Mỹ, phương Tây tức tốc bổ sung nhiều biện pháp trừng phạt “tàn khốc” với Nga
Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng tất cả tài sản của Nga tại Mỹ sẽ bị đóng băng và các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn sẽ được áp dụng đối với Nga.
Theo thông tin được biết, ngày 24/2 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu tại Nhà Trắng về tình hình Ukraine, thông báo rằng tất cả tài sản của Nga tại Mỹ sẽ bị đóng băng và các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn sẽ được áp dụng đối với Nga.
Tổng thống Mỹ: Đóng băng tài sản của Nga ở Mỹ
Tổng thống Biden nói rằng các lệnh trừng phạt này bao gồm: Mỹ sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Nga trong nền kinh tế công nghệ cao ở thế kỷ 21; Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành tài chính Nga, các ngân hàng lớn của Nga bị trừng phạt ước tính nắm giữ khoảng 1 nghìn tỷ USD tài sản; Mỹ cũng sẽ ngay lập tức đóng băng tài sản của ngân hàng lớn thứ hai của Nga – VTB. Ông Biden cho biết, ước tính các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga sẽ cắt đứt hơn một nửa lượng hàng hóa và công nghệ nhập khẩu công nghệ cao của Nga.
Ngoài ra, ông Biden cũng đăng trên mạng xã hội rằng, sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của nhóm G7, họ đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt “tàn khốc” đối với Nga “để buộc Nga phải chịu trách nhiệm”.
Anh: 10 lệnh trừng phạt bổ sung sẽ được đưa ra
Ngoài Mỹ, chiều 24/2 theo giờ địa phương, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố một vòng trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ông Johnson thông báo rằng, ngoài các lệnh trừng phạt được chính phủ Anh xác nhận vào ngày 21/2, 10 lệnh trừng phạt bổ sung sẽ được đưa ra, bao gồm:
– Áp đặt phong tỏa tài sản đối với tất cả các ngân hàng lớn của Nga và đóng băng ngay lập tức ngân hàng VTB với tổng tài sản 154 tỷ bảng Anh;
– Ngày 1/3 luật sẽ được ban hành để cấm tất cả các công ty Nga tài trợ tại thị trường Anh;
– Các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức và công ty con của họ, bao gồm cả công ty quốc phòng lớn nhất của Nga Rostec;
– Hãng hàng không Aeroflot có trụ sở tại Moscow sẽ bị cấm nhập cảnh vào Vương quốc Anh;
– Đình chỉ ngay lập tức giấy phép xuất khẩu sang Nga – chẳng hạn như linh kiện điện cho xe tải quân sự;
– Sớm ban hành luật để cấm xuất khẩu một số lượng lớn các sản phẩm công nghệ cao sang Nga;
– Xem xét ban hành luật để hạn chế số lượng tiền gửi của công dân Nga trong tài khoản ngân hàng của Vương quốc Anh;
– Làm việc với các đồng minh G7 và NATO để ngăn chặn quyền truy cập của Nga vào hệ thống thanh toán của Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT);
Những biện pháp trên cũng sẽ được áp dụng với Belarus; đồng thời xem xét đưa ra một dự luật tội phạm kinh tế nhằm vào hành động huy động vốn của người Nga ở Anh.
EU triệu tập đại diện thường trực của Nga
Về phía EU, ngày 24/2 theo giờ Brussels (Bỉ), Tổng thư ký Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu Stefano Sannino đã triệu tập Đại diện thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizhov. Trong một tuyên bố, Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu cho biết, EU đã yêu cầu Nga ngay lập tức ngừng các hoạt động quân sự và rút tất cả binh lính và thiết bị quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine một cách vô điều kiện.
Ông Sannino nói với ông Chirov rằng, EU sẽ công bố một loạt các biện pháp trừng phạt mới, cứng rắn đối với Nga tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào cuối ngày.
Theo hãng thông tấn RIA của Nga, chính phủ Thụy Sĩ cho biết, nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 3 ngân hàng Nga và áp đặt các hạn chế đi lại đối với 361 thành viên của Duma Quốc gia Nga.
Tuyên bố của Nga
Vào ngày 24/2 theo giờ địa phương, trong cuộc gặp với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này vẫn là một phần của nền kinh tế toàn cầu và Nga sẽ không gây thiệt hại cho hệ thống kinh tế toàn cầu.
Cũng trong ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo trên trang web chính thức cho rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga là vô hiệu và bất hợp pháp. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng, các tổ chức như Liên minh châu Âu hay NATO không có quyền quyết định chiến tranh và hòa bình ở châu Âu, và chỉ có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới có quyền như vậy.
Ngân hàng Trung ương Nga ngày 24/2 thông báo, nhằm ổn định thị trường tài chính, Ngân hàng Trung ương Nga quyết định can thiệp vào thị trường ngoại hối để cung cấp thêm thanh khoản cho ngành ngân hàng. Ngoài ra, theo tờ Fox News của Mỹ, Ngân hàng Trung ương Nga cùng ngày đã thông báo cấm các nhà giao dịch “bán khống” trên thị trường chứng khoán Nga.
Vào ngày 25/2 theo giờ địa phương, Ngân hàng Trung ương Nga cũng thông báo rằng họ sẽ cung cấp đồng rúp và hỗ trợ ngoại hối cho các ngân hàng tại Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Phạm Hùng