Mỹ phát triển tên lửa siêu thanh ngay khi rút khỏi Hiệp ước INF

21/08/2019 18:09

Mỹ bắt tay nghiên cứu phát triển các tên lửa siêu thanh thế hệ mới ngay khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Nga hơn 3 thập niên trước.

Mỹ phát triển tên lửa siêu thanh ngay khi rút khỏi Hiệp ước INF
Mỹ phát triển tên lửa siêu thanh ngay khi rút khỏi Hiệp ước INF

Hãng RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan D. McCarthy cho biết, Mỹ đang đang xem xét phát triển các tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn trước đó bị hạn chế bởi Hiệp ước INF.

Theo Bộ trưởng McCarthy, tên lửa siêu thanh mà Mỹ muốn nhắm tới dự kiến sẽ đạt tốc độ bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh và trang bị đầu đạn hạt nhân.

Hiệp ước INF là một thỏa thuận giữa Liên Xô và Mỹ được ký bởi Mikhail Gorbachev và Ronald Reagan vào ngày 8 tháng 12 năm 1987 trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên Xô ở Washington. Hiệp ước có hiệu lực vào ngày 1 tháng 6 năm 1988.

Ngày 2/8/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF. Cùng ngày, Nga cũng thông báo “Hiệp ước INF đã chấm dứt”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định, Mỹ đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại Nga, trong khi chính quốc gia này mới là bên tự ý phá bỏ Hiệp ước INF.

Ngay lập tức, ngày 18/8, Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất tại một bãi thử trên đảo San Nicolas, California. Sau khi rời bệ phóng, tên lửa đã nhắm trúng mục tiêu nằm cách hơn 500km.

Ông Franz Klintsevich, thành viên Ủy ban Quốc phòng an ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga, cho rằng, việc Mỹ phóng tên lửa hành trình với tầm bắn hơn 500km là “sự nhạo báng cộng đồng quốc tế”.

Thượng nghị sĩ Nga lưu ý rằng, Mỹ đang công khai cho toàn thế giới thấy việc nước này vẫn ngấm ngầm sản xuất các tên lửa bị hạn chế bởi Hiệp ước INF trong thời gian dài.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga), ông Yuri Shvytkin khẳng định vụ phóng tên lửa mới nhất của Mỹ buộc Nga phải suy nghĩ lại về việc duy trì cấu trúc hệ thống an ninh châu Âu.

Nghị sĩ Alexander Sherin cũng chỉ ra rằng, ít nhất trong 5 năm trở lại đây, người Mỹ đã bí mật tiến hành những hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo như vậy, và khi Nga yêu cầu các cuộc kiểm tra, thì người Mỹ lập tức rút khỏi Hiệp ước INF.

Theo ông Sherin, Washington đã khởi xướng việc rời khỏi Hiệp ước INF nhằm tiến hành nhiều hơn nữa các vụ thử tên lửa đạn đạo.

Cả Nga và Trung Quốc đều lập tức chỉ trích động thái này và cảnh báo Washington đang châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như toàn thế giới.

Nga và Trung Quốc ngày 21/8 đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) họp khẩn liên quan đến vụ thử vũ khí mới nhất của Mỹ cũng như những tuyên bố của Washington về các kế hoạch chế tạo, triển khai tên lửa tầm trung. Cuộc họp dự kiến được tổ chức vào ngày 22/8 theo hình thức mở và có báo cáo từ đại diện của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Tieu Diem

Tags :
Đọc nhiều