2
category
465358

‘Năm nay sẽ không phải mua điện của Trung Quốc’

14/01/2021 08:26

 Năm 2021 sẽ có khoảng 1,3 tỷ kwh năng lượng tái tạo bị cắt giảm vì vấn đề thừa nguồn và quá tải đường dây 500 KV từ miền Trung ra miền Bắc.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 13-1, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết trong năm 2021 sẽ có khoảng 1,3 tỷ kwh năng lượng tái tạo bị cắt giảm vì vấn đề thừa nguồn và quá tải đường dây 500 KV từ miền Trung ra miền Bắc.

Điện mặt trời bị cắt giảm vì thừa nguồn, quá tải đường dây

Chia sẻ tại hội nghị, ông Ninh đánh giá năm 2020 có dấu ấn là con số kỷ lục về điện mặt trời áp mái, đặc biệt là trong hai tháng cuối năm và tuần cuối cùng của năm 2020. Cụ thể, tính đến tháng 6-2020 mới có 6.000 MWp thì tháng 12-2020 đạt 10.000 MWp.

'Năm nay sẽ không phải mua điện của Trung Quốc' - ảnh 1
Năm 2020 đánh dấu sự tăng trưởng đột biến về điện mặt trời áp mái. Ảnh: TP

Sự tăng trưởng đột biến này cùng với tình trạng quá tải lưới nội vùng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phải cắt giảm bớt điện mặt trời do thừa nguồn. Theo đó, sản lượng điện mặt trời bị tiết giảm, không khai thác được là trên 365 triệu kwh.

Về cung ứng điện cho năm 2021, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết dự kiến tăng trưởng 5,2% với điện phụ tải là 262,4 tỷ kwh, công suất cực đại khoảng 41700 MW. Về tiến độ nguồn, từ 2021 trở đi sẽ có khoảng 6400 MW nguồn mới, một nửa là năng lượng tái tạo.

“Năm 2021 do tăng trưởng phụ tải không cao nên huy động nhiệt điện than, khí sẽ ở mức thấp. Cụ thể nhiệt điện than chỉ huy động tối đa 6.000 giờ và điện khí khai thác từ 5.000-5.500 giờ. Tổng khai thác năm 2021 tương ứng 125 tỷ kwh đối với than và 34 tỷ kwh đối với khí. Sản lượng này cũng tương đương với năm 2020 dù chúng ta có thêm các nhà máy than khác cũng như khả năng cấp khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2021 cao hơn năm 2020” – ông Ninh cho biết.

Trong bối cảnh như vậy, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia nhận định năm 2021 sẽ không thực hiện mua điện của Trung Quốc.

Vấn đề lớn nhất trong bức tranh cung ứng điện năm 2021 là việc khai thác năng lượng tái tạo trong khi năm 2020 và hiện nay chúng ta đang phải cắt giảm công suất của nguồn điện này vì vấn đề thừa nguồn. Nhiều khả năng thời gian tới nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ vẫn phải cắt giảm thêm.

Theo tiết lộ của Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, khả năng trong năm 2021 sẽ phải cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kwh điện năng lượng tái tạo, trong đó có khoảng 500 triệu kwh bị cắt giảm do thừa nguồn và quá tải đường dây 500 KV từ miền Trung ra miền Bắc.

“Đây sẽ là khó khăn lớn nhất của công tác vận hành cung ứng điện trong năm 2021” – ông Ninh nhận xét.

Phát triển điện mặt trời nhưng không để trục lợi chính sách

Đánh giá về tình trạng phát triển điện mặt trời mái nhà năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết điện mặt trời áp mái sử dụng tại chỗ rất hiệu quả vì không cần phải lên lưới.

Tuy nhiên, với tình trạng phát triển theo phong trào thời gian, chỉ trong thời gian ngắn đã tăng lên rất mạnh, Phó Thủ tướng đánh giá tiêu chí cho điện mặt trời áp mái của chúng ta đang còn lúng túng.

“Đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng tiêu chí phát triển điện mặt trời áp mái, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành điện đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện, khắc phục triệt để hiện tượng quá tải một số đường dây và trạm biến áp, đặc biệt chú trọng việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

Về Quy hoạch Điện VIII, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện, hoàn thành quy hoạch. Trong đó lưu ý xác định rõ quy mô, tổng công suất nguồn điện cho từng giai đoạn, xác định rõ cơ cấu nguồn điện, ưu tiên các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo với cơ cấu phù hợp, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống trong từng giai đoạn.

HIỀN AN/PLO

Đọc nhiều