Năm 2020 thi hành án hơn 62.230 tỉ đồng án tham nhũng, kinh tế

18/12/2020 18:09

Cục thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM cho biết, trong năm qua, riêng việc thi hành án dân sự liên quan đến án tham nhũng, ngân hàng đã có số tiền hơn 62.230 tỉ đồng.

Năm 2020 thi hành án hơn 62.230 tỉ đồng án tham nhũng, kinh tế - Ảnh 1.
Giang Kim Đạt, người được xác định là gây khó khăn nhiều cho công tác thi hành án – Ảnh: THÂN HOÀNG

Tiền nhiều nhưng không dễ thi hành án

Tại hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2020 ngày 18-12, Cục THADS TP.HCM đã nêu một số khó khăn vướng mắc trong việc thu hồi tiền trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tại TP.HCM.

Theo đó, dù được xác định số tiền thi hành án liên quan đến loại án này trong năm 2020 là 62.230 tỉ đồng (trong tổng số 112.513 tỉ đồng) nhưng số vụ việc đủ điều kiện thi hành án chỉ hơn 39.000 tỉ đồng.

Cũng theo cơ quan thi hành án dân sự, các vụ án liên quan đến ngân hàng, quan chức tham nhũng gặp nhiều khó khăn khi thi hành án.

Trong năm 2020, Cục THADS TP.HCM đã thụ lý thi hành nhiều vụ có số tiền phải thi hành án lớn thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi như: vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Dương Thanh Cường, Trần Phương Bình, Giang Kim Đạt…

Các vụ việc này đương sự đang thụ hình tại Trại giam T16, Hà Nội, hoặc chuyển trại không có ủy quyền cho bất kỳ cá nhân nào để tham gia quá trình giải quyết việc thi hành án, thậm chí có những bị án không hợp tác với cơ quan thi hành án.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc khó thi hành án đối với loại án này, đó là pháp luật về tố tụng hình sự, phòng, chống tham nhũng, phá sản và thẩm định giá, bán đấu giá còn khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng; một số quy định còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo với Luật THADS…

Một số trường hợp người phải thi hành án không hợp tác, chống đối việc tổ chức thi hành án, lợi dụng khiếu nại, tố cáo kéo dài để trì hoãn quá trình thi hành án như vụ: Giang Kim Đạt, Giang Văn Hiển, Ngân hàng Xây dựng…

Có trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, tổ chức nhà nước chậm hoặc không yêu cầu thi hành án dẫn đến cơ quan THADS chậm hoặc không thụ lý để tổ chức thu hồi tài sản được.

Tình trạng pháp lý của tài sản phức tạp

Theo báo cáo, một nguyên nhân chủ quan khác dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn là một số nội dung bản án tuyên không rõ, không khả thi, khó thi hành hoặc dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Một số bản án tuyên có sai sót nên mất nhiều thời gian để đợi tòa án giải thích, sửa chữa, đính chính, bổ sung.

Ngoài ra, tình trạng pháp lý của tài sản kê biên trong một số vụ việc hết sức phức tạp, chưa xác định rõ quyền sở hữu, sử dụng, chưa hoàn thiện thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và công trình trên đất…nên cơ quan THADS gặp khó khăn trong việc xử lý, dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo…

HOÀNG ĐIỆP/TTO

Đọc nhiều