Nam tiếp viên làm lây lan COVID-19 lãnh 2 năm tù treo
Sáng 30-3, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tấn Hậu (tiếp viên Vietnam Airlines) về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác theo Bộ luật hình sự.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Minh Châu. Đại diện Viện KSND TP.HCM là ông Đào Công Lữ.
Phiên tòa được thắt chặt an ninh. Người tham dự phiên tòa được kiểm tra an ninh và bắt buộc đeo khẩu trang.
Bị cáo Dương Tấn Hậu (29 tuổi) được tại ngoại và có 3 luật sư bào chữa. Trong phần thủ tục, luật sư đề nghị triệu tập 10 người là đại diện UBND phường 2, quận Tân Bình, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 trung ương, Ban quản lý khu cách ly Vietnam Airlines…
Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết đã triệu tập hợp lệ, tuy nhiên những người này vẫn vắng mặt tại phiên tòa. HĐXX cho rằng những người này đã có lời khai trong hồ sơ vụ án nên sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xét xử.
“Khu cách ly không cấp đủ nước nên phải đi lấy”
Bị cáo Dương Tấn Hậu bị VKSND TP.HCM truy tố theo điểm C, Khoản 1, Điều 240 BLHS 2015. Theo đó, sau khi phục vụ trên chuyến bay từ Nhật Bản về nước, ông Hậu được đưa đi cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của Vietnam Airlines khu vực phía Nam.
Tại đây ông Hậu đã tiếp xúc với Nguyễn Tăng Hậu và Nguyễn Tuyết Nhi (sau này được xác định nhiễm virus corona). Khi Dương Tấn Hậu được chuyển về tiếp tục cách ly tại nơi lưu trú ở số 50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, Hậu đã nhiều lần tiếp xúc với Sang và rời khỏi nơi cư trú đi ăn, uống, học tập tại nhiều nơi ở TP.HCM.
Sau đó, ông Sang về nhà tại quận 6, nhiều lần tiếp xúc với cháu H. (2 tuổi) và đi dạy ngoại ngữ tại Trung tâm Anh ngữ Key English (quận 10) tiếp xúc với học viên Nguyễn Thị T., khiến cho 2 người này nhiễm COVID-19.
Khi được chủ tọa hỏi cáo trạng truy tố có đúng không, bị cáo Dương Tấn Hậu trả lời “bị cáo bị tội hình sự thì hơi nặng vì có nhiều nguyên nhân”.
Theo ông Hậu, ngày 14-11-2020, Hậu làm việc trên chuyến bay từ Nhật Bản về, sau đó thực hiện cách ly theo quy định tại khu cách ly của Vietnam Airlines. Hậu khai khi cách ly, ông ít khi gặp gỡ, giao lưu giữa các phòng ở khu cách ly. Trong đợt cách ly vừa qua, ông chỉ gặp Nguyễn Tăng Hậu và Nguyễn Tuyết Nhi 1 lần ở sảnh chung. Lúc này, ông bị đau dạ dày có biểu hiện đau bụng nên Tuyết Nhi và Tăng Hậu đưa bị cáo về phòng, cả 3 vẫn giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và khử khuẩn. Hậu cho rằng mình đã cố gắng thực hiện cách ly.
Về việc lây COVID-19 cho Liễu Minh Sang, Hậu khai khi rời khỏi khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines, Hậu đã thông báo cho Sang. Sang là bạn cùng phòng của Hậu. Hậu cho biết mối quan hệ giữa mình và Sang là bạn bè, cùng đăng ký tạm trú và chia sẻ tiền phòng.
Khi đó Hậu được cho về tự cách ly tại địa phương, không có biểu hiện bệnh nên gọi Sang đến phòng lấy đồ. Hậu cho rằng mình không mời Sang đi cà phê, ăn uống. Hậu cũng than phiền về việc tự cách ly gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, khi cách ly tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines thì được cung cấp đủ thức ăn nhưng nước uống thì thiếu, theo lời khai của Hậu thì mỗi ngày được cung cấp khoảng 1 lít nước, nên hầu hết các tiếp viên đều phải đến khu sinh hoạt chung để lấy nước và tình trạng khu vực này lúc nào cũng đông. Còn khi cách ly tại nhà thì gặp khó khăn như ăn uống. “Không có ai cung cấp thức ăn, bị cáo cũng không biết có được đặt thức ăn công nghệ không?” – ông Hậu khai.
Khi Hậu cách ly tại nhà thì Sang và mẹ bị cáo đến cung cấp thức ăn.
Chủ tọa nhấn mạnh “nhưng bị cáo phải thông báo cho Sang biết mình đang cách ly. HĐXX chia sẻ với bị cáo về tâm lý bứt rứt khi cách ly. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mình xâm phạm đến lợi ích cộng đồng. Nếu bị cáo không nể nang thì đâu đến nỗi”.
“Hành vi của mình không đáng bị xử lý hình sự”
Nhận thức về hành vi của mình, ông Hậu cho rằng “Bị cáo đã sai nhưng hành vi của mình không đáng để bị xử lý hình sự vì nó liên quan đến rất nhiều bên như sự chủ quan của ban quản lý cách ly, của cộng đồng nên mới dẫn đến sự chủ quan của bị cáo”.
Tại tòa, Liễu Minh Sang cũng cho rằng Hậu có chủ quan, nhưng sự chủ quan đó bắt nguồn từ nhiều bên.
“Nói tôi không thực hiện đúng quy định nhưng tôi cũng không biết đó là quy định gì. Tôi không phải là người đọc tin tức mỗi ngày, tôi chỉ làm công việc của mình” – ông Sang nói.
Về việc đã ký vào cam kết thực hiện cách ly tại nơi cư trú, Hậu cho rằng mình có ký vào danh sách nhưng không biết đó có phải là cam kết cách ly hay không, bị cáo không biết nội dung trong đó là gì. Thậm chí, có lần bạn cùng phòng của bị cáo còn ký giùm.
Bị cáo Hậu cho rằng “đã quá tự tin vào 2 lần âm tính của mình và do không có biểu hiện gì. Phường xã cũng không quan tâm, cảnh báo gì nên bị cáo nghĩ mình đã an toàn rồi” – Hậu nói.
Khi luận tội đối với Hậu, VKSND TP.HCM đã đề nghị HĐXX phạt Hậu từ 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm, phạt bổ sung 50 triệu đồng.
Sau khi nghị án, HĐXX xét thấy bị cáo Hậu có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm. Ngoài ra, do bị cáo là lao động chính trong gia đình nên tòa không áp dụng hình phạt tiền.
TUYẾT MAI