Mỹ tập trận ở biển Đông không phải để ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền
Vừa qua, hải quân Mỹ đã điều hai tàu sân bay USS Reagan và USS Nimitz và nhiều tàu chiến tới Biển Đông để tham gia một trong những cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong những năm gần của họ. Trong khi Trung Quốc cũng thực hiện cuộc tập trận quân sự ở gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Có thông tin cho rằng Mỹ đang giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng sự thật có phải như vậy?
Theo như Chuẩn đô đốc George M. Wikoff nói với tờ Wall Street Journal thì: “Sự hiện diện của hai tàu sân bay không nhằm phản ứng với bất cứ một sự kiện chính trị hay thế giới nào. Năng lực tiến bộ là một trong rất nhiều cách để hải quân Mỹ ủng hộ an ninh, ổn định và thịnh vượng trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Thậm chí, Sean Brophy – phát ngôn viên của tàu sân bay Reagan nhấn mạnh: “Những nỗ lực này hỗ trợ cho những cam kết lâu dài của Mỹ nhằm bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia được bay, dong buồm và hoạt động ở bất kỳ nơi nào pháp luật quốc tế cho phép”.
Tuy nhiên, lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, hai chiếc tàu sân bay của Mỹ cùng nhau hiện diện trên Biển Đông. Điều này chứng tỏ Mỹ hiện diện không đơn thuần vì các lý do trên. Nếu theo dõi tình hình biển Đông thời gian gần đây thì có thể đoán được, đây là động thái phô diễn sức mạnh quân sự mới nhất của Washington nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ, bác bỏ các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển này.
Theo CNN, hai tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông trong bối cảnh Bắc Kinh cũng đang tiến hành tập trận phi pháp gần quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục đăng tải những bản tin nhấn mạnh nước này “sẵn sàng đáp trả bất kỳ thách thức nào của Mỹ đối với tuyên bố chủ quyền” của họ. Thế nên, Mỹ đến khu vực Biển Đông, trước hết họ muốn khẳng định vị trí siêu cường số 1 về quân sự, kinh tế, không để cho Trung Quốc trỗi dậy, đe dọa đến vai trò của Mỹ. Hành động của Mỹ nhằm “dằn mặt” Trung Quốc, khẳng định tầm ảnh hưởng của Mỹ với thế giới nhưng nó cũng trùng với việc Việt Nam đang phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền của mình.
Nói như vậy để thấy, Mỹ đến Biển Đông và có hành động với Trung Quốc là vì mục đích của họ, không phải đơn thuần để giúp đỡ “Việt Nam và các nước ASEAN trong việc bảo vệ chủ quyền”. Còn Việt Nam chúng ta luôn hoan nghênh bất cứ nước nào, đặc biệt là nước lớn, có tiếng nói, có hành động để giữ vững hòa bình, ổn định trên khu vực Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng quyền và quyền chủ quyền của các nước. Tại các diễn đàn, hội nghị ngoại giao, Việt Nam luôn kêu gọi các nước duy trì hòa bình, ổn định khu vực biển Đông. Đồng thời, Việt Nam cũng phản đối tất cả các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam và của các nước ASEAN; Phản đối tất cả các hành động gây căng thẳng và bất ổn trên biển Đông và khu vực.
Trung Quốc diễn tập quân sự trong vùng chủ quyền của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, còn Mỹ cũng tiến hành tập trận gần khu vực Trung Quốc tập trận cũng là hành động gây căng thẳng. Quân đội của hai quốc gia có hành động như vậy tạo ra nguy cơ đụng độ về quân sự, dẫn đến khu vực Biển Đông không được yên bình. Hành động của Mỹ và Trung Quốc chỉ mang tính “diễu võ giương oai”, bởi họ là hai nước lớn, nếu xảy ra xung đột thì trước hết là thảm họa cho hai dân tộc, thảm họa cho toàn khu vực và thế giới. Cả Mỹ và Trung Quốc đều rất rõ điều này, chính vì thế trong các hành động họ đều có tính toán kỹ lưỡng, việc tập trận vừa qua và các tuyên bố của quan chức hai bên để “dằn mặt” lẫn nhau.
Trước tình thế đó, Việt Nam đóng vai trò là nước trung lập, sẽ không ủng hộ bất kỳ quốc gia nào. Thay vào đó, Việt Nam sẽ kêu gọi các nước tuân thủ Luật pháp quốc tế, tránh leo thang căng thẳng và phản đối tất cả các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của đất nước. Việt Nam là một dân tộc tự cường, chúng ta chưa bao giờ trông chờ vào nước khác để bảo vệ chủ quyền đất nước, ngay cả khi Mỹ đưa tàu đến tập trận ở biển Đông. Chính vì vậy, hàng năm, Việt Nam vẫn chú trọng đầu tư trang thiết bị, vũ khí, luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trên tinh thần “đồ gì của mình sẽ là của mình”, Việt Nam tự tin hơn hẳn khi nói chuyện về biển đảo. Chưa kể, chúng ta còn có hàng loạt chiến lược khác để bảo vệ chủ quyền của mình mà không cần ai “bảo vệ chủ quyền” giúp.
Ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố tập trận tại quần đảo Hoàng Sa, đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng khẳng định: “Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần tuyên bố DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán COC (bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông) hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”. Rõ ràng, chúng ta vẫn đang có đường lối chiến lược bảo vệ chủ quyền cho riêng mình.
Hạ Trắng (TH)