Nam sinh chạy Grab bị sát hại ở Hà Nội: Nhiều xe ôm công nghệ sợ hãi, tính chuyện bỏ nghề
Thông tin nam sinh chạy Grab bị sát hại ở Hà Nội làm rúng động giới xe ôm công nghệ tại Việt Nam.
Tối qua, 2 nghi phạm sát hại nam sinh Nguyễn Cao S. (SN 2001, trú tại Thanh Hoá) chạy xe ôm Grab đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, cái chết thương tâm của S. làm hàng vạn “tài xế công nghệ” hoang mang, đặc biệt là những người mới vào nghề, hoặc coi chạy Grab là công việc kiếm thêm qua ngày.
“Nhiều tài xế bị cướp, giết quá. Những tên đó ra tay quá dã man, cướp tài sản bằng được. Nếu tài xế chống cự, giành lại tài sản, chúng sẵn sàng gây án mạng. Tôi sẽ không chạy xe vào buổi tối nữa và vài tháng nữa sẽ nghỉ”, một tài xế Grab Bike tên Minh ở TP.HCM hoang mang khi được hỏi về dự tính tương lai.
Chung quan điểm, Lê Văn Anh, sinh viên năm thứ hai, quê Bình Thuận, chạy Grab được 5 tháng nay, cũng khẳng định sẽ dừng nhận những cuốc xe ban đêm dù đó là khoảng thời gian giúp cậu kiếm được khá nhiều tiền để trang trải học phí, giúp đỡ gia đình.
“Khi biết tin có bạn sinh viên chạy Grab ngoài Hà Nội bị sát hại, em quyết định sẽ không chạy xe vào buổi tối nữa mà cố gắng tranh thủ chạy buổi trưa hoặc chiều, sau đó sẽ kiếm một nghề khác làm thêm. Chạy xe ôm buổi tối khuya rất nguy hiểm. Em từng gặp khách là người nghiện và sợ quá không chở. Không ít lần khách không chịu nói rõ là chở đến đâu, chỉ cho em đi vào đường vắng nên em xin không chở nữa”.
Giống Văn Anh, nhiều tài xế Grab thừa nhận khoản thu nhập từ chạy xe ôm công nghệ vẫn được xem là ổn định hơn nhiều nghề khác trong xã hội, song vẫn là quá ít ỏi nếu đặt cạnh những hiểm nguy trực chờ chỉ có thể phòng chứ rất khó tránh được hoàn toàn. Rủi ro nghề nghiệp lớn là vậy, nên trong dòng tâm sự của các tài xế Grab, tâm lý “nghỉ việc”, “nghỉ tạm một thời gian” bắt đầu chiếm phần đa số.
Những người tỏ ra bình tĩnh hơn thường có nhiều năm kinh nghiệm chạy Grab hoặc chuyển từ cánh xe ôm truyền thống sang.
“Đối với những trường hợp nghi vấn, khách bắt xe khuya thì tài xế phải cảnh giác, thậm chí huỷ chuyến đi. Tôi chạy xe ôm Grab lâu rồi nên tôi biết cách xác định vị khách nào không an toàn để bảo vệ bản thân. Với những vị khách say xỉn, nghiện ngập, tôi không chở mà báo về tổng đài để huỷ chuyến. Nếu khách không chỉ rõ điểm đến, chỉ đường trong hẻm, đường vắng, tôi cũng từ chối”, tài xế Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi), người có hơn 3 năm làm xe ôm công nghệ tâm sự.
Còn ông Huỳnh Hữu Phú, 47 tuổi, người đã làm xe ôm 7 năm và trở thành đối tác của Grab 2 năm gần đây, cho rằng: “Hầu hết những tài xế chạy xe Grab bị cướp tài sản và sát hại là người thiếu kinh nghiệm, là sinh viên. Vì là sinh viên, các em chủ yếu chỉ rảnh vào buổi tối và nhiều khi bất chấp nguy hiểm để kiếm thêm thu nhập”.
Theo ông Phú, những tên có hành vi cướp giật thường là khách bắt xe không qua ứng dụng, hoặc bắt xe vào buổi tối mà không chỉ rõ điểm đến. Vì thế, để được an toàn, các tài xế chỉ nên chở khách đặt qua ứng dụng, và từ chối chở những khách không có điểm đến rõ ràng, hay có dấu hiệu đáng ngờ.
“Công ty Grab cũng nên có biện pháp để bảo vệ tài xế hiệu quả hơn” – ông Phú nói.
Theo khai nhận ban đầu của 2 nghi phạm, khoảng 21h ngày 26/9, Giáp cùng Trường đến khu vực cổng Bến xe Mỹ Đình uống nước. Tại đây, Giáp mặc cả giá xe để yêu cầu anh S. chở Giáp và Trường về nhà bạn ở khu vực phố Tân Phong (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm).
Trên đường từ Bến xe Mỹ Đình về phố Tân Phong, do không có tiền nên Giáp có xin anh S. hôm khác trả tiền thì anh S. không đồng ý.
Khi đến khu vực bãi đất trống, Giáp và Trường xuống xe. Giáp tiếp tục nói không có tiền và xin trả sau. Do S. không đồng ý nên hai bên lời qua tiếng lại, S. giật lấy túi xách của Giáp và vứt xuống đất. Giáp nhặt túi xách lên, lấy dao găm, đâm liên tiếp vào sau lưng anh S.
Khi anh S. bỏ chạy thì Giáp và Trường lấy xe máy của S. phóng đi. Sau đó Giáp chở Trường về Yên Bái trốn. Trên đường đi, bọn chúng vứt dao bấm dọc đường gần hiện trường gây án.
(Theo VTC News)