Mỹ ra sức đe dọa, Bắc Kinh vẫn kiệm lời: Chuyên gia cảnh báo TQ cẩn trọng quá hóa “thua đau”
Nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc Yu Yongding nhận định Trung Quốc đang thất thế trước Mỹ trong cuộc chiến truyền thông.
Tổng thống Trump hơn 100 lần đăng Tweet, Bắc Kinh lặng thinh
Theo ông Yu Yongding, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hơn 100 lần đăng tải các bình luận về Trung Quốc lên trang mạng xã hội Twitter, kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa 2 nước nổ ra vào cuối tháng 7 năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh ngược lại tỏ ra khá kín tiếng về vấn đề này.
“Nếu không thay đổi điều này, kể cả những điều chúng ta làm là chính đáng sẽ trở nên tiêu cực trong mắt dư luận”, ông nói.
Các chuyên gia cho rằng sự không cân bằng về các hoạt động truyền thông đã cho tạo ra lợi thế cho Washington trên mặt trận tuyên truyền trong cuộc chiến thương mại.
Bắc Kinh chọn cách tiếp cận cẩn trọng trong việc đưa ra thông điệp khiến khó có thể thu hút sự quan tâm từ dư luận quốc tế.
“Sự thiếu hiệu quả trong chiến lược truyền thông của Trung Quốc được thể hiện rõ trong cuộc chiến thương mại”, Jonathan Hassid, chuyên gia nghiên cứu truyền thông Trung Quốc tại trường đại học bang Iowa, Mỹ, nhận định.
“Mặc dù thực thế cho thấy chỉ có một vài lãnh đạo các nước bày tỏ quan điểm ủng hộ ông Trump, nhưng đối với Bắc Kinh, con số này cũng không cao. Điều này cho thấy người đứng đầu Nhà Trắng đã có thể kiểm soát một cách hiệu quả xu hướng đưa tin của truyền thông thế giới, kể cả trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với nhiều thông tin bất lợi từ báo chí”.
Trong khi Tổng thống Trump đã tổ chức một cuộc họp báo kéo dài 70 phút sau cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã lại chỉ đưa những thông tin hạn chế và không bao gồm nội dung thảo luận về lệnh cấm của chính phủ Mỹ đối với tập đoàn công nghệ Huawei.
Trường hợp cá biệt Huawei
Huawei, tập đoàn có mối quan hệ kinh doanh phát triển toàn cầu của Trung Quốc, đã luôn nằm trong tâm điểm của cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc. Trước sức ép từ Mỹ, lãnh đạo tập đoàn đã không ngần ngại sử dụng truyền thông để phản bác các cáo buộc của Washington.
Ở thời điểm hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung gặp mặt tại Osaka, người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi đã có bài phát biểu trước báo chí tại trụ sở của công ty ở Thâm Quyến về tương lai của công nghệ 5G và cách thức mà Canada có thể giải quyết trường hợp 2 công dân của nước này bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ với cáo buộc ăn cắp bí mật quốc gia.
Kể từ khi con gái ông, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Vancouver vào tháng 12 và đối mặt với viễn cảnh bị dẫn độ sang Mỹ, vị tỉ phú 74 tuổi, người trong suốt hàng chục năm qua thường tránh xuất hiện trước báo chí, đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với truyền thông phương tây.
Jiang Min, giáo sư tại trường đại học North Carolina, cho rằng sự xuất hiện của Nhậm Chính Phi trước báo chí đã tạo cơ hội cho ông thể hiện quan điểm về những vấn đề liên quan đến Huawei.
Trong khi đó, Bắc Kinh, với việc thiếu vắng một gương mặt đại diện, đang mất đi lợi thế về mặt truyền thông đối với Mỹ, nhất là khi các quan chức cấp cao của nước này đều hạn chế đưa ra các nhận xét. Qua đó, Trung Quốc luôn phụ thuộc vào những người phát ngôn và giới hạn ở các tuyên bố mang tính chính thống.
Truyền thông “màu hồng” phản tác dụng
Ở trong nước, Trung Quốc đã đẩy mạnh kiểm soát các nguồn tin về cuộc chiến thương mại. Các từ khoá như “chiến tranh thương mại”, hay “Mỹ” là những từ được kiểm duyệt nhiều nhất trên mạng xã hội WeChat vào năm ngoái, dựa theo WeChatScope, một dự án của trường đại học Hong Kong nghiên cứu về phần mềm này.
Các tờ báo nhà nước như Nhân dân Nhật báo thường xuyên đăng tải những bài phân tích về cuộc chiến thương mại, nhưng những thông tin này lại không đến được với các độc giả quốc tế.
“Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm trong cách thức gửi đi thông điệp của mình, bao gồm việc truyền tải thông tin chính xác tới Mỹ, các kênh và cách chia sẻ thông tin”, Wei Zongyou, giáo sư tại trường đại học Fudan, Thượng Hải, nói.
“Tôi nghĩ rằng khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, sự khác biệt giữa những tuyên bố màu hồng của nhà chức trách và thực tế đang diễn ra sẽ khiến công chúng phải đặt dấu hỏi”, GS Wei nói thêm.
Zeng Yuan, chuyên gia truyền thông tại trường đại học Leeds, Vương Quốc Anh, nhận xét truyền thông Trung Quốc đưa tin một màu và đặc biệt kém hiệu quả trước cách nhìn đa chiều của báo chí Mỹ từ cả những người ủng hộ và chỉ trích Tổng thống Trump.
Mà theo đó, một phần là sự thiếu rõ ràng trong thông tin từ phía Trung Quốc đăng tải, trong đó phản bác các cáo buộc của Mỹ nhưng lại thiếu các luận chứng cụ thể, Zeng kết luận.
(Theo Soha News)