy cây số. Người đi xe gắn máy ngang qua những tuyến đường “đinh tặc” lộng hành gọi đó là những đoạn đường kinh hoàng.
Tai nạn và thần chết luôn rình rập và không chừa một ai. Giảm tốc độ tối đa, vừa chạy vừa căng mắt vẫn dính chấu. Ai từng gặp nạn (thậm chí bị nhiều lần liên tiếp) nhiều ngày sau vẫn ám ảnh cảm giác xe lảo đảo vì xì hơi, dắt bộ và bị “chặt chém” khi buộc phải thay vỏ ruột xe.
Nhẹ thì thay ruột, có khi cả vỏ với giá “cắt cổ”. Nặng thì ngã té, đụng xe khác hoặc xe khác đụng mình. Đã có những trường hợp thương vong. Người đi đường và người dân đều quá bức xúc vì tệ nạn cứ ngang nhiên tồn tại bao năm nay, thách thức dư luận và cơ quan chức năng. Chuyện này nào phải là chuyện nhỏ, “làm liều vì miếng cơm manh áo” như cách nói du di lâu nay!
“Đinh tặc” gây tâm lý bất an và mất niềm tin vào quản lý bên cạnh những mất mát về tiền bạc, thời gian, sức khỏe. Chúng ta đã du di hay chưa làm triệt để? Nạn rải đinh gây hậu quả nhãn tiền nhưng rất ít người bị phạt. Mức phạt lại nhẹ hều, không đủ sức răn đe.
Luật đâu có thiếu! Theo điểm a, khoản 10, điều 11 nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định rõ: Người ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông có thể bị phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng.
Nếu gây tổn hại cho sức khỏe hoặc tính mạng của người khác thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 261 Bộ luật hình sự hiện hành về tội cản trở giao thông đường bộ. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm.
Giải quyết dứt điểm nạn rải đinh có khó không? Trách nhiệm trước hết thuộc về công an khu vực, trưởng công an, chủ tịch và bí thư phường, xã. Không thể có chuyện người ở nơi khác dễ dàng đến rải đinh và mở tiệm sửa xe đón lõng nạn nhân để chặt chém.
Những người chạy xe ôm, bán hàng rong tại khu vực có đinh họ có biết ai là “tặc” không? Mỗi người góp thêm tai mắt và tiếng nói để cùng xử lý “đinh tặc”. Có thể gắn camera hoặc nhờ tai mắt người dân hỗ trợ. Phạt kịch khung, không đủ tiền thì phát mãi tài sản, trích tiền phạt để thưởng xứng đáng và đảm bảo an toàn cho người phát hiện.
Làm được vậy thì “tặc” gì cũng hết đất sống, chứ không riêng gì đinh. Vấn đề là có quyết làm tới cùng hay không?
Nguyễn Văn Mỹ