Mỹ tấn công chiến lược ‘dung hợp quân – dân’ của TQ

23/12/2020 10:05

Nếu Trung Quốc áp dụng chiến lược ‘dung hợp quân – dân’ (kết hợp dân sự và quân sự) để phát triển quân đội, giờ đây Mỹ đưa cả công ty quân sự và phi quân sự Trung Quốc vào cùng một danh sách đen.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, “dung hợp quân – dân” (MCF) là một chiến lược của Trung Quốc nhằm phát triển Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trở thành “quân đội đẳng cấp thế giới” vào năm 2049.

Mỹ tấn công chiến lược dung hợp quân - dân của Trung Quốc - Ảnh 1.
Tàu sân bay Sơn Đông được xem là một sản phẩm của chiến lược “dung hợp quân – dân” của Trung Quốc – Ảnh: Tân Hoa xã

“Đó sẽ là sai lầm cơ bản nếu tin rằng Bắc Kinh quan tâm đến việc đáp ứng các thỏa thuận chỉ sử dụng công nghệ mua từ Mỹ cho mục đích dân sự, vốn là một điều kiện mua hàng từ các công ty Mỹ.

Cây bút chuyên về Trung Quốc Bonnie Girard bình luận trên tạp chí Diplomat

Hai đòn một ngày

Ngày 21-12 (giờ Mỹ), Bộ Thương mại Mỹ đã công bố danh sách các công ty Trung Quốc và Nga bị cáo buộc có quan hệ với quân đội của mỗi nước này. Điều này sẽ hạn chế họ mua một loạt hàng hóa và công nghệ của Mỹ.

Danh sách này có tên của 103 thực thể, gồm 58 công ty có mối quan hệ với Trung Quốc và 45 thực thể có mối quan hệ với Nga (trong đó cả Cơ quan tình báo đối ngoại – SVR của Nga).

Theo Bộ Thương mại Mỹ, đây là danh sách “người dùng quân sự cuối” (MEU) đầu tiên mà họ công bố.

Về phía Trung Quốc có Viện Nghiên cứu kỹ thuật động lực hàng không vũ trụ (AASPT), 8 đơn vị thuộc Tập đoàn Động cơ hàng không vũ trụ Trung Quốc (AECC), 7 công ty/viện nghiên cứu thuộc Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC)… cùng hàng loạt công ty khác.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng động thái trên đã thiết lập một quy trình mới “hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong việc sàng lọc khách hàng u”.

Các công ty Mỹ phải xin giấy phép mới được bán hàng cho MEU trong danh sách trên. Hãng tin Reuters đánh giá với việc gắn mác như vậy, khả năng các công ty Mỹ bị bác nhiều hơn là cấp phép.

Trước đó cũng trong ngày 21-12, trong một động thái riêng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố thêm các hạn chế thị thực với những quan chức Trung Quốc tham gia những hành vi khiến Washington không hài lòng tại Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, chẳng hạn “phá hủy quyền tự trị như đã hứa hẹn của Hong Kong”.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 22-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thúc giục Mỹ dừng “những hành động sai lầm” và đối xử công bằng với tất cả công ty.

Ngăn tiếp cận công nghệ Mỹ

Động thái mới nhất của Mỹ diễn ra sau khi chính quyền ông Trump thêm hàng chục công ty Trung Quốc – gồm nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC và nhà sản xuất máy bay không người lái DJI – vào một danh sách đen thương mại khác hôm 18-12.

Bình luận về việc Mỹ tấn công các công ty công nghệ Trung Quốc như SMIC, Đài CNN (Mỹ) ngày 22-12 cho rằng “Mỹ tấn công vào trái tim nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành siêu cường công nghệ”.

Trong khi đó, khi công bố danh sách mới nhất ngày 21-12, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết: “Bộ Thương mại Mỹ nhận ra tầm quan trọng của việc tận dụng quan hệ đối tác với các công ty Mỹ cũng như toàn cầu để chống lại những nỗ lực của Trung Quốc và Nga trong việc khai thác công nghệ của Mỹ phục vụ các chương trình quân sự gây mất ổn định của họ”.

“Người dùng quân sự cuối” là gì?

Theo Fox Business, “người dùng quân sự cuối” gồm các lực lượng vũ trang, cảnh sát quốc gia, các tổ chức trinh sát hay tình báo chính phủ. Ngoài ra, giờ đây họ còn là bất kỳ cá nhân/thực thể nào hỗ trợ hay đóng góp vào việc sản xuất hàng hóa quân sự ngay cả khi hoạt động kinh doanh của họ chủ yếu phi quân sự.

Chẳng hạn, theo báo Nikkei, tàu sân bay Sơn Đông – hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên của Trung Quốc – là một sản phẩm của chính sách “dung hợp quân – dân”. Nhiều công ty tham gia phát triển tàu sân bay này trước đó vốn thuộc dân sự, không có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

BÌNH AN/TT

Đọc nhiều