Mỹ siết thêm lệnh cấm với Huawei không cho lách luật!

Thành Nhân 18/08/2020 08:56

Mỹ thêm 38 chi nhánh của Huawei vào “danh sách đen”, hạn chế công ty này tiếp cận công nghệ chip qua bên thứ ba.

38 chi nhánh gồm các đơn vị thuộc Huawei đang hoạt động tại Bắc Kinh, Hong Kong, Paris, Berlin và Mexico, nâng tổng số chi nhánh của Huawei bị cho vào danh sách đen lên 152, tính từ tháng 5/2019.

Bên cạnh đó, Mỹ mở rộng quy định, yêu cầu các công ty và chi nhánh cần giấy phép đặc biệt khi mua bán với Huawei, bất kể Huawei là người mua, người nhận hàng, trung gian, hay người dùng cuối. Quy định có hiệu lực ngay lập tức.

Mỹ ngày càng siết chặt lệnh cấm với Huawei. Ảnh: NDTV.
Mỹ ngày càng siết chặt lệnh cấm với Huawei. Ảnh: NDTV.

Mục đích của việc thắt chặt lệnh cấm là ngăn Huawei tiếp cận chip và công nghệ sản xuất chip. Công ty Trung Quốc này không thể mua sản phẩm bán dẫn hay bất cứ loại chip nào được sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ Mỹ nếu không có giấy phép đặc biệt. Động thái này cũng hạn chế tình huống Huawei sẽ “lách luật”, sử dụng bên thứ ba để tiếp cận công nghệ chip trong thương mại.

“Thông qua bên thứ ba, Huawei và các chi nhánh của họ đã khai thác các công nghệ của Mỹ, làm suy yếu an ninh quốc gia và giảm lợi ích trong chính sách đối ngoại của Mỹ”, Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói với Reuters.

Ngày 8/8, Huawei cũng tiết lộ khả năng khai tử mảng chip di động do nguồn cung gặp khó khăn. “Từ ngày 15/9 trở đi, vi xử lý Kirin hàng đầu của chúng tôi sẽ không còn ra mắt nữa. Chip hỗ trợ AI cũng không thể tiếp tục tiến hành. Đây là một mất mát lớn với chúng tôi”, Richard Yu, Giám đốc mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei, nói trong một sự kiện công nghệ tại Trung Quốc tuần trước.

Áp lực từ Mỹ tới các nhà cung ứng linh kiện khiến HiSilicon, công ty con của Huawei, không thể tiếp tục sản xuất chip di động. Bộ phận chip của Huawei vốn phụ thuộc vào phần mềm thiết kế chip từ các công ty của Mỹ, như Cadence Design Systems hoặc Synopsys. Còn việc sản xuất được giao cho TSMC – công ty chuyên gia công chip vốn cũng sử dụng nhiều thiết bị và công nghệ của Mỹ.

TSMC cho biết sẽ giao các đơn hàng cho Huwei trước ngày 15/9. Mẫu Mate 40 ra mắt vào tháng 9 tới có thể là smartphone cuối cùng sử dụng chip Kirin. Bản thân TSMC cũng bị ảnh hưởng nặng từ lệnh cấm của Mỹ, do Huawei là khách hàng lớn thứ hai của họ. Năm ngoái, hãng smartphone Trung Quốc đóng góp doanh thu 5,2 tỷ USD cho TSMC, tăng 80% so với năm 2018.

Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen năm 2019, Huawei tăng cường việc tự thiết kế chip và đặt TSMC sản xuất dòng Kirin cho smartphone, cũng như các chip cho trạm cơ sở 5G, chip AI, máy chủ… Nhờ đó, họ hạn chế phụ thuộc vào các nhà cung ứng Mỹ như Qualcomm hay Broadcom. Tuy nhiên, với lệnh cấm mới, hãng sẽ gặp thách thức lớn khi chuyển sang dùng chip của MediaTek hay Unisoc cho smartphone cao cấp của mình. Bộ phận smartphone của Huawei có thể vẫn ổn trong phần còn lại của năm 2020, nhưng hai năm tiếp theo, cuộc chơi sẽ hoàn toàn khác.

Thành Nhân/Reuters

Đọc nhiều